Hôm 20/11, đúng vào dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, “phây” của tôi đang tràn ngập những lời chúc từ học trò và người thân, bạn bè thì có một bài báo lại khiến tôi chú ý, dù nó chẳng liên quan đến ngày truyền thống của chúng tôi. Nó khiến tôi tò mò vì liên quan đến cái nơi mà tôi đang nhận những lời chúc kia, tức là xã hội ảo Facebook…
Chuyện là, tại buổi chất vấn quốc hội cuối cùng, tôi nghe một câu giật mình như thế này: Bộ trưởng Hùng của Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết hiện các doanh nghiệp công nghệ như Facebook, Google và Youtube đang thu lợi nhuận hàng tỷ USD mà không đóng thuế một đồng. Hóa ra bao năm nay, các ông lớn đang trốn thuế khá “kịch liệt”. Chỉ riêng Facebook, như tôi được biết, công bố doanh thu hơn 1 tỷ USD mỗi năm tại thị trường 60 triệu người dùng Việt Nam, mà với mức thuế thu nhập doanh nghiệp 20% thì số tiền trốn thuế lên đến tận 200 triệu USD. Nhân con số đó với chỉ 3 đại gia được Bộ trưởng “xướng tên”, thì 5 năm qua đã mất trắng 3 tỷ USD, thật là quá sức tưởng tượng! Chẳng thế mà vấn đề lại được đưa lên bàn nghị sự, như Bộ trưởng Hùng cảnh báo thì ‘hoạt động chuyển giá, trốn thuế của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp FDI nói riêng đã đến hồi cảnh báo.’
Đó là chưa kể đến các tài khoản bán hàng online nhan nhản, mặt hàng nào cũng bán, từ thượng vàng đến hạ cám, còn chất lượng thì chẳng ai kiểm soát… “Phiên chợ ảo” Facebook cho phép người bán và mua chẳng phải chịu bất kỳ chi phí nào, cũng chẳng cần đăng ký hay giấy phép gì “để mà phải đóng thuế”. Và như thế, cả ông chủ Facebook và các khách hàng có một điểm chung, ít nhất là tại Việt Nam, là “cùng nhau trốn thuế”.
Ấy thế mà liền ngay hôm ấy, chuyện “trốn thuế” của các tập đoàn công nghệ lại bị biến thành “đe dọa đóng cửa” qua ngòi bút của mấy trang mạng VOA, RFI, BBC, thậm chí là cả Reuters. Theo những gì các trang dẫn lời từ các “quan chức ẩn danh” của Facebook thì công ty này đang bị chính phủ Việt Nam “đe dọa đóng cửa” nếu không kiểm duyệt “nội dung mang tính phê phán chính trị”. VOA tung hê thượng nghị sĩ Mỹ Marsha Blackburn chất vấn cho rằng CEO Facebook “cúi đầu” trước yêu cầu của chính phủ, và dõng dạc phán rằng công ty “ưu tiên lợi nhuận hơn nguyên tắc”. Phát ngôn này khiến tôi rất thắc mắc, rằng “nguyên tắc” mà bà Blackburn đang nói đến là gì? Thời gian gần đây, những nội dung bị gỡ bỏ đều thuộc sở hữu của những cá nhân, phần tử chống phá vi phạm pháp luật và bị xử lý theo pháp luật. Vậy thì việc làm của tập đoàn này, như lời khẳng định của chính ông chủ Facebook, là đang “tuân thủ luật pháp của các nước mà chúng tôi đang hoạt động”. Vậy ra “nguyên tắc Blackburn” là tung hê việc phỉ báng pháp luật, hay là ca ngợi việc phá hoại chính phủ nước khác? Sự thượng tôn pháp luật, qua miệng lưỡi của một nghị sĩ, trở thành lợi nhuận và nguyên tắc, e rằng bà Blackburn nên xem lại “nguyên tắc” của mình là gì. Còn như hiện tại, nó chỉ là sự can thiệp trắng trợn vào nội bộ và tôn sùng những hành vi phá hoại quốc gia khác mà thôi…
Nếu có một “nguyên tắc” – như cách nói của Blackburn, của Ming Yu Hah (Tổ chức Ân xá Thế giới) hay các trang mạng – cần được nói đến ở đây, thì tôi nghĩ đó là nguyên tắc tôn trọng sự thật và thông tin trung thực, dành cho những ký giả và phóng viên. Từ một vấn đề rất thực tế và thiết thực là kiểm soát, truy thu thuế các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam, những người đang tự xưng là nhà báo lại trắng trợn bóp méo, tô vẽ thành câu chuyện “nhân quyền”. Tôi hoàn toàn không thấy sự “vi phạm” nhân quyền khi đòi hỏi một chế tài đối với hành vi kinh doanh mà không đóng thuế, nhưng lại nhìn thấy một sự vi phạm trắng trợn chủ quyền và lợi ích của một quốc gia, một dân tộc.
HÀN NGUYÊN
Nguồn: Cánh cò