Trang chủ Đấu trường dân chủ Nhận diện, ngăn chặn hành vi của ‘nhà báo hai mặt’ trên...

Nhận diện, ngăn chặn hành vi của ‘nhà báo hai mặt’ trên mạng xã hội

167
0

Thời gian qua, tình trạng một số người lợi dụng danh nghĩa nhà báo để làm điều sai trái, cố tình phát ngôn bừa bãi đi ngược quan điểm, đường lối của Ðảng, chủ trương, chính sách và pháp luật của Nhà nước, thậm chí lôi kéo, kích động hành vi chống phá đất nước,… đã gây bức xúc trong dư luận. Ðó không chỉ là việc làm vi phạm đạo đức của người làm báo mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. Vì vậy, cần nhận diện, ngăn chặn, xử phạt nghiêm minh một số “nhà báo hai mặt” để lành mạnh hóa môi trường báo chí, củng cố niềm tin của cộng đồng đối với đội ngũ người làm báo.

Ngày 6-10-2020, sau khi Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội phê chuẩn Quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với Phạm Thị Ðoan Trang (PTÐT) về tội: “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” quy định tại Ðiều 88 Bộ luật Hình sự năm 1999 và “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” quy định tại Ðiều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội đã thực hiện bắt tạm giam, khám xét khẩn cấp đối với bị can PTÐT, 42 tuổi, trú tại quận Ðống Ða, Hà Nội. Về lai lịch, PTÐT từng là nhà báo làm việc tại một số cơ quan báo chí. Tuy nhiên, thay vì phấn đấu, nỗ lực về mặt nghề nghiệp để cống hiến cho cơ quan làm việc và bạn đọc thì PTÐT lại trượt dài để trở thành trường hợp cá biệt, bị dư luận nhận diện, coi là “nhà báo hai mặt”. Trước đó cũng đã có một số nhà báo vướng vòng lao lý vì tội danh tương tự như với PTÐT, thậm chí có người đang làm việc tại một cơ quan báo chí và được cấp Thẻ nhà báo. Ðó là chưa kể một số đối tượng mạo danh, hoặc tự xưng “nhà báo tự do”, “nhà báo độc lập”, “nhà báo công dân” mà cái gọi là “hoạt động báo chí của họ” là chỉ nhằm mục đích gia tăng tần suất thông tin sai trái, gia tăng mức độ kích động với giọng điệu chống phá vừa hung hãn, vừa táo tợn.

Nhận diện, ngăn chặn hành vi của 'nhà báo hai mặt' trên mạng xã hội

Các đối tượng có hành vi chống phá Nhà nước. Từ trái qua phải: Lê Văn Hải (Bình Định), Phạm Thị Đoan Trang (Hà Nội), Trần Thị Tuyết Diệu (Phú Yên)

Nhưng đó mới chỉ là sự lộ diện của một số đối tượng từng là nhà báo, từng công tác tại một cơ quan báo chí chính thống, hoặc chỉ là thậm xưng,… Ðáng báo động là gần đây đã xuất hiện tình trạng một số nhà báo vẫn đang công tác tại cơ quan báo chí, hoặc vừa mới nghỉ việc làm báo đã cố tình thể hiện tính “hai mặt” trên mạng xã hội một cách có hệ thống, và bài bản. Số người này, hằng ngày, một mặt vẫn tỏ vẻ thực hiện đúng thiên chức của nhà báo, viết bài đúng sự thật, tuyên truyền đúng đường lối, chính sách của Ðảng và Nhà nước để đăng trên các ấn phẩm báo chí. Nhưng mặt khác, họ lại sử dụng địa vị nghề nghiệp, danh tiếng mà cơ quan họ làm việc mang lại… thông qua mạng xã hội như Facebook, YouTube để chuyển tải thông tin chưa được kiểm chứng, thậm chí bịa đặt, sai trái nhằm thực hiện mục đích cá nhân, mưu cầu sự nổi tiếng cho dù việc làm này hoàn toàn đi ngược các yêu cầu có tính luật pháp về hoạt động báo chí và đạo đức của người làm báo. Ở những mức độ khác nhau, một vài người trong số họ còn tuyên truyền sai sự thật, bóp méo sự thật, vu khống như nhằm kích động, chống phá Ðảng, Nhà nước và nhân dân. Một số người có lượng người hâm mộ lớn trên mạng xã hội cho nên thông tin họ đưa ra được nhiều người tin theo, nghe theo để rồi những “chân rết” này tiếp tục lan truyền những thông tin, bình luận có nội dung lệch lạc. Ðiều đáng lo ngại là dù đã có một số nhà báo đã được nhận diện, cảnh báo, thậm chí đã phải lãnh chịu hậu quả, nhưng tình trạng đáng phê phán và lên án này dường như đang có dấu hiệu ngày càng phát triển.

Có thể thấy trong vòng hơn mười năm trở lại đây, báo chí ở Việt Nam đã có sự phát triển bùng nổ trên nhiều phương diện. Tuy nhiên, bên cạnh rất nhiều mặt tích cực cũng đã nảy sinh không ít tồn tại, bất cập. Chẳng hạn, trên internet bên cạnh các báo điện tử, trang thông tin điện tử đăng ký chính thức, lại có sự tồn tại của không ít địa chỉ nhập nhèm, mập mờ với các tên miền không đăng ký tại Việt Nam theo quy định (như: .vn, .com.vn, .net.vn, .biz.vn…). Với các tính năng vượt trội của mạng xã hội, tiêu biểu là Facebook, YouTube,… người sử dụng có thể cập nhật thường xuyên, tường thuật trực tiếp (live stream), dễ tiếp cận và có sức lan tỏa rộng khắp, nên một số nhà báo đã thể hiện tính “hai mặt” khi tham gia hoạt động xã hội ngoài báo chí bằng cách thường xuyên, liên tục, tận dụng lợi thế của mạng xã hội để công bố thông tin trái với yêu cầu chuyên môn, trái với lương tâm và đạo đức nghề nghiệp. Họ lợi dụng mạng xã hội còn chưa được kiểm soát chặt chẽ, còn có lỗ hổng trong công tác quản lý để khuynh đảo dư luận, phục vụ mục đích sai trái. Về bề ngoài những nhà báo này vẫn hoàn thành nhiệm vụ, công việc ở cơ quan báo chí đang công tác, nhưng phía sau lại lên mạng đăng tải thông tin chưa được kiểm chứng hoặc sai sự thật, phát tán tin giả, bình luận tiêu cực, thậm chí sai trái,… gây bất lợi cho đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, địa phương, cá nhân… nhằm thực hiện những mưu đồ bản thân. Có người còn bênh vực kẻ vi phạm pháp luật, kể cả đối tượng tội phạm bị cơ quan pháp luật xử lý. Nguy hiểm hơn, có nhà báo còn bị cư dân mạng tố cáo là admin (người tạo ra, quản lý các trang mạng, fanpage trên mạng) của một số trang mạng xã hội chuyên đăng thông tin chống phá Ðảng, Nhà nước và nhân dân. Về vấn đề này, Báo Quân đội Nhân dân điện tử ngày 12-10-2020 đăng bài “Xử lý nghiêm chiêu trò tiếp tay “truyền thông đen” phá hoại đại hội Ðảng” trong đó thẳng thắn chỉ rõ rằng: “Những ngày gần đây, trước và sau khi 14 đảng bộ cấp tỉnh tổ chức đại hội trước, một nhóm KOL (người dẫn dắt dư luận chủ chốt, người nổi tiếng có ảnh hưởng trên mạng xã hội…) bao gồm vài cựu nhà báo, phóng viên tự lập ra trang fanpage tuyên bố là “truyền thông sạch”, “báo trung lập”, “nhà báo công dân” liên tục viết bài xuyên tạc, kích động”. Và bài báo chỉ rõ: “Riêng nhóm “truyền thông sạch” thì cố tình bóp méo thông tin, chúng suy diễn nhiều địa phương mua quà tặng xuất xứ nước ngoài, kích động suy nghĩ cực đoan, không đúng đường lối đối ngoại của Ðảng, Nhà nước… Ðặc biệt, trước thềm Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Ðắk Lắk, nhóm “Báo sạch” liên tục viết bài với nội dung suy diễn, xuyên tạc việc cơ quan chức năng địa phương này khởi tố vụ án, bắt tạm giam đối với hai đối tượng liên quan đến một vụ án hình sự nghiêm trọng”…

Trên thực tế, số “nhà báo hai mặt” này không giấu giếm thủ đoạn xấu xa của họ là khi có sự kiện, vấn đề, hiện tượng mới nảy sinh (nhất là các sự kiện, vấn đề, hiện tượng liên quan hạn chế, bất cập, yếu kém tại một số tổ chức cơ sở đảng, công tác cán bộ nói chung, công tác nhân sự nói riêng…) thì lập tức kết bè, bắt tay, cấu kết với nhau để soi mói, bắt bẻ, “bới bèo ra bọ”, sử dụng thuyết âm mưu để đưa ra giả thuyết giật gân tác động vào nhận thức cảm tính. Chỉ cần thấy thông tin được coi là “có vấn đề”, có biểu hiện tiêu cực, hoặc lãng phí, vi phạm pháp luật,… là số người này khai thác rồi ra sức nhào nặn, cắt ghép, thêm bớt, bôi đen chỉ để đạt mục đích duy nhất là phản ánh sai sự thật, công kích, chống phá Ðảng, Nhà nước và khối đoàn kết dân tộc. Nguy hiểm là dưới những vỏ bọc hợp pháp mà các đối tượng này đang khoác trên người, những thông tin như vậy đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng, khiến không ít người nhẹ dạ cả tin, thiếu trình độ, khả năng thẩm định nội dung thông tin, hình ảnh lại dễ dàng tin theo, nhất là khi thông tin đi kèm với các câu chuyện bịa đặt trắng trợn, các cụm từ giật gân, câu khách, hình ảnh được cắt ghép, chỉnh sửa với dụng ý xấu. Chưa kể, thông tin sai trái, bịa đặt như vậy lặp đi, lặp lại nhiều lần, lan truyền dày đặc trên mạng xã hội sẽ gây hệ lụy lâu dài, nguy cơ ảnh hưởng và tác động xấu đến niềm tin vào lý tưởng xã hội, vai trò lãnh đạo của Ðảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, gây chia rẽ, ảnh hưởng tới khối đoàn kết toàn dân. Nếu bị động và tiếp nhận thiếu tỉnh táo, có người sẽ tin theo rồi đưa ra phát ngôn, thực hiện hành vi sai trái, vi phạm pháp luật; thậm chí còn kích động, lôi kéo người khác làm điều sai trái. Trên thực tế, đáng tiếc đã có một số cán bộ, đảng viên do nhận thức còn non yếu, bản lĩnh chính trị thiếu vững vàng đã vội vã chia sẻ thông tin xấu, độc, có tính chất chống phá trên mạng xã hội, trong đó có không ít thông tin do “nhà báo hai mặt” chế biến và phát tán, rồi bình luận rất thiếu thiện chí, vô trách nhiệm. Ðiều này hết sức nguy hiểm, bởi không chỉ bản thân họ mắc sai lầm, mà còn khiến người khác sai lầm theo. Tất cả, dù cố ý hay thiếu tỉnh táo thì xét đến cùng, vẫn là hành vi nhân rộng cái xấu, tạo cơ hội cho thế lực thù địch, các phần tử thiếu thiện chí, cơ hội, bất mãn chính trị khai thác, lợi dụng để rêu rao và bôi xấu chế độ; đồng thời tạo cơ hội giúp thông tin xấu, độc lan truyền, tác động tiêu cực tới nhận thức của xã hội, tới dư luận hằng ngày trong nhân dân, khiến tình hình an ninh chính trị có thể trở nên phức tạp, và có thể đẩy tới hệ lụy khôn lường.

Cần khẳng định rằng, nhà báo cũng là công dân, được hưởng và có nghĩa vụ chấp hành, tuân thủ đầy đủ các quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân trong xã hội. Với nhà báo, tư cách công dân và tư cách nhà báo không tách rời nhau, tức là trách nhiệm công dân và trách nhiệm nhà báo không tách rời nhau. Vì thế trong hoạt động xã hội, không thể chấp nhận tình trạng một số nhà báo cố tình có những hành vi, việc làm “sống trên” pháp luật, chưa kể với nghề nghiệp, trình độ hiểu biết và sức ảnh hưởng của mình, họ luôn cần phải gương mẫu tuân thủ pháp luật. Dường như số “nhà báo hai mặt” đã giẫm đạp lên nguyên tắc nghề nghiệp, thiếu ý thức xã hội, lơ là trách nhiệm cá nhân, cố tình tạo dựng điều được họ gọi là “sự thật, công bằng, chân lý, lẽ phải”, để lừa bịp dư luận, công chúng trong khi thực chất là bịa đặt, xuyên tạc, nhằm phục vụ lợi ích và mưu đồ đen tối của cá nhân. Do đó các cơ quan, tổ chức hữu quan cần có quy định chặt chẽ, có biện pháp chế tài nghiêm khắc, mạnh mẽ để ngăn chặn, xử lý nghiêm minh, đồng thời cảnh tỉnh số “nhà báo hai mặt” bất chấp quy định của pháp luật và đạo đức nghề nghiệp đang lợi dụng mạng xã hội để làm vấy bẩn nghề báo, gây nhiễu loại xã hội, phá hoại đất nước. Bên cạnh đó, mỗi nhà báo cần không ngừng nâng cao ý thức trách nhiệm với xã hội, giữ vững đạo đức nghề nghiệp, đấu tranh với người có hành vi sai trái; các cơ quan báo chí quản lý trực tiếp cần sớm nhận diện, giáo dục, tùy theo mức độ vi phạm để có hình thức xử lý thỏa đáng, kịp thời thậm chí kiên quyết loại bỏ khỏi đội ngũ những “nhà báo hai mặt”.

Minh Dũng (Nhân dân)

Nguồn: Đấu trường Dân chủ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây