Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với 15 nước, quy mô GDP tới gần 27.000 tỉ USD, có thể trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, được kỳ vọng thúc đẩy chuỗi giá trị và kinh tế Việt Nam.
Trao đổi với PV ông Trần Tuấn Anh – bộ trưởng Bộ Công thương – đã có những chia sẻ về những điểm khác biệt của RCEP so với các hiệp định khác, “hậu trường” thảo luận thực thi các sáng kiến trong ASEAN cũng như ký kết RCEP.
Ông Tuấn Anh nói: ASEAN đã có hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác, nên mục tiêu đặt ra khi đàm phán RCEP không phải là xây dựng quan hệ FTA mới mà nhấn mạnh vai trò ASEAN ở vị trí trung tâm.
* RCEP được đánh giá là một khu vực thương mại tự do quy mô lớn nhất thế giới. Nếu so sánh với CPTPP và EVFTA, có điểm gì khác về các cam kết và lợi ích mang lại ra sao?
– RCEP có tính chất khác xa so với các FTA thế hệ mới mà VN tham gia gần đây như CPTPP hay EVFTA. Nếu như CPTPP hay EVFTA hướng đến mở cửa thị trường, RCEP hướng đến vai trò trung tâm của ASEAN. Vì thế, lợi ích mang lại cũng khác biệt.
Cùng với các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, điểm khác biệt là RCEP tạo ra khuôn khổ để đơn giản hóa thủ tục hải quan và thiết lập quy tắc xuất xứ, tạo thuận lợi cho thương mại, tạo không gian kết nối chung sản xuất trong toàn ASEAN.
Đây sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp VN mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia các chuỗi giá trị mới trong khu vực và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Việc cắt giảm thuế nhập khẩu sẽ giúp sản phẩm từ các lĩnh vực nổi bật như viễn thông, công nghệ thông tin, dệt may, giày dép và nông nghiệp có thêm cơ hội thị trường.
Thêm nữa, mục tiêu mà ASEAN hướng đến là hình thành không gian sản xuất chung kết nối với các nền kinh tế lớn trong khu vực. Bởi thế, RCEP là mắt xích quan trọng để các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Rõ ràng để có thể trở thành không gian sản xuất thống nhất, cần có thị trường đủ lớn và RCEP đảm bảo cho điều kiện tiên quyết đó.
Ông TRẦN TUẤN ANH
* Thế giới đang chứng kiến sự thay đổi rất lớn bởi những xung đột thương mại của các nước lớn, xu hướng bảo hộ…, RCEP có giúp giải quyết vấn đề này không, thưa ông?
– Bối cảnh quốc tế đang biến đổi rất nhanh, buộc các nước ASEAN phải đi đầu và đối phó tốt với các thay đổi đó. Ví dụ các hiệp định trước đây của ASEAN với các đối tác thường dựa vào quy tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nên có hạn chế trong việc giải quyết các vấn đề phi thuế quan với các đối tác.
RCEP sẽ đóng góp vào việc tạo lập cấu trúc thương mại mới trong khu vực, thúc đẩy toàn cầu hóa theo hướng tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại cũng như góp phần tái cơ cấu chuỗi cung ứng khu vực sau khi chấm dứt đại dịch, phục hồi kinh tế. Vì vậy, RCEP có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với VN mà cả khối ASEAN nói chung.
Các nền kinh tế trong RCEP cũng có tính đa dạng cao, trong đó có những nền kinh tế có tiềm năng về vốn đầu tư hay công nghệ, có nền kinh tế có nhiều nguyên nhiên liệu đầu vào. Đây chính là tiền đề quan trọng để phát triển đầy đủ chuỗi cung ứng, từ đó tạo ra không gian sản xuất thống nhất.
* Nhưng chắc chắn VN cũng sẽ đối diện không ít thách thức khi tham gia RCEP, bởi các thành viên tham gia đều là những đối tác thương mại “cạnh tranh” trực tiếp với VN?
– Đúng là RCEP có thể mang tới những sức ép cạnh tranh đối với hàng hóa, dịch vụ của VN. Bởi các nền kinh tế trong khu vực RCEP có nhiều đối tác có cơ cấu sản phẩm tương tự VN, có năng lực cạnh tranh mạnh hơn VN, trong khi chất lượng và hàm lượng giá trị gia tăng của hầu hết sản phẩm của VN còn khiêm tốn. Vì vậy, khi RCEP đi vào hiệu lực, sức ép cạnh tranh sẽ gia tăng.
Hơn nữa, đầu tư vào sản xuất của VN vẫn còn phụ thuộc nhất định vào các nguồn nhập khẩu, trong khi khả năng cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị khu vực còn hạn chế, mức độ tham gia cung cấp thương mại dịch vụ toàn cầu của VN còn khá khiêm tốn. Tuy nhiên, chúng ta cũng không lo ngại khả năng tăng nhập siêu bởi các cam kết có được cùng với quá trình tự do hóa thuế quan được thực thi nhiều năm qua thì RCEP sẽ không tạo cú sốc về giảm thuế quan với VN.
Thực tế với kinh nghiệm hội nhập quốc tế cho thấy khả năng của VN tham gia các chuỗi giá trị mới thiết lập trong khu vực. VN cũng đổi mới mạnh mẽ về thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất kinh doanh và cải thiện môi trường đầu tư.
So sánh quy mô của hiệp định CPTPP và RCEP
* Lộ trình thực hiện RCEP sẽ như thế nào và các doanh nghiệp VN cần làm gì để tận dụng hiệu quả những ưu đãi do hiệp định này mang lại?
– Trước tiên, các nước sẽ dành một khoảng thời gian để các bên tham gia ký kết thông qua hiệp định, theo dự kiến là khoảng 18 tháng. Trong quá trình phê chuẩn, Bộ Công thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành xây dựng kế hoạch hành động chi tiết để triển khai hiệp định.
Tuy nhiên, để tận dụng tối đa cơ hội, cùng với giải pháp đồng bộ từ Chính phủ, bộ ngành và địa phương thì sự chủ động và tích cực của doanh nghiệp là quan trọng. Các doanh nghiệp, hiệp hội cần chủ động tìm hiểu thông tin về hiệp định, các thị trường đối tác quan tâm. Đặc biệt, cần thay đổi tư duy kinh doanh, lấy sức ép cạnh tranh là động lực để đổi mới.
Doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào VN nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn, chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn, chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực.
Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới thực hiện năm 2018, việc thực thi RCEP có thể giúp tổng sản phẩm quốc dân (GDP) của VN tăng thêm 0,4% đến năm 2030 nếu xét lợi ích trực tiếp, có thể lên đến 1% lợi ích gián tiếp từ cải cách thể chế.
Trong khi đó, theo ông Trần Tuấn Anh, khi RCEP được thực thi với 15 thành viên sẽ tạo ra thị trường vô cùng lớn với quy mô khoảng 2,2 tỉ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:
RCEP góp phần mang lại thịnh vượng
Trưa 15-11, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã chính thức được ký kết bởi các nhà lãnh đạo ASEAN và 5 đối tác gồm Úc, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand theo hình thức trực tuyến. Đây là kết quả của những nỗ lực sau 8 năm đàm phán, mở ra giai đoạn hợp tác kinh tế thương mại mới đầy hứa hẹn.
Phát biểu ngay sau lễ ký kết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng RCEP sẽ góp phần đẩy mạnh tiến trình xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN 2025, từ đó ASEAN sẽ trở thành đối tác năng động, mạnh mẽ, hợp tác vì thịnh vượng chung.
“Tôi tin tưởng hiệp định RCEP sẽ sớm được các nước phê chuẩn và đưa vào thực thi trong thời gian tới, góp phần hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, đem lại thịnh vượng chung cho người dân và doanh nghiệp”, Thủ tướng nói.
Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo ngay sau lễ ký kết nêu rõ: trong bối cảnh toàn cầu đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có do đại dịch COVID-19, việc ký hiệp định RCEP thể hiện quyết tâm mạnh mẽ hỗ trợ phục hồi kinh tế, phát triển toàn diện, tạo việc làm và tăng cường chuỗi cung ứng khu vực theo thỏa thuận dựa trên luật lệ, tự do, toàn diện.
Tin tưởng đây là thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới, các nhà lãnh đạo RCEP cho rằng đây là hiệp định tham vọng nhất do ASEAN khởi xướng với lợi ích cho tất cả các bên.
Bên cạnh các điều khoản cụ thể về thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và đầu tư, RCEP còn bao gồm các chương về sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, cạnh tranh, doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), hợp tác kinh tế – kỹ thuật và mua sắm của chính phủ.
Với mức độ cam kết, hiệp định này được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp trong khu vực, đặc biệt về khả năng tiếp cận thị trường.
Các nhà lãnh đạo cũng khẳng định RCEP vẫn mở cửa cho Ấn Độ tham gia với tư cách là một trong 16 quốc gia ban đầu tham gia đàm phán RCEP từ năm 2012 và có tầm quan trọng chiến lược trong việc tăng cường và mở rộng chuỗi giá trị khu vực. (NGỌC AN)
NGỌC AN thực hiện
Nguồn: Cánh cò