Chính phủ trình UBTVQH về Đề án thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM, dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM cũng thể hiện nội dung này.
Thảo luận dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM trên Hội trường sáng 12/11, các đại biểu Quốc hội đều bày tỏ sự ủng hộ, nhất là việc không tổ chức HĐND cấp quận, phường.
Tuy nhiên, Đại biểu Trần Vĩnh Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) cho biết dự thảo Nghị quyết quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND và Chủ tịch UBND thành phố thuộc TP.HCM trong khi theo báo cáo TP.HCM có 19 quận và 5 huyện, không có thành phố thuộc TP.HCM.
Dẫn Điều 1 quy định tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM gồm chính quyền địa phương ở TP.HCM, đại biểu cho biết, chính quyền địa phương ở quận, chính quyền địa phương ở phường, các đơn vị hành chính khác của TP.HCM được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Như vậy, nếu TP.HCM có thành phố thuộc thành phố thì cũng phải thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
“Vậy, quy định HĐND, UBND và Chủ tịch UBND thành phố thuộc TP.HCM vào nghị quyết là không đúng, vì thực tế chưa có thành phố thuộc TP.HCM và không phù hợp với quy định tại Điều 1“,đại biểu Trần Vĩnh Tiến nói.
Cũng đề nghị làm rõ vấn đề này, đại biểu Tạ Văn Hạ – Uỷ viên thường trực Uỷ ban VH-GD-TN-TN-NĐ của Quốc hội đặt vấn đề: “Sau này TP.HCM thực hiện mô hình thành phố Thủ Đức có phải thí điểm không hay là triển khai thực hiện luôn? TP.HCM có cần phải báo cáo xin ý kiến Quốc hội hay Quốc hội có cần phải ra một nghị quyết riêng nữa không?”.
Cũng theo đại biểu, nếu TP.HCM xây dựng đề án mô hình thuộc thành phố thì xem xét làm sao xây dựng đề án mô hình này thật kỹ lưỡng, có lộ trình để triển khai phù hợp với lộ trình thực hiện chính quyền đô thị đạt được hiệu quả cao nhất..
Giải đáp băn khoăn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, Chính phủ trình UBTVQH về Đề án thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM. Do đó, trong dự thảo nghị quyết đã bổ sung thêm nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND thành phố Thủ Đức, tức là thành phố trực thuộc thành phố.
“Chúng ta làm luôn chứ không thí điểm thành phố Thủ Đức, vì trong luật đã quy định cho phép. Việc thành lập thành phố trực thuộc thành phố hay thành phố thuộc tỉnh thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, ông Lê Vĩnh Tân nói.
Trung tuần tháng 10, HĐND TP.HCM khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 tổ chức kỳ họp thứ 21 (kỳ họp chuyên đề) thông qua nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện xã trên địa bàn TP giai đoạn 2019-2021.
Theo đó, TP.HCM sẽ nhập toàn bộ diện tích tự nhiên của 3 quận: 2, 9, Thủ Đức thành đơn vị hành chính mới, đặt tên là TP Thủ Đức, nhập 19 phường tại các quận 2, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận thành các đơn vị hành chính mới. HĐND TP giao UBND TP hoàn tất hồ sơ, đề án, báo cáo Bộ Nội vụ trình Chính phủ xem xét, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định.
Theo đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương), đi tìm mảnh ghép thể chế phù hợp với quy mô, tầm vóc và thể trạng TP.HCM là nỗ lực không ngừng nghỉ của lãnh đạo nơi đây qua các thời kỳ. Câu chuyện thành phố không xin kinh phí mà chỉ xin cơ chế cho điều hành phát triển vốn không mới, nhưng rất đáng để chúng ta suy ngẫm.
Ông Nhân nói: Thật khó để hình dung với một siêu đô thị sôi động bậc nhất cả nước, nhưng mô hình chính quyền lại được khoác chiếc áo búp bê Nga đồng hạng, như một chính quyền nông thôn. Trong khi hàng chục năm nay, đặc điểm, quy mô kinh tế – xã hội, công tác quản lý nhà nước đã có những chuyển biến sâu sắc, đòi hỏi phải kịp thời thay đổi để đáp ứng yêu cầu phát triển cho địa phương”.
Đại biểu Phạm Trọng Nhân nhấn mạnh thêm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương không chỉ trao cho thành phố một cơ hội, mà còn trao cho thành phố một lẽ sống mà nhiều thế hệ lãnh đạo nơi đây mong đợi.
PV/VTC
Nguồn: Cánh cò