Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc nhận xét, việc xử lý nghiêm tội phạm tham nhũng ở Trung ương đã tạo sự lan tỏa. Thành công có được do sự chỉ đạo mạnh mẽ, quyết tâm cao của Tổng Bí thư…
Thứ trưởng Công an nêu nhận xét lại tại hội thảo khoa học về kết quả công tác phòng (PCTN) chống tham nhũng giai đoạn 2013 – 2020 do Ban Nội chính Trung ương tổ chức ngày 28/11.
Tại hội thảo, đánh giá về công tác PCTN trong nhiệm kỳ qua, Phó Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho rằng, công tác PCTN đã có những đột phá, có tác dụng răn đe, phòng ngừa, được nhân dân tin tưởng đồng tình ủng hộ.
Chính hệ thống Mặt trận đã đẩy mạnh tuyên truyền, cùng với 47 tổ chức thành viên đã tuyên truyền vận động để người dân “nói không với tham nhũng”. Đồng thời giám sát những vụ việc và chuyển tới các cơ quan chức năng phải trả lời những kiến nghị của người dân.
Ông Thực khẳng định, giám sát của Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng đã đem lại nhiều kết quả. Điều đó cho thấy đã có sự chuyển biến ở cơ sở được nhân dân đồng tình.
Tuy nhiên, ông Thực nhận xét, thời gian qua, các vụ án vi phạm, tham nhũng là do sử dụng quyền lực, có sự lạm quyền, còn phát hiện nội trong nội bộ còn hạn chế.
“Do đó cần chú ý đến vấn đề công khai minh bạch để người dân giám sát. Quan tâm tới cơ chế bảo vệ người tố cáo, làm sao để người dân dám nói. Đồng thời tăng cường kiểm soát tài sản thu nhập của cán bộ công chức, viên chức, hướng tới xã hội không dùng tiền mặt, hình thành văn hóa đạo đức liêm chính cho học sinh ngay từ trong nhà trường”- ông Thực nêu quan điểm.
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc nhận xét, việc xử lý nghiêm tham nhũng ở cấp trung ương thờigian qua đã tạo sự lan tỏa, khắc phục được tình trạng “trên nóng dưới lạnh”. Như trước đây phát hiện tham nhũng ở cơ sở rất khó khăn. Nhưng đến nay nhiều địa phương đã chủ động điều tra trong PCTN. Như vụ đánh bạc tại Phú Thọ đã được địa phương vào cuộc mạnh mẽ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Thành công trên theo ông Ngọc là do sự chỉ đạo, quyết tâm cao của Đảng, không có ngoại lệ, sự quyết tâm của Tổng Bí thư trên cương vị Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN.
Từ vụ việc phát hiện các hành vi tham nhũng qua đại dịch Covid-19 đã nhận diện được nhóm đối tượng lợi dụng tình huống khẩn cấp để cấu kết nâng giá thiết bị y tế, ông Ngọc cho rằng, trong PCTN không chỉ quan tâm tới lĩnh vực công mà cần lưu ý đến lĩnh vực tư. Không chỉ quan tâm đến vấn đề kinh tế, mà cần quan tâm đến các sai trái về mặt tư tưởng. Do đó để PCTN có hiệu quả trong thời gian tới cần đẩy mạnh đề án không dùng tiền mặt, và kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức.
Ông Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh, quản lý tài sản công có vai trò rất quan trọng trong PCTN. Bởi tham nhũng cơ bản tập trung vào vấn đề tài sản công, đất đai. Do đó cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về tài sản công, ban hành luật nhưng cần thực hiện đúng theo các quy định pháp luật.
“Công khai minh bạch là giải pháp của mọi giải pháp. Muốn vậy phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để cán bộ ít tiếp xúc với cán bộ trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính. Công khai phạm vi quản lý tài sản công để thuận tiện cho việc giám sát, qua đó phát hiện được hành vi vi phạm, góp phần chống tham nhũng, lãng phí” – ông Hà kiến nghị.
Ủy viên UB Kiểm tra Trung ương Nguyễn Minh Quang xác định, hạn chế, tồn tại trong công tác PCTN là chưa đẩy lùi được nạn “tham nhũng vặt”. Các giải pháp chống tham nhũng vặt đưa ra chưa thực sự hiệu quả.
“Tham nhũng vặt làm băng hoại cán bộ công chức, đặc biệt ở cấp cơ sở.Việc này làm cho người dân và doanh nghiệp bức xúc, đi đâu cũng phải bôi trơn, không được bôi trơn cán bộ cảm thấy thiếu thiếu cái gì đó, không bôi trơn thì công việc trì hoãn, thậm chí bị tham mưu không chính xác” – ông Quang nói.
Quan trọng hơn hết với công cuộc PCTN là ngăn chặn, phòng ngừa, trong đó, hoạt động kiểm tra đảng gắn với công cuộc chỉnh đốn Đảng được xác định là một việc quan trọng để phát hiện vi phạm, qua đó nhằm chấn chỉnh ngay từ đầu nguy cơ vi phạm của các tổ chức Đảng và đảng viên. Kiểm tra, theo đó, cần đi trước một bước để kịp thời phát hiện, ngăn chặn tham nhũng.
Kết luận hội thảo, ông Phan Đình Trạc khái quát, PCTN là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, khó khăn, vừa cấp bách, vừa lâu dài của các ngành, các cấp, kiên quyết kiên trì, có trọng tâm, trọng điểm, không có ngoại lệ gắn với xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Vì vậy cần tăng cường kiểm soát, giám sát đối với người có chức vụ, quyền hạn.
Ông Trạc nhấn mạnh nguyên lý, mọi quyền lực phải được kiểm soát bằng cơ chế, lợi dụng quyền lực phải bị truy cứu trách nhiệm. Công khai minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình, có sự giám sát quyền lực giữa các cơ quan lập pháp – hành pháp – tư pháp, và giám sát bên trong nội bộ mỗi cơ quan. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt, bịt kín những sơ hở để không thể tham nhũng. Tăng cường tuyên truyền giáo dục, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu, xây dựng văn hóa trách nhiệm nói đi đôi với làm.
PV/DT
Nguồn: Cánh cò