Cuốn sách “Phác thảo danh trà Việt Nam” không chỉ cung cấp danh sách và chi tiết về tên trà (chè) Việt mà còn cung cấp bản đồ địa lý, lịch sử muôn màu của trà Việt Nam.
Nội dung cuốn sách “Phác thảo danh trà Việt Nam” gồm 3 phần: Phần I giới thiệu về Việt Nam – quê hương cây trà; phần 2 là tổng quát về danh trà Việt Nam với những vùng trồng trà nổi tiếng như Hà Giang, Suối Giàng – Yên Bái, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bằng Phúc – Bắc Kạn, Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Lâm Đồng… và phần 3 là phụ lục nói về giá trị của chén trà, thưởng trà vào ngày xuân, giới thiệu về những trải nghiệm với “danh trà Việt”…
Ngoài ra, cuốn sách còn giới thiệu chi tiết những địa danh rừng trà cổ, độc nhất vô nhị trên thế giới nhưng lại có ở Việt Nam bao gồm: vùng trà “Tuyết” cổ thụ Tủa Chùa (Điện Biên), vùng trà Tà Xùa (Sơn La), vùng trà Suối Giàng, vùng trà Thái Nguyên, vùng trà Bằng Phúc (Bắc Kạn)…
Theo tác giả Nguyễn Ngọc Tuấn, từ bao đời nay, trà Việt đã mang đầy đủ giá trị vật chất, tinh thần và luôn hiện hữu trong đời sống của người Việt. Trà có mặt trong giao tiếp khi khách đến chơi nhà, tiễn bạn đi xa, trong lễ tết, cưới hỏi, ma chay, thờ cúng tổ tiên, dâng cúng Phật, quà biếu tặng và là lễ vật ngoại giao…
Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng, thưởng trà là văn hóa của toàn nhân loại chứ không riêng người Việt Nam. “Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng, ở những chỗ khác nhau thì cây trà sinh trưởng khác nhau, cách chế biến khác nhau và cách uống cũng khác nhau. Tựu trung lại có hai cách uống: cách uống của người phương Tây và cách uống của người phương Đông. Việt Nam thuộc phương Đông, nằm ở một phạm vi hẹp nên nó tạo nên đạo trà của người Việt Nam. Đạo trà này đang phát triển khá mạnh mẽ và ngày càng nên một phong cách uống trà rất riêng của người Việt”, PGS -TS Nguyễn Minh Thái nói.
Nguồn: Báo Tin tức