Trang chủ Tin tức Thoại Sơn: Sức sống một vùng văn hóa

Thoại Sơn: Sức sống một vùng văn hóa

106
0

Chúng tôi về thăm Thoại Sơn, một huyện thuộc tỉnh An Giang mà tên gọi gắn với một con người có nhiều công khai phá, mở mang vùng đất này – Thoại Ngọc Hầu (1761-1829).

Thoại Sơn: Sức sống một vùng văn hóa

Năm 1818, Thoại Ngọc Hầu nhận lệnh của triều đình đào một con kênh dài 30 km, chạy từ Đông Xuyên tới Rạch Giá. Công việc hoàn thành, để ghi nhận công lao, theo tên ông, vua Gia Long cho đặt tên kênh là Thoại Hà; gọi núi Sập là Thoại Sơn, danh xưng sau đó được gọi chung cho cả vùng.

Trên cổng chào vào địa phận huyện chúng tôi để ý đến dòng chữ “Huyện nông thôn mới Thoại Sơn kính chào quý khách”. Đằng sau thông điệp ngắn gọn đó, nhiều việc đã được làm để Thoại Sơn trở thành huyện đầu tiên của tỉnh đạt tiêu chuẩn này.

Tính đến năm 2018, trong 9 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Thoại Sơn đã huy động hơn 2.100 tỷ đồng từ các nguồn vốn khác nhau xây dựng nông thôn mới; trong đó người dân đóng góp hơn 250 tỷ đồng. Huyện đã xây dựng nhiều công trình giao thông, thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế. Hệ thống giao thông đến các xã đều được trải nhựa hoặc bê tông hoá. Hiện nay, chương trình xây dựng các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đang được triển khai có trọng điểm và đạt nhiều kết quả.

Trong sản xuất nông nghiệp, huyện tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, ưu tiên phát triển các mặt hàng có tiềm năng và lợi thế, xây dựng các cánh đồng lớn, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, xây dựng 26 mô hình xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại 14 xã… Hội kỷ lục Việt Nam đã xác nhận Thoại Sơn đạt kỷ lục “Huyện đầu tiên trong cả nước đạt 3 danh hiệu: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới và huyện nông thôn mới”.

Chúng tôi tới thăm đình thờ Thoại Ngọc Hầu, liền bên núi Sập, giữa những bóng cây cổ thụ thâm nghiêm. Năm 1822, sau khi hoàn thành kênh Thoại Hà, Thoại Ngọc Hầu cho dựng miếu thờ sơn thần, sau khi ông mất, người Thoại Sơn thờ ông ở đây. Năm ấy, Thoại Ngọc Hầu cho dựng tấm bia ghi lại sự kiện đào kênh. Bia Thoại Sơn bằng đá, chiều cao 3 mét, ngang 1,2 mét, bề dày 2 tấc, mặt bia chạm 629 chữ Hán. Đây là một áng văn hay, một di sản quý báu đến nay đã 198 tuổi, một chứng tích đặc biệt trên vùng đất Thoại Sơn, được nhà nước công nhận là di tích quốc gia . 

Sau khi thắp hương tưởng niệm Thoại Ngọc Hầu, vị danh tướng có nhiều công lao mở mang, xây dựng vùng đất phương nam, chúng tôi có dịp trò chuyện với ông Trần Trung Thành, 64 tuổi, nguyên Phó Chủ tịch huyện và ông Nguyễn Quang Nhật, 74 tuổi, người trông coi đình. Vượt qua bao thăng trầm của hai thế kỷ, khu đình này vẫn luôn là một địa chỉ tâm linh gần gũi của người dân ở đây và các vùng khác, ghi nhận công lao của Thoại Ngọc Hầu, danh tướng từ quê hương Quảng Nam vào đây lập nghiệp, khai khẩn, bảo vệ và giữ yên vùng đất phương Nam này. 

Ngoài kênh Thoại Hà, Thoại Ngọc Hầu còn cho đào kênh Vĩnh Tế dài 87 km, mang tên người vợ của ông – bà Châu Thị Tế, nối Châu Đốc với Hà Tiên; lập các khu dân cư mới bên bờ kênh; làm đường từ Châu Đốc lên Lò Gò, Núi Sam – Châu Đốc… Đây là những công trình rất quan trọng để xác lập chủ quyền của người Việt tại vùng đất này hai thế kỷ trước.

Trên đất Thoại Sơn, chúng tôi thăm nhà trưng bày văn hoá Óc Eo, một khu bảo tàng khá hiện đại với nhiều hiện vật phong phú, một địa chỉ không thể bỏ qua khi đến đây. Chúng tôi đã được cô Trần Thị Như, một hướng dẫn viên trẻ trung, xinh đẹp, người con của vùng đất Óc Eo, hướng dẫn thăm các gian trưng bày.

Cùng với  Đông Sơn và Sa Huỳnh, Óc Eo là một trong ba nền văn hoá cổ đặc sắc của Việt Nam. Các di tích phát hiện ở khu vực này và ở nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã minh chứng cho sự tồn tại của vương quốc Phù Nam, khoảng từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ VII sau Công nguyên.

Thoại Sơn: Sức sống một vùng văn hóa

Các hiện vật được tìm thấy vào các thời kỳ khác nhau cho thấy khu vực Óc Eo khi đó là một trung tâm thương mại, giao lưu buôn bán của vùng; có nền sản xuất phát triển, với các nghề gốm, nghề luyện đồng, luyện sắt, luyện thiếc, nghề kim hoàn, có nghệ thuật tạc tượng điêu luyện… Tên gọi Văn hoá Óc Eo được nhà khảo cổ Pháp Louis Malleret đặt theo địa điểm gò Óc Eo ở Thoại Sơn khi di tích này lần đầu được phát hiện và công bố năm 1942. Di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Óc Eo-Ba Thê được nhà nước công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt .

Một ngày mới ở Thoại Sơn. Nhà trưng văn hoá Óc Eo đông khách. Trên kênh Thoại Hà thuyền tấp nập. Những con đường mới mở nhộn nhịp xe cộ. Trong mỗi làng xóm, trên mỗi cánh đồng, những người nông dân lại bắt đầu cuộc sống lao động xây dựng cần cù như bao đời vẫn vậy. Ở khu du lịch Thoại Sơn , bên sườn núi cao, có thể thấy rất rõ bức tượng lớn của Thoại Ngọc Hầu. Ông đứng đó, ung dung, tự tại, như vẫn đang canh giữ cho sự sống trên mảnh đất này nở hoa, kết trái.

Bài và ảnh: Trần Mai Hưởng

Thoại Sơn: Sức sống một vùng văn hóa

Bảo tồn và phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng

Ngày 23/11, tại thành phố Kon Tum, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum tổ chức Hội nghị tổng kết Đề án Bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016 – 2020 và định hướng bảo tồn phát huy trong giai đoạn 2021 – 2025.

Nguồn: Báo Tin tức

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây