Hôm nay 4/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường. Các đại biểu sẽ cho ý kiến về kinh tế – xã hội, ngân sách, đầu tư công, tài chính quốc gia, cơ cấu lại nền kinh tế và chương trình mục tiêu quốc gia.
Chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án hồ chứa nước sông Than (tỉnh Ninh Thuận), dự án hồ chứa nước Bản Mồng (tỉnh Nghệ An) cũng tiếp tục được lấy ý kiến.
Trong phiên thảo luận, thành viên Chính phủ sẽ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Giải đáp ý kiến về sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 có “sạn”, bà Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo bày tỏ chia sẻ những lo toan, trăn trở của cử tri và các đại biểu.
“Những lo toan đó hoàn toàn chính đáng. Việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông là vấn đề lớn và rất khó. Bộ và Hội đồng thẩm định đã tiếp thu ý kiến cử tri, giải trình trước Quốc hội. Việc đổi mới này đang phải chuyển hướng rất mạnh từ truyền thụ kiến thực một chiều cho học sinh sang phát triển năng lực, phẩm chất người học”, bà Minh nói.
Sách giáo khoa là tài liệu và mỗi môn học có nhiều sách giáo khoa. Việc dạy theo chủ đề sẽ giúp học sinh có nhiều cách nhìn nhận, cách tiếp cận bởi trình độ các em khác nhau.
Thời gian qua do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 nên việc bồi dưỡng giáo viên, học sinh theo chương trình mới là “áp lực rất lớn”. Vì vậy, bà Minh mong đại biểu, cử tri hiểu và có sự đồng thuận.
Cần thực hiện nghiêm đánh giá tác động môi trường
Bà Phạm Thị Thu Trang – Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Quảng Ngãi, đồng tình với phương hướng phát triển giai đoạn 2021 – 2025 của Chính phủ là chú trọng giảm thiểu tác hại thiên tai, bảo đảm tính mạng cho người dân.
Đề cập đến thực trạng mưa lũ, sụt lở nghiêm trọng thời gian qua, nữ đại biểu kiến nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn và kịp thời phân bổ ngân sách, nhu yếu phẩm, vật tư cho các tỉnh miền Trung.
“Việc phân tích, đánh giá và công bố thông tin chính thống về những nguyên nhân khách quan, chủ quan về biến đổi khí hậu, thời tiết phức tạp và khắc nghiệt như hiện nay cần phải làm ngay”, bà Trang nói và cho rằng qua đó sẽ khắc phục những luồng thông tin chưa thống nhất về nguyên nhân sụt lở, ngập lụt thời gian qua. Kết quả phân tích này sẽ như kim chỉ nam trong hoạch định chính sách phát triển kinh tế xã hội liên quan đến môi trường, đánh giá tác động môi trường.
“Cần chỉ đạo thực hiện nghiêm túc đánh giá tác động môi trường, nhất là các dự án liên quan đến việc thu hẹp chuyển đổi đất rừng tự nhiên, tính đến việc phục hồi rừng tự nhiên”, bà Trang nêu ý kiến.
Đề nghị có thêm chỉ tiêu về môi trường
Theo đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, chỉ tiêu chính về môi trường trong mục tiêu kinh tế hàng năm là tỷ lệ các khu công nghiệp, chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Mục tiêu này đến 2020 là 90%, cơ bản đã đạt được. Tuy nhiên, qua tiếp xúc, nhiều cử tri băn khoăn, nếu chỉ dùng chỉ tiêu này liệu đã phản ánh được đầy đủ bức tranh bảo vệ môi trường, có nên coi chỉ tiêu này là chỉ tiêu chủ yếu trong giai đoạn 10 năm tới hay không.
“Tôi thấy rằng chỉ tiêu này là cần thiết, nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu bảo vệ môi trường hiện nay”, ông Tuấn Anh nhận xét. Bởi lẽ theo báo cáo của Ban Dân nguyện, rất nhiều kiến nghị của cử tri tập trung vào các vướng mắc về vấn đề môi trường.
Đại biểu kiến nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát các khu công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, báo cáo Quốc hội và cử tri giám sát. Đồng thời, Chính phủ phải xây dựng các chỉ tiêu đánh giá khác, có giải pháp đầu tư hạ tầng; yêu cầu 100% các khu công nghiệp, chế xuất phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn vào cuối năm 2025, thay vì năm 2030 như mục tiêu hiện nay.
Trong phiên thảo luận sáng qua (3/11), các vấn đề liên quan đến lũ lụt ở miền Trung, thủy điện và giữ rừng được nhiều đại biểu quan tâm.
Trong phiên chiều, các ý kiến chất vấn và tranh luận tập trung vào chính sách kinh tế giai đoạn 5, 10 năm tiếp theo, mục tiêu tăng trưởng và các rủi ro tiềm ẩn liên quan đến tốc độ tăng nợ công, khả năng trả nợ, cân đối thu-chi ngân sách.
Cuối phiên họp, Quốc hội đã bỏ phiếu kín bãi nhiệm đại biểu đối với ông Phạm Phú Quốc với tỷ lệ đồng ý 96,8%.
Nguồn: Cánh cò