Quảng TrịLãnh đạo 6 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi đề nghị Trung ương hỗ trợ hàng nghìn tỷ đồng để khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống người dân.
Đề nghị trên được đưa ra tại Hội nghị thúc đẩy phục hồi sản xuất nông nghiệp khu vực miền Trung sau thiên tai, ngày 27/11.
Theo ông Võ Phiên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, nhiều cụ già 90 tuổi ở tỉnh này kể lại “khi bão Molave đổ bộ, lần đầu tiên trong đời họ thấy sức gió lớn đến vậy, nhiều cây tre bị xoắn lại như sợi dây”. Sau bão, Quảng Ngãi thiệt hại nặng nề với 1.600 ha lúa và hoa màu, 3.400 ha cây trồng lâu năm hư hỏng; đến nay nhiều nơi trường học vẫn ngổn ngang, tốc mái…
“Quảng Ngãi đề xuất Chính phủ hỗ trợ 1.625 tỷ đồng để ổn định sản xuất cho người dân”, ông Phiên nói.
Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, cho biết đợt mưa bão vừa qua khiến địa phương này thiệt hại khoảng 5.500 tỷ đồng. Đề cập đến việc hồ Kẻ Gỗ “vừa rồi chịu lượng mưa kỷ lục, có thể 1.000 năm mới xảy ra một lần”, ông Sơn kiến nghị lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nghiên cứu lại chức năng của hồ này, vì lâu nay hồ phục vụ nông nghiệp song “như một túi nước trên đầu thành phố Hà Tĩnh, chỉ cách 15 km”.
Đáp lời ông Sơn, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết Bộ đang cùng Hà Tĩnh nghiên cứu điều chỉnh chức năng, tìm biện pháp đảm bảo hồ Kẻ Gỗ an toàn.
Ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, thông tin “sau mưa bão, khi chúng tôi đi thực tế chứng kiến có những nơi gần như trở về thời kỳ đồ đá”.
“Bão lũ, sạt lở núi ở Quảng Nam khiến 42 người chết, 19 người mất tích; tổng thiệt hại kinh tế gần 10.000 tỷ đồng”, ông Bửu cho hay.
Cũng tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị được hỗ trợ 456 tỷ đồng khôi phục sản xuất trước mắt, về lâu dài là 1.400 tỷ đồng; còn tỉnh Quảng Trị đề nghị hỗ trợ ngay 72 tỷ đồng và hỗ trợ tổng thể 3.200 tỷ đồng.
Ông Trần Phong, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình thì đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hỗ trợ kinh phí để xây dựng phương án di dời dân khẩn cấp khỏi 6 điểm nguy cơ sạt lở; cấp 2.000 tấn giống lúa và xây dựng mô hình chuồng vượt lũ…
Trước các đề nghị trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho hay sẽ tiếp tục đề nghị Chính phủ hỗ trợ gần 8.000 tỷ đồng cho các tỉnh miền Trung để khắc phục hậu quả thiên tai, giải quyết các vấn đề dân sinh cấp bách và sửa chữa những cơ sở hạ tầng thiết yếu nhất.
“Tôi đề nghị các địa phương không được để dân đói. 16.000 tấn gạo được cấp vừa rồi chưa giải quyết hết vấn đề, vì còn nhiều vùng bị chia cắt ở sườn Tây (miền núi phía Tây các tỉnh). Người dân không chỉ cần gạo mà còn cần nhiều loại lương thực, thực phẩm khác”, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường nói.
Trước mắt, Bộ trường Nguyễn Xuân Cường nêu rõ cần nhanh chóng phục hồi sản xuấ nông nghiệp cho người dân miền Trung bằng các nhóm giống ngắn ngày, trong 60 đến 80 ngày phải xong một lứa sản phẩm để người dân có thu nhập trước tết Âm lịch.
Trong tái sản xuất, ưu tiên nuôi tôm, gia cầm, cá, vì chỉ cần 3 tháng là thu hoạch. Các cơ quan chức năng đang triển khai hỗ trợ 140 triệu tôm giống; khoảng 15.000 cá bố mẹ (trắm, chép, rô phi); 300 tấn thức ăn chăn nuôi; 500 triệu tiền thuốc thú y, hàng chục nghìn đơn vị vaccine; trên 30 tấn chất xử lý cải tạo môi trường…
Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp, các địa phương và người dân cũng phải chú ý vệ sinh chuồng trại, ao nuôi, không để xảy ra dịch bệnh. “Dự báo mùa đông năm nay sẽ rét đậm, khiến dịch tả lợn châu Phi dễ lây lan, do vậy các tỉnh cần hết sức thận trọng”, ông Cường nói.
Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh cho hay, sau bão lũ, Bộ đã chỉ đạo hỗ trợ ngay giống rau và xây dựng các mô hình điểm tái thiết sản xuất như bưởi Thanh Trà ở Thừa Thiên Huế, hồ tiêu ở Quảng Trị…
“Qua kiểm tra thấy nhiều diện tích bị bồi lấp cần thiết phải chuyển đổi cây trồng. Chúng tôi sẽ xin Thủ tướng cho các tỉnh ứng trước giống, kịp thời sản xuất”, ông Doanh nói.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, ở miền Trung hiện có 745 km kênh mương đang bị vùi lấp, ảnh hưởng đến vụ đông xuân tới. Ngoài ra hơn 300 trạm bơm bị ngâm nước, bồi lắng cửa ra, vào. “Máy móc ngâm nước lâu ngày rất có thể hỏng hóc nặng. Thủy lợi nội đồng dù đã kiên cố hóa vẫn bị sạt lở nặng, bồi lắng. Đây là vấn đề các địa phương cần xử lý ngay”, ông Hiệp lưu ý.
Cũng theo ông Hiệp, nhiều nơi ở Quảng Nam, Thừa Thiên Huế xuất hiện hơn 800 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 160 km, “đây là vấn đề cần nghiên cứu chi tiết phương án khắc phục vì liên quan đến khu dân cư”. Đầu tuần tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ cùng Bộ Xây dựng và một số địa phương tổ chức hội thảo về nhà chống bão lũ ở khu vực miền Trung.
Về lâu dài, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng “cần đánh giá lại toàn bộ để tái cơ cấu nông nghiệp, tái cơ cấu kinh tế nông thôn miền Trung theo hướng thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan”.
“Chúng ta cần xác định sống chung với lũ lụt, mưa bão. Từ đó để đưa ra quy trình sản xuất, giải pháp tổng thể phù hợp với điều kiện này”, ông Cường kết luận.
Các cơn bão, lũ từ cuối tháng 9 đến giữa tháng 11 ở miền Trung làm hơn 1.500 ngôi nhà bị sập đổ; gần 240.000 ngôi nhà bị hư hỏng, tốc mái, thiệt hại trên 30.000 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực nông nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Đến nay Chính phủ đã quyết định hỗ trợ khẩn cấp 1.250 tỷ đồng cho 9 tỉnh gồm: Hà Tĩnh 150 tỷ đồng; Quảng Bình 150 tỷ đồng; Quảng Trị 210 tỷ đồng; Thừa Thiên Huế 170 tỷ đồng; Quảng Nam 250 tỷ đồng; Nghệ An 50 tỷ đồng; Quảng Ngãi 150 tỷ đồng; Bình Định 70 tỷ đồng và Kon Tum 50 tỷ đồng.
Ngoài ra, các tổ chức quốc tế và một số nước đã hỗ trợ tiền và hàng hóa thiết yếu với tổng trị giá trên 21,53 triệu USD (tương đương 500 tỷ đồng).
Hoàng Táo/VNE
Nguồn: Cánh cò