Trang chủ Chính trị Đại biểu Quốc hội ủng hộ bỏ HĐND quận, phường ở TP.HCM

Đại biểu Quốc hội ủng hộ bỏ HĐND quận, phường ở TP.HCM

112
0

Theo các đại biểu Quốc hội, đã đến lúc dừng thí điểm và thực hiện luôn việc không tổ chức HĐND cấp quận, phường ở TPHCM.

Dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM được đem ra bàn thảo tại nghị trường trong phiên thảo luận sáng 12/11.

Không thí điểm mà thực hiện ngay mô hình này là quan điểm được đa số đại biểu Quốc hội đồng tình.

Thời kỳ chín muồi

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) đánh giá đây là lúc chín muồi để TP.HCM thực hiện mô hình chính quyền đô thị mà không nhất thiết phải qua thí điểm.

Bà Tâm là người từng giữ cương vị Chủ tịch HĐND TP.HCM trong thời kỳ TP thí điểm không tổ chức HĐND ở quận, huyện, phường. Bà nhận định đó là giai đoạn “vừa thuận lợi, vừa khó khăn” trong quá trình hoạt động của HĐND. Song, TP.HCM quyết tâm thực hiện và tháo gỡ vướng mắc.

Đại biểu Quốc hội ủng hộ bỏ HĐND quận, phường ở TP.HCM
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) đánh giá đây là thời kỳ chín muồi để TP.HCM thực hiện mô hình chính quyền đô thị. Ảnh: Quốc hội.

“Trong quá trình thực hiện thí điểm, HĐND thành phố đã phát huy tốt vai trò làm chủ của nhân dân; có nhiều giải pháp, cách làm mới, sáng tạo”, bà Tâm đánh giá và cho rằng kết quả này đã giúp kinh tế – xã hội của thành phố tiếp tục phát triển.

Hạn chế được nữ đại biểu TP.HCM nêu là hoạt động giám sát chưa được như mong muốn, tới đây cần tăng cường.

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh) cũng nêu 5 lý do để ủng hộ thông qua nghị quyết này.

Trước hết, việc này phù hợp quan điểm của Đảng và thực tiễn TP.HCM đã triển khai thí điểm và có tổng kết. Việc ban hành nghị quyết cũng phù hợp với quy định pháp luật.

Đại biểu Quốc hội ủng hộ bỏ HĐND quận, phường ở TP.HCM
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh) ủng hộ thông qua nghị quyết để TP.HCM thực hiện luôn mô hình chính quyền đô thị. Ảnh: Quốc hội.

Theo ông Bộ, TP.HCM vốn dĩ là đô thị đặc biệt, là đầu tàu kinh tế. Qua thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận, phường cho thấy quyền dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện không bị mất đi.

“Bộ máy được tinh giản vì dù số đại biểu chuyên trách ở HĐND TP sắp tới có tăng lên 19 người (hiện là 16), thì vẫn thấp hơn nhiều với số đại biểu giảm ở cấp quận, phường”, ông Bộ phân tích.

Ở góc độ khác, đại biểu Lê Thanh Vân (Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách) đề nghị cần quy phạm hoá một số giải pháp bên cạnh tăng cường vai trò cấp ủy đảng, đoàn thể.

Đó là trách nhiệm giải trình của chính quyền thành phố, quận và phường, phải định kỳ tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu chính quyền từng cấp với nhân dân.

Cùng với đó, tăng cường thời lượng và số lượng các cuộc tiếp xúc cử tri của HĐND TP cũng như tăng số lượng đại biểu chuyên trách; tăng cường hoạt động giám sát của đại biểu Quốc hội.

Ông Vân đề nghị có hình thức phù hợp để trưng cầu ý dân, xin ý kiến nhân dân về chính sách tác động diện rộng, nhất là liên quan vấn đề đất đai.

Đủ cơ sở pháp lý, thực tiễn và yêu cầu phát triển

Đại biểu Tô Ái Vang (Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Sóc Trăng) cho rằng việc không tổ chức HĐND cấp quận, phường ở TP.HCM nhằm đạt hiệu quả tối ưu trong giải quyết kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng của người dân, không phải qua trung gian. Điều này giúp tinh gọn bộ máy, liên thông phù hợp ở địa bàn siêu đô thị như TP.HCM.

Nữ đại biểu đề nghị xem xét lại cơ cấu HĐND thành phố để đủ lực, đảm bảo số lượng, chất lượng theo hướng tăng đại biểu chuyên trách. Cùng với đó đẩy mạnh ứng dụng CNTT để cử tri tương tác với đại biểu HĐND TP.

“Tôi tin rằng việc thực hiện ngay mô hình không tổ chức HĐND quận, phường ở TP.HCM sẽ thành công”, nữ đại biểu nói và hy vọng sự thành công này sẽ làm điểm tựa để các thành phố lớn khác nghiên cứu.

Đại biểu Quốc hội ủng hộ bỏ HĐND quận, phường ở TP.HCM
Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang). Ảnh: Quốc hội.

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cũng ủng hộ chủ trương này bởi TP.HCM là đô thị đặc biệt, là đầu tàu, động lực, có sức lan toả và vị trí chính trị quan trọng.

Với đóng góp rất quan trọng vào sự phát triển của khu vực và cả nước, vị trí và tiềm năng lớn của TP.HCM đòi hỏi cần tổ chức chính quyền đô thị phù hợp trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.

“Nghị quyết này là cần thiết, đủ sức thúc đẩy, tạo chuyển biến lớn và tác động tăng trưởng của TP.HCM nhanh, bền vững hơn”, nữ đại biểu nhấn mạnh.

Bà nêu thực tế TP.HCM đã thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận, phường trên diện rộng với 24 quận, huyện và 259 phường từ 2009-2016. Quá trình thực hiện cho thấy quyền làm chủ của nhân dân vẫn được đảm bảo, kinh tế thành phố tiếp tục phát triển dù đối diện nhiều khó khăn, thách thức.

“Từ thực tiễn, tính pháp lý và yêu cầu đổi mới, việc ban hành Nghị quyết là quan trọng, cấp bách. TP.HCM không tiếp tục thí điểm mà thực hiện luôn việc không tổ chức HĐND cấp quận, phường là phù hợp”, bà Tuyết nêu quan điểm.

Bà đề nghị Quốc hội xem xét thông qua ngay tại kỳ họp này và Nghị quyết có hiệu lực từ 1/1/2021 để TP.HCM kịp thời triển khai thực hiện.

Đại biểu Quốc hội ủng hộ bỏ HĐND quận, phường ở TP.HCM
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh việc ban hành nghị quyết thực hiện luôn mô hình chính quyền đô thị mà không qua thí điểm là phù hợp. Ảnh: Quốc hội.

Làm rõ hơn ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh TP.HCM đã có hơn 6 năm thí điểm không tổ chức HĐND cấp huyện, quận, phường trong giai đoạn từ năm 2009-2016, qua đó cho thấy việc không tổ chức HĐND quận, phường có hiệu quả. Do đó, việc ban hành nghị quyết thực hiện luôn mô hình chính quyền đô thị mà không qua thí điểm là phù hợp.

Về số lượng đại biểu HĐND, đặc biệt là số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của thành phố, ông Tân cho biết dự thảo nghị quyết nêu 2 phương án nhưng phần lớn các đại biểu đề nghị tăng số lượng chuyên trách. Cơ quan trình cũng mong muốn Quốc hội ủng hộ phương án này.

Trước đề nghị đổi tên UBND quận, phường thành Ủy ban hành chính, Bộ trưởng Nội vụ đề nghị giữ nguyên tên gọi, vì đây là cơ quan hành chính tại quận, phường và bộ máy vẫn được giữ nguyên. Việc này cũng nhằm đảm bảo tính ổn định, không phát sinh vấn đề thủ tục và trong Hiến pháp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương vẫn là UBND chứ chưa có Ủy ban hành chính.

Đề cập đến “mô hình thành phố thuộc thành phố”, đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) nhấn mạnh đây là một mô hình mới và dự thảo nghị quyết có quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND thành phố thuộc thành phố.

“Vậy sau này khi TP.HCM thực hiện mô hình thành phố Thủ Đức, có phải thí điểm không hay là triển khai thực hiện luôn? TP.HCM có cần báo cáo xin ý kiến Quốc hội hay Quốc hội có cần phải ra một nghị quyết riêng nữa không?”, ông Hạ đặt vấn đề và đề nghị phải làm rõ.

Theo ông, nếu TP.HCM xây dựng đề án mô hình thuộc thành phố cần thì xem xét kỹ lưỡng, có lộ trình triển khai phù hợp với thực hiện chính quyền đô thị để đạt được hiệu quả cao nhất.

Làm rõ vấn đề này, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết Chính phủ đã trình Ủy ban TVQH Đề án thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM. Do đó, trong dự thảo nghị quyết đã bổ sung thêm nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND thành phố Thủ Đức, tức là thành phố trực thuộc thành phố.

“Chúng ta làm luôn chứ không thí điểm thành phố Thủ Đức vì trong luật đã quy định cho phép. Việc thành lập thành phố trực thuộc thành phố hay thành phố thuộc tỉnh thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, ông Tân nói.

Hoài Thu/ZN


Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây