Trang chủ Tin tức 15 năm truyền 'lửa đam mê' chữ Hán Nôm

15 năm truyền 'lửa đam mê' chữ Hán Nôm

190
0

Tình yêu với truyền thống văn hóa thấm đẫm từ thủa còn thơ đã gắn bó thầy đồ Lê Trung Kiên với Nhân mỹ học đường, với hàng nghìn đồng đạo, đồng môn trong hành trình 15 năm truyền dạy Hán Nôm, thư pháp.

Đưa chữ Hán – Nôm gần lại với người trẻ

Thầy đồ Lê Trung Kiên là cán bộ của Ban Tôn giáo Chính phủ nhưng cái tình với truyền thống văn hóa thấm đẫm từ bé đã dẫn thầy đến công việc dạy Hán Nôm, thư pháp. Từ chỗ được gọi vui, đến nay danh xưng “thầy đồ” đã thật sự gắn bó với con người đam mê văn hóa Hán Nôm này.

15 năm truyền 'lửa đam mê' chữ Hán NômNhân mỹ học đường trở thành cái nôi truyền giữ lửa đam mê với con chữ của người xưa.

Đã 15 năm kể từ khi lớp học của thầy đồ Lê Trung Kiên được mở, cho đến hôm nay đã hơn 1.000 người được học về thư pháp, Hán Nôm trong đó phần đông là người trẻ. Cá biệt, học viên nhỏ tuổi nhất mới đang học lớp 4. Cũng có những học viên khi về hưu mới đem sách bút đến xin học.

Khi cùng anh em đạo hữu mở ra lớp học với cái tên “Nhân mỹ học đường” đặt tại khuôn viên chùa Mễ Trì Thượng (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm) – thầy đồ khi ấy còn rất trẻ đã tâm niệm trong lòng ý nghĩa cái tên học đường rằng ở nơi nào có điều nhân ở nơi đó tốt đẹp, chỗ nào có điều nhân phổ biến thì chỗ đó tốt đẹp được nhân rộng.

Như một cơ duyên, nhiều chuyên gia hàng đầu về chữ Hán, chữ Nôm cũng chọn Nhân Mỹ học đường là nơi truyền dạy chữ của người xưa cho thế hệ trẻ cùng tham gia giảng dạy. Lần lượt, các thế hệ học sinh đã tốt nghiệp Nhân Mỹ học đường, góp phần không nhỏ trong bảo tồn, phát huy vốn cổ học của nước nhà.

Để thu hút người trẻ vốn yêu thích nhịp sống sôi động, mới lạ, lớp học của thầy Kiên ngoài những nội dung giảng dạy kinh điển, luôn gắn với thực tế, còn có những chuyến tìm hiểu, khảo cứ để người học hiểu được chữ viết trong những ngôi chùa, ký tự trên những tư liệu cổ chính. Đây chính là con đường dẫn học viên về với cội nguồn văn hóa dân tộc.

Lớp học sân chùa

“Tôi may mắn được sinh ra trong một gia đình có ông nội là nhà nho của giai đoạn cuối thời kỳ phong kiến. Khi tôi còn nhỏ thường thấy ông nội cùng những người bạn văn thơ đàm đạo bàn về chữ nho, câu đối, sau đó các cụ lại hứng khởi mang bút lông ra viết các câu đối hay bài thơ vừa sáng tác. Trong một không gian làng quê truyền thống, tôi thấy có một điều gì đó rất hay và muốn theo”, thầy đồ Lê Trung Kiên chia sẻ.

15 năm truyền 'lửa đam mê' chữ Hán NômCác thầy đồ làm lễ kỷ niệm 15 năm “lớp học sân chùa”.

Cho đến nay, thạc sĩ Lê Trung Kiên đã có 15 năm dạy chữ Hán Nôm miễn phí. Cái tên Yên Sơn Lê Trung Kiên (Yên Sơn là bút hiệu) khá quen thuộc trong giới nghiên cứu Hán Nôm cũng như trong giới thư pháp (thuộc nhóm Nhị thập bát tú – 28 cây bút trẻ) những năm qua.

Từ tình yêu truyền thống dân tộc đầy bản năng, những năm tháng học chuyên ngành ngôn ngữ Khoa Ngôn ngữ học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội rồi về công tác tại Ban Tôn giáo Chính phủ giúp anh nhận ra cái hay, cái đẹp, cái ý nghĩa của chữ Hán Nôm.

“Chữ Hán Nôm là công cụ để ta có thể hiểu về ký ức dân tộc, cho dù đó là thứ chữ viết ông cha ta vay mượn của nước ngoài. Muốn hiểu về văn hóa Việt mà không biết chữ Hán Nôm, không giỏi chữ Hán Nôm thì dễ có nhiều thiếu sót”, Lê Trung Kiên tâm tư.

Trước thực tế, các lớp dạy chữ Hán Nôm ở Hà Nội không nhiều, không tạo được không gian trao đổi thư pháp, ngữ nghĩa cho người học, thầy đồ Lê Trung Kiên đề đạt với sư trụ trì chùa Mễ Trì Thượng cho mượn địa điểm dạy học miễn phí. Và cái nôi Nhân Mỹ học đường chính thức được thành lập năm 2005 với địa điểm giảng dạy ổn định từ đó.

Về sau này, Nhân Mỹ học đường còn mở thêm lớp ở chùa Tứ Kỳ (quận Hoàng Mai). Các lớp học ngày càng thu hút nhiều người đến học.

15 năm truyền 'lửa đam mê' chữ Hán NômDòng chảy Hán Nôm vẫn còn giữa dòng đời tấp nập.

15 năm là quãng đường khá dài. Ở vào thời Hán Nôm hay thư pháp còn chỉ là sự tìm kiếm thú vui độc – lạ của một số người, Lê Trung Kiên một mình đứng lớp. Kể cả khi chỉ có một thầy, một trò, Lê Trung Kiên vẫn soạn bài, vẫn lên lớp như thường.

Lê Trung Kiên bảo anh chưa bao giờ lo có ngày Nhân Mỹ học đường bị đóng cửa. Bởi vì ngày nào tiếng Việt còn dùng vốn từ Hán Việt, thì chữ Hán Nôm vẫn cần. Anh đã không sai. Hiện giờ, mỗi năm Nhân Mỹ học đường mở hai khóa học, một khóa dạy chữ Hán Nôm dành cho người chưa biết hoặc mới biết chữ, một khóa dạy thư pháp.

Đáng chú ý, Nhân Mỹ học đường hiện là chốn rèn chữ, luyện tâm của nhiều chuyên gia Hán Nôm, nhiều bậc thầy về thư pháp như Tiến sĩ Nguyễn Văn Ánh, Tiến sĩ Tô Lan, Xuân Như Vũ Thanh Tùng…

15 năm truyền 'lửa đam mê' chữ Hán NômNhững thầy đồ dạy Hán Nôm, thư pháp miễn phí suốt 15 năm.

Hướng tới sự phát triển sâu với nghề học chữ, Nhân Mỹ học đường đã thành lập Hội đồng khoa học, với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu uy tín. Điều này góp phần bảo đảm chất lượng đào tạo của Nhân Mỹ học đường. Mỗi giảng sư ở đây đều có sự nghiệp riêng, nhưng họ vẫn coi Nhân Mỹ học đường như một nơi để “cháy hết mình với đam mê”.

Với mỗi một thầy đồ nay, dạy chữ cũng quan trọng nhưng điều quan trọng hơn là qua những con chữ, truyền tải những nét đẹp văn hóa của người xưa. Đó có lẽ chính là tâm niệm của những người đang chung tay xây dựng những trường học thư pháp, chữ Hán Nôm như Nhân Mỹ học đường.

Bài, ảnh: Tuệ Thy/Báo Tin tức

15 năm truyền 'lửa đam mê' chữ Hán Nôm

Khai mạc hội chữ Xuân 2020 và triển lãm thư pháp ‘Thành Đức’

Sáng ngày 18/1, Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã khai mạc hội chữ Xuân Canh Tý 2020 và triển lãm thư pháp “Thành Đức” tại khu vực hồ Văn (Hà Nội).

Nguồn: Báo Tin tức

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây