Một trong những đóng góp đáng kể nhất của Ph.Ăngghen là những quan điểm về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH). Quan điểm đó có ý nghĩa to lớn đối với Việt Nam trong việc xác định con đường phát triển đất nước và hiện nay vẫn đang là nền tảng tư tưởng quan trọng để chúng ta đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam.
QUAN ĐIỂM CỦA PH.ĂNGGHEN VỀ CON ĐƯỜNG ĐI LÊN CNXH
Mặc dù sống ở giai đoạn chủ nghĩa tư bản (CNTB) phát triển nhưng trên cơ sở nghiên cứu những quy luật vận động khách quan của lịch sử, Ph.Ăngghen cùng với C.Mác đã khẳng định: CNTB không phải là hình thái kinh tế – xã hội vĩnh viễn trong lịch sử mà tất yếu nó sẽ bị thay thế bằng hình thái kinh tế – xã hội cao hơn. Đó là chủ nghĩa cộng sản mà giai đoạn đầu là CNXH. Quan điểm này không chỉ được Ph.Ăngghen và C.Mác trình bày nhất quán trong nhiều tác phẩm viết chung mà ngay cả ở những tác phẩm viết riêng của Ph.Ăngghen như “Tình cảnh giai cấp công nhân Anh”, “Chống Ðuyrinh”, “Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước”, “Biện chứng của tự nhiên”, “Vấn đề nông dân ở Pháp và Ðức”, “Những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản”… Vì thế, mặc dù chỉ khiêm tốn nhận mình là “cây vĩ cầm thứ hai” bên cạnh C.Mác nhưng đúng như V.I.Lênin khẳng định: “Từ ngày mà vận mệnh đã gắn liền C.Mác với Ph.Ăngghen thì sự nghiệp suốt đời của hai người bạn ấy trở thành sự nghiệp chung của họ”(1), và : “Không thể nào hiểu được chủ nghĩa Mác và trình bày đầy đủ được chủ nghĩa Mác, nếu không chú ý đến toàn bộ những tác phẩm của Ăngghen”(2). Nhận định đó đã cho thấy vai trò không thể phủ nhận của Ph.Ăngghen đối với sự hình thành và phát triển của chủ nghĩa Mác.
Ph.Ăngghen (1820 – 1895) được biết đến không chỉ là người bạn đồng hành, người đồng chí tin cậy, thủy chung của C.Mác mà còn là một nhà tư tưởng lớn đã cùng với C.Mác xây dựng lên một học thuyết đứng vững trên lập trường của chủ nghĩa duy vật.
Một trong những đóng góp quan trọng nhất của Ph.Ăngghen đối với chủ nghĩa Mác là quan điểm về CNXH và con đường đi lên CNXH. Sở dĩ Ph.Ăngghen và C.Mác đưa ra quan điểm này vì vào thời của các ông, CNTB đang phát triển nhưng cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản với giai cấp tư sản ngày càng rõ nét hơn, báo hiệu cho sự ra đời tất yếu của một cuộc cách mạng mới trong lịch sử – cách mạng vô sản. Do đó, vấn đề con đường đi lên CNXH đã được đặt ra. Mặc dù trong một số tác phẩm viết chung C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ ra những đặc trưng cơ bản của CNXH nhưng khi C.Mác qua đời, để trả lời cho câu hỏi của một số nhà lý luận cánh tả đang có khuynh hướng dao động về con đường đi lên CNXH, Ph.Ăngghen đã viết: “Cái gọi là “xã hội xã hội chủ nghĩa”, theo ý kiến tôi không phải cái đó nhất thành bất biến, mà cũng như mọi chế độ xã hội khác, nó cần phải được xem xét như một xã hội được thay đổi và cải tạo thường xuyên. Sự khác biệt có tính chất quyết định của nó so với chế độ hiện nay, là ở việc tổ chức sản xuất trên cơ sở sở hữu chung trước hết của từng dân tộc đối với tất cả các tư liệu sản xuất”(3). Với quan điểm này, Ph.Ăngghen đã chỉ ra sự khác biệt căn bản của CNXH so với CNTB là ở trên chế độ sở hữu về tư liệu sản xuất. Nếu CNTB dựa trên chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất thì CNXH lại dựa trên chế độ công hữu về tư liệu sản xuất bởi “chỉ có nhờ nó mới thực hiện được việc giải phóng giai cấp công nhân, và cùng với nó, thực hiện được việc giải phóng tất cả những thành viên xã hội không trừ một ai”(4).
Ngoài sự khác biệt đó, Ph.Ăngghen còn chỉ rõ thêm những đặc điểm của CNXH. Theo Ph.Ăngghen, đó là “một chế độ xã hội mới trong đó sẽ không còn sự phân biệt giai cấp như hiện nay nữa, và trong đó… những phương tiện để sinh sống, để hưởng thụ những niềm của cuộc đời, để có được học vấn, để biểu hiện tất cả mọi năng lực thể chất và tinh thần của mình, sẽ được giao cho tất cả mọi thành viên trong xã hội sử dụng ngày càng đầy đủ, nhờ sử dụng có kế hoạch và phát triển hơn nữa những lực lượng sản xuất to lớn đã có sẵn, bằng chế độ lao động bắt buộc như nhau đối với mọi người”(5).
Không chỉ chỉ ra những nét đặc trưng của chế độ xã hội chủ nghĩa trong tương lai, Ph.Ăngghen còn chỉ ra con đường để đi đến chế độ xã hội đó. Cùng với C.Mác, Ph.Ăngghen đã khẳng định mặc dù chế độ xã hội chủ nghĩa là tương lai chung của lịch sử loài người nhưng con đường đi lên CNXH ở mỗi dân tộc là khác nhau, tùy theo những điều kiện lịch sử cụ thể. Tuy nhiên, đặc điểm chung của quá trình này là đều đỏi hỏi một thời gian rất dài, với những bước phát triển dần dần để tích lũy về lượng các nhân tố của CNXH rồi mới có thể tạo ra những biến đổi về chất. Do vậy, không thể chủ quan, nóng vội, đột cháy giai đoạn khi xây dựng CNXH. Không thể vì muốn có ngay CNXH mà thủ tiêu ngay lập tức chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất. Điều này đã được Ph.Ăngghen chỉ rõ trong tác phẩm “Những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản” như sau: “Không, không thể được, cũng y như không thể làm cho lực lượng sản xuất hiện có tăng lên ngay lập tức đến mức cần thiết để xây dựng một nền kinh tế công hữu. Cho nên, cuộc cách mạng của giai cấp vô sản đang có tất cả những triệu chứng và sắp nổ ra, sẽ chỉ có thể cải tạo xã hội hiện nay một cách dần dần, và chỉ khi nào tạo nên được một khối lượng tư liệu sản xuất cần thiết cho việc cải tạo đó thì khi ấy mới thủ tiêu được chế độ tư hữu”(6).
Không chỉ khẳng định con đường tất yếu của các nước tư bản phát triển ở phương Tây là tiến lên CNXH mà cuối những năm 80, 90 của thế kỷ XIX, Ph.Ăngghen còn quan tâm đến vận mệnh của các nước tiền tư bản ở châu Á. Khi nghiên cứu về nước Nga, Ph.Ăngghen đã nhìn thấy khả năng một nước tiền tư bản như nước Nga có thể đi lên xây dựng CNXH với một số điều kiện nhất định như “nông dân không canh tác riêng lẻ mà canh tác tập thể”, “nông dân không phải trải qua chế độ trung gian là chế độ sở hữu manh mún tư sản về ruộng đất”(7). Như vậy, theo Ph.Ăngghen, điều kiện của nước Nga khi muốn đi lên CNXH là phải có mầm mống của chế độ công hữu về tư liệu sản xuất bởi “chế độ công hữu về ruộng đất tạo ra cho nó cơ sở tự nhiên của việc chiếm hữu tập thể, còn hoàn cảnh lịch sử của nó – nền sản xuất tư bản chủ nghĩa tồn tại đồng thời với nó – bảo đảm cho nó những điều kiện vật chất sẵn có đối với lao động tập thể được tổ chức trên quy mô lớn. Do đó, nó có thể lợi dụng tất cả những thành tựu tích cực mà chế độ tư hữu đã đạt được, không phải qua khe núi Cápđia của chế độ xã hội này”(8). Ph.Ăngghen còn nhấn mạnh thêm khả năng phát triển “rút ngắn” sẽ giúp cho các nước có thể tránh được phần lớn những tai ương, đau khổ mà trước đó ông gọi là “khe núi Capdia” của CNTB: “Các nước không những có thể mà còn chắc chắn… rút ngắn một cách đáng kể quá trình phát triển lên xã hội xã hội chủ nghĩa và có thể tránh được phần lớn những đau khổ và những cuộc đấu tranh mà ở Tây Âu… phải trải qua”(9).
Tượng đài Các Mác và Ăngghen tại thủ đô Béc Lin (Đức)
Quan điểm về con đường đi lên CNXH đã cho thấy rất rõ tư duy biện chứng của Ph.Ăngghen. Một mặt, Ph.Ăngghen đã quán triệt quan điểm phát triển khi khẳng định con đường đi lên CNXH phải trải qua nhiều giai đoạn, với sự tích lũy về lượng để tạo ra biến đổi về chất; song mặt khác, Ph.Ăngghen cũng nói rõ thêm khả năng phát triển “rút ngắn” của các nước tiền tư bản khi tiến lên xây dựng CNXH. Nét độc đáo trong tư duy biện chứng của Ph.Ăngghen thể hiện ở quan điểm về tính thống nhất giữa cái phổ biến và cái đặc thù trong quá trình vận động và phát triển của xã hội loài người. Với quan điểm này, Ph.Ăngghen đã tiếp tục làm rõ thêm quan điểm của C.Mác về sự thay thế nhau của các hình thái kinh tế – xã hội là một quá trình lịch sử – tự nhiên. Quan điểm của Ph.Ăngghen về khả năng “phát triển rút ngắn” sau này được V.I.Lênin nêu thành khả năng “không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa” để tiến lên CNXH đối với các nước, các dân tộc thuộc địa, phụ thuộc, chậm phát triển.
SỰ VẬN DỤNG CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM VỀ CON ĐƯỜNG ĐI LÊN CNXH THỜI KỲ ĐỔI MỚI
Kế thừa quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, trong đó có quan điểm của Ph.Ăngghen về CNXH và kế tục sự lựa chọn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt hơn 90 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn luôn kiên định con đường đi lên CNXH. Ngay cả khi CNXH ở Liên Xô và Đông Âu lâm vào thoái trào rồi khủng hoảng, sụp đổ vào những năm ’90 của thế kỷ XX, Đảng ta vẫn luôn vững vàng niềm tin về tương lai của lịch sử loài người là CNXH: “Lịch sử thế giới đang trải qua những bước quanh co; song, loài người cuối cùng nhất định sẽ tiến tới CNXH vì đó là quy luật tiến hoá của lịch sử”(10); “Đi lên CNXH là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”(11).
Kế thừa quan điểm của Ph.Ăngghen về sự phát triển “rút ngắn”, Đảng ta cũng đã chỉ rõ con đường đi lên CNXH ở Việt Nam là “bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa”. Nội hàm của việc “bỏ qua” này được Đảng ta chỉ rõ như sau: “Con đường đi lên của nước ta là sự phát triển quá độ lên CNXH, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, tức là bỏ qua việc xác lập vị trí thống trị của quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng tư bản chủ nghĩa nhưng tiếp thu, kế thừa những thành tựu mà nhân loại đã đạt được dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, đặc biệt về khoa học và công nghệ để phát triển nhanh lực lượng sản xuất, xây dựng kinh tế hiện đại. Xây dựng CNXH bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, tạo sự biến đổi về chất của xã hội trên các lĩnh vực là sự nghiệp rất khó khăn, phức tạp, cho nên phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài với nhiều chặng đường, nhiều hình thức tổ chức kinh tế, xã hội có tính chất quá độ”(12).
Quan điểm này đã cho thấy Đảng ta đã kế thừa và phát triển tư duy biện chứng của Ph.Ăngghen về con đường đi lên CNXH. Quan điểm “phát triển rút ngắn” của Ph.Ăngghen đã được Đảng ta kế thừa thành “bỏ qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa”. Theo đó, tư duy biện chứng của Ph.Ăngghen cũng được Đảng ta vận dụng trong việc xác định con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Trên phương diện lý luận, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam được Đảng ta xác định là “bỏ qua việc xác lập vị trí thống trị của quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng tư bản chủ nghĩa”. Đây chính là đặc trưng cơ bản nhất, bản chất nhất tạo nên sự khác biệt giữa hình thái kinh tế – xã hội xã hội chủ nghĩa và hình thái kinh tế – xã hội tư bản chủ nghĩa. Trên phương diện thực tiễn, xét theo dòng chảy của lịch sử nhân loại, hình thái kinh tế – xã hội xã hội chủ nghĩa là nấc thang phát triển cao hơn của xã hội loài người, được ra đời trên nền tảng hay những điều kiện, tiền đề của CNTB nên để xây dựng thành công CNXH, nhất thiết phải kế thừa, tiếp thu những thành tựu mà nhân loại đã đạt được dưới chế độ tư bản. Đây là sự phủ định biện chứng của xã hội xã hội chủ nghĩa so với xã hội tư bản chủ nghĩa. Điều này đã khắc phục quan điểm siêu hình, chủ quan, duy ý chí trong việc xác định con đường đi lên CNXH ở Việt Nam trước đó.
Để xây dựng thành công CNXH, nhất thiết phải kế thừa, tiếp thu những thành tựu mà nhân loại đã đạt được dưới chế độ tư bản. Đây là sự phủ định biện chứng của xã hội xã hội chủ nghĩa so với xã hội tư bản chủ nghĩa. Điều này đã khắc phục quan điểm siêu hình, chủ quan, duy ý chí trong việc xác định con đường đi lên CNXH ở Việt Nam trước đó.
Thực tiễn hơn 35 năm đổi mới đất nước đã cho thấy, việc lựa chọn con đường đi lên CNXH ở Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn, không chỉ phù hợp với xu thế phát triển tất yếu của xã hội loài người mà còn phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam cũng như đáp ứng nguyện vọng chính đáng của toàn thể dân tộc Việt Nam với mong muốn xây dựng một chế độ xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đánh giá về điều này, Đảng ta đã khẳng định: “Nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta ngày càng được xác định rõ hơn và từng bước được hiện thực hóa. Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”(13). Những thành tựu trên là bằng chứng không gì thuyết phục hơn để khẳng định Đảng ta đã vận dụng thành công quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin nói chung và quan điểm của Ph.Ăngghen nói riêng về con đường đi lên CNXH.
Trong bối cảnh hiện nay, một mặt chúng ta phải luôn kiên trì, kiên định với sự lựa chọn của Đảng về con đường đi lên CNXH, mặt khác chúng ta cũng phải kiên quyết đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, thù địch khi xuyên tạc, phủ nhận sự lựa chọn đó của Đảng ta. Từ những năm cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, các nước xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu đã từng bước rơi vào khủng hoảng và sụp đổ. Tổng thống Nga V.Putin trong Thông điệp Liên bang năm 2005 gọi đó là “một chấn động chính trị khủng khiếp nhất thế kỷ XX”. Sự đổ vỡ này xảy ra ngay tại Liên Xô – quê hương của Cách mạng Tháng Mười, nơi khai sinh ra nhà nước vô sản đầu tiên trên thế giới, nơi được coi thành trì của chủ nghĩa xã hội hiện thực khiến cho các học giả tư sản được dịp lên tiếng phê phán, bác bỏ chủ nghĩa Mác – Lênin. Kể từ sau sự kiện gây chấn động lịch sử toàn thế giới đến nay đã gần 30 năm, các thế lực thù địch vẫn luôn ra sức tìm mọi cách lợi dụng xuyên tạc, công kích và phủ định chủ nghĩa Mác – Lênin. Họ cho rằng sự sụp đổ của CNXH ở Liên Xô và Đông Âu là một tất yếu lịch sử vì nó bắt nguồn từ “sự lạc hậu, lỗi thời của bản thân chủ nghĩa Mác – Lênin”; và bởi, “CNXH mà Mác nêu ra chỉ là một lý tưởng, một chủ nghĩa xã hội “không tưởng”, không bao giờ thực hiện được”(14). Họ cũng cho rằng chủ nghĩa xã hội khoa học mà các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác đã xây dựng chỉ là một học thuyết “viển vông”, “ảo tưởng” nên áp dụng vào thực tiễn chỉ có thể sinh ra những “quái thai của lịch sử”(15)… Những luận điệu đó được tung ra khắp nơi trên thế giới với các hình thức, diễn đàn khác nhau nhằm phủ nhận con đường đi lên CNXH của nhân loại.
Xuất phát từ lập luận đó, họ cho rằng hiện nay “Việt Nam đang bế tắc không chỉ về kinh tế, mà còn về tinh thần. Không ai còn tin vào chủ nghĩa Mác nữa”(16); rằng, “con đường xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đang đi là trái với quá trình lịch sử – tự nhiên”(17). Đó chính là “một khúc cong của lịch sử, là đoạn vòng vèo đầy đau khổ đi lên chủ nghĩa tư bản”(18). Do đó, theo họ, Việt Nam cần “tránh chỗ tối, tìm chỗ sáng”, “tránh con đường đau khổ” mà một số nước đã đi qua để đi theo con đường tư bản chủ nghĩa.
Chúng ta không thể phủ nhận một hiện thực là sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu là một bước lùi lịch sử của của phong trào cộng sản và công nhân toàn thế giới. Đó cũng là một tổn thất to lớn cho phong trào đấu tranh cho những mục tiêu cao cả và tốt đẹp của nhân loại: hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội và hạnh phúc của con người. Tuy nhiên, sự sụp đó không phải là sự “cáo chung” của chủ nghĩa Mác – Lênin. Nó cũng không phải là do chủ nghĩa Mác – Lênin đã lạc hậu, lỗi thời mà đó thực sự là do đã hiểu sai, vận dụng sai những quan điểm của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác trong quá trình xây dựng CNXH. Bản chất chủ nghĩa Mác – Lênin là khoa học và cách mạng.
Như vậy, tư duy biện chứng của Ph.Ăngghen về con đường đi lên CNXH chính là cơ sở lý luận đúng đắn và phương pháp luận khoa học để Đảng ta xác định con đường đi lên CNXH ở Việt Nam là “bỏ qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa”. Để xây dựng thành công CNXH ở Việt Nam, một mặt chúng ta phải luôn vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin nói chung và quan điểm của Ph.Ăngghen nói riêng vào thực tiễn nước ta; mặt khác chúng ta cũng phải tỉnh táo nhận diện và kiên quyết đấu tranh chống lại những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Đó là cách thức hiệu quả để bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin – cấu phần quan trọng trong nền tảng tư tưởng của Đảng ta hiện nay./.
TS. LÊ THỊ CHIÊN/Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (TCTG)
(1) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1974, t.2 tr.3.
(2) V.I.Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1981, t.26, tr.110.
(3) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1997, t.37, tr.617-618.
(4) (5) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1995, t.22, tr.353, 307-308.
(6) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2002, t.4, tr.469.
(7) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1995, t.18, tr.763-764.
(8) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H, 1995, t.19, tr.601.
(9) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1995, t.22, tr.632.
(10) (11) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, H, 2011, tr. 69, 70.
(12) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, H, 2001, tr.84-85.
(13) Đảng Cộng sản Việt Nam: Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng (tài liệu sử dụng tại Đại hội đảng bộ cấp huyện, cấp tỉnh và tương đương), tháng 4/2020, tr.24.
(14) (15) (16) Ban Tuyên giáo Trung ương: Phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2007, tr. 48, 47-48, 48.
(17) Một số vấn đề về chủ nghĩa Mác – Lênin trong thời đại hiện nay, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1996, tr.12.
(18) Việt Nam tiến bước cùng thời đại, Nxb. Giáo dục Việt Nam, H, 2009, tr.29.
Nguồn: Đấu trường Dân chủ