Giải thích cho việc xây dựng Luật Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ trưởng Công an cho rằng mục đích là để luật ngày càng đi vào những vấn đề cụ thể.
Trong ngày 16/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Đây là hai dự luật được tách ra từ Luật Giao thông đường bộ hiện hành.
Nội dung này đã tạo ra không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn trên nghị trường với rất nhiều quan điểm, phân tích từ các khía cạnh khác nhau.
Không tăng biên chế, chi phí và thủ tục hành chính
Giải trình cuối giờ chiều 16/11 sau khi nghe ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Công an Tô Lâm ghi nhận những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, đáng trân trọng. Ông cho biết ban soạn thảo sẽ tiếp thu, giải trình nghiêm túc.
Xung quanh những ý kiến về việc tách luật, đại tướng Tô Lâm giải thích Bộ Công an có trách nhiệm quản lý Nhà nước về trật tự an toàn xã hội và trật tự an toàn giao thông là một bộ phận quan trọng của trật tự an toàn xã hội. Vì vậy, Chính phủ và cơ quan của Quốc hội đã đồng ý với đề xuất để Bộ Công an xây dựng dự thảo luật.
Theo đại tướng Tô Lâm, nếu Quốc hội đồng ý ban hành luật, giao trách nhiệm cho Bộ Công an, Bộ cam kết như trong báo cáo đánh giá tác động, rằng sẽ không tăng biên chế, chi phí, thủ tục hành chính và không lãng phí.
“Chúng tôi đã thảo luận rất kỹ trong tập thể Đảng ủy công an Trung ương, các cơ quan chuyên trách nhận trách nhiệm trước Đảng, trước Nhà nước, trước Quốc hội, nhân dân về vấn đề bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trong đó có vấn đề về trật tự, an toàn giao thông cho người dân”, ông Lâm nói.
Cũng theo lý giải của tư lệnh ngành công an, thực tế đây không phải tách luật, mà quá trình làm luật ngày càng đi vào cụ thể, quy định chi tiết; nhất là những vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền công dân sẽ được cụ thể hóa.
Ông dẫn chứng thực tế có luật ban đầu từ một luật, sau phát triển. Ví dụ từ Luật Đầu tư có thêm Luật Đầu tư công, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công – tư. Hay Luật Khiếu nại, tố cáo nay được chia thành Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo…
“Rất nhiều luật chuyên ngành ngày càng đi vào cụ thể, chứ đây không phải là việc tách luật, chia quyền. Chúng tôi thấy không có thứ đó”, đại tướng Tô Lâm khẳng định.
Trong quá trình soạn thảo, ông cho biết nhận được rất nhiều ý kiến cử tri đề nghị với Luật Đảm bảo trật tự an toàn giao thông phải phổ cập toàn xã hội, để từ các cháu bé đến cụ già đều được tuyên truyền. Những người tham gia giao thông phải học, thi, sát hạch, thực hiện nghiêm túc.
“Nếu vấn đề Luật Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông để chung với các luật khác như Giao thông đường bộ, xây dựng hạ tầng hay các quy định khác thì chúng tôi nghĩ quá dài. Cái này là thực tế phải xem xét”, Bộ trưởng Công an nói.
Ngoài ra, ông cho biết hai luật này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan thẩm định của Quốc hội, Chính phủ, và đặc biệt là Bộ GTVT và Bộ Công an đều nhất trí cao, đảm bảo không làm ảnh hưởng lẫn nhau trong quá trình triển khai, không vi phạm Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.
Không nên hình sự hóa các vấn đề dân sự
Trước đó, khi phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) nói “thật sự băn khoăn” khi tách Luật Giao thông đường bộ.
Về trình tự thủ tục trong xây dựng luật, ông Hận cho biết trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 không có Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Mặt khác, phạm trù giao thông là một thể thống nhất, có quan hệ biện chứng với nhau, không thể tách rời, đó là: Cơ sở hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông, người tham gia giao thông.
Cũng theo đại biểu tỉnh Cà Mau, luật liên quan tới việc triển khai, phối hợp tổ chức của nhiều bộ, ngành, lĩnh vực, không thể chỉ vì phạm vi của 2 bộ, 2 lĩnh vực mà tách ra thành 2 luật.
Về chuyển nhiệm vụ quản lý sát hạch, đào tạo cấp GPLX từ Bộ GTVT sang Bộ Công an, ông Hận băn khoăn việc bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác sát hạch, cấp GPLX của Bộ GTVT và 63 tỉnh, thành.
Hơn nữa, nếu thay đổi sẽ tốn kém kinh phí cho Nhà nước và nhân dân khi phải hiệp thương lại với các nước đã ký kết, thay đổi GPLX cho nhân dân trong khi đất nước đang khó khăn, Chính phủ phát động tiết kiệm để tạo nguồn lực xây dựng đất nước.
“Ai dám bảo đảm và chịu trách nhiệm cá nhân khi chuyển nhiệm vụ sang Bộ Công an thì không có GPLX giả, tai nạn giao thông giảm trong khi giấy tờ của ngành công an cấp cũng có trường hợp giả như hộ chiếu, CMND”, ông Hận đặt vấn đề.
Quan điểm được ông nhấn mạnh là không nên hình sự hóa các vấn đề dân sự, cũng không nên tập trung quá quyền lực vào một số cơ quan đơn vị.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nhấn mạnh mục đích tối cao và linh hồn của Luật Giao thông đường bộ là tạo ra khung pháp lý đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản người dân. “Chính vì vậy, tôi chưa đồng ý với việc tách luật. Nếu Luật Giao thông đường bộ có khiếm khuyết thì bổ sung luật, sửa đổi luật”, ông Nghĩa nói.
Nguồn: Cánh cò