Giữa thời điểm bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ, PGS.TS Cù Chí Lợi, Viện trưởng Viện nghiên cứu châu Mỹ (VIAS) thuộc Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã có cuộc trao đổi với PV, phân tích sâu hơn những điều ẩn sau cách tiếp cận khác biệt của hai ứng cử viên Donald Trump và Joe Biden đối với những vấn đề nổi cộm của nước Mỹ và tác động của điều đó đến việc bầu cử.
Phòng làm việc của PGS.TS Cù Chí Lợi được bố trí đơn giản, ngoài bàn tiếp khách chỉ có tủ sách, trên tường cũng không treo tranh, ảnh, mà chỉ có bản đồ thế giới. Vật trang trí duy nhất trong phòng là mô hình Tượng Nữ thần Tự do, biểu tượng của nước Mỹ được đặt cạnh bàn làm việc. Ông là tác giả của cuốn sách Donald Trump – Sự Lựa Chọn Lịch Sử Của Nước Mỹ.
Trong 4 năm cầm quyền, những kết quả đáng chú ý nhất mà ông Trump đã làm được cho nước Mỹ là gì?
Thời điểm ông Trump lên cầm quyền, nước Mỹ cũng gặp phải một số những khó khăn. Nền kinh tế dù phục hồi nhưng còn chậm, và vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi tác động của cuộc khủng hoảng 2008. Vị thế, tiếng nói của nước Mỹ trên trường quốc tế không còn được mạnh mẽ như trước đây, khi thế giới có nhiều thay đổi với sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Ngay từ khi tranh cử và trong suốt quá trình điều hành, ông đã thượng tôn khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” với 3 mục tiêu. Một là đẩy mạnh sự phát triển của nền kinh tế. Hai là giảm bớt các hoạt động tài trợ, hỗ trợ quốc tế, để tập trung vực dậy kinh tế Mỹ. Ba là kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc.
3 nội dung chính đó được ông Trump thực hiện xuyên suốt từ khi bắt đầm cầm quyền cho tới nay. Kinh tế Mỹ trước khi có Covid-19 đã phục hồi mạnh, phát triển với tốc độ rất cao. Ông Trump đã thúc đẩy nền kinh tế trong nước bằng các biện pháp giảm thuế, thúc đẩy các ngành trước đây chưa được chú trọng như khai thác năng lượng. Trong quan hệ quốc tế, có một số người không hài lòng lắm về chính sách của Mỹ. Nhưng dù sao, cũng phải thấy rằng ông Trump đã có một chính sách mới với Trung Quốc. Nhiều người cũng thấy được đó là cách thể hiện sức mạnh của nước Mỹ.
Kinh tế phát triển mạnh, uy tín nước Mỹ được cải thiện trên thế giới chính là di sản rất quan trọng của ông Donald Trump trong ít nhất là 3 năm đầu nhiệm kỳ, trước khi có một cuộc khủng hoảng “trời giáng” là Covid-19.
Cho dù đã tạo ra thương chiến với Trung Quốc, ông Trump vẫn được đánh giá là chưa thành công trong việc mang việc làm trở về nước Mỹ. Điều này là do cách làm chưa đúng hướng hay vốn dĩ mục tiêu đó là không khả thi?
Chiến tranh thương mại với Trung Quốc có nhiều mục tiêu, chứ không hẳn là chỉ tập trung vào vấn đề chuyển công ăn việc làm về Mỹ. Mục tiêu lớn nhất vẫn là nhằm kiểm soát, kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc và yêu cầu Trung Quốc nhập khẩu nhiều hơn hàng hóa của Mỹ, và mục tiêu đó đã phần nào đạt được trong thời gian vừa qua.
Trên khía cạnh kinh tế, nhà đầu tư sẽ rời nơi rủi ro cao, đến nơi có lợi nhuận cao, chi phí thấp. Trung Quốc đúng là nơi đang có rủi ro về mặt quan hệ quốc tế nên nhiều công ty phải phân tán hoặc điều chỉnh lại hoạt động của mình.
Nhưng để nói là đầu tư về Mỹ thì khó. Vì Mỹ là một nơi có chi phí rất đắt đỏ. Nên khao khát của ông Trump không đạt được thì cũng là điều dễ hiểu.
Tạo ra việc làm cho người dân thì tổng thống nào cũng muốn. Trump, Biden hay ai làm tổng thống thì đó cũng là mục tiêu quan trọng. Nhưng như đã phân tích, chuyện đó nó còn phụ thuộc kinh tế, vấn đề chi phí và cơ hội đầu tư rất nhiều. Nước Mỹ xưa nay vẫn mạnh về lĩnh vực dịch vụ và công nghệ cao, không phải lĩnh vực thu hút công ăn việc làm mạnh. Ngành chế tạo mới là ngành sẽ thu hút công ăn việc làm. Ông Biden nếu đắc cử, muốn mang công ăn việc làm về thì cũng sẽ phải tập trung vào lĩnh vực này.
Ông Trump đã gặp phải nhiều chỉ trích trong việc kiểm soát đại dịch Covid-19. Nhưng việc mở cửa lại nền kinh tế nhanh chóng cũng là điều mà nhiều người dân có lẽ đang mong chờ. Tâm lý nào sẽ lấn át: e ngại đại dịch hay chán nản vì suy giảm kinh tế?
Tâm lý muốn mở cửa đang trở nên mạnh mẽ hơn. Trước hết là bởi rất nhiều người trong 6, 7 tháng vừa qua đã rơi vào tình trạng mất việc, mất thu nhập, cửa hàng, doanh nghiệp đều đóng cửa.
Bên cạnh đó, người Mỹ rất tự do. Khác với các nước khác, họ không hề muốn giãn cách hay phong tỏa xã hội. Cho dù giá của Covid-19 rất đắt, nhưng họ vẫn muốn xã hội tự do, muốn nền kinh tế về phát triển, muốn có công ăn việc làm.
Có thể là với việc kiểm soát ở mức độ cần thiết như đeo khẩu trang, duy trì giãn cách thì ông Trump cũng nên gương mẫu một chút (cười). Việc ông Trump muốn cổ vũ cho giá trị tự do của Mỹ, cũng có thể sẽ làm cho dịch bệnh nghiêm trọng hơn.
Nếu xét về tác động đến cử tri, những người có thu nhập bị giảm có thể sẽ muốn thúc đẩy mở cửa nhanh nền kinh tế, thiên về ôngTrump. Ngược lại, những người có thu nhập cao, hoặc những người có điều kiện sống ổn định sẽ đề cao sự an toàn hơn và thiên về Biden. Nhưng nhìn chung người Mỹ, theo tôi có thể vẫn kỳ vọng đẩy mạnh việc mở cửa lại.
Với các kết quả ở thời điểm hiện tại, có vẻ như các cuộc thăm dò dư luận lại tiếp tục sai hướng?
Các cuộc thăm dò trước đó đều cho thấy ông Biden dẫn điểm. Thực tế là ông Biden cũng có lợi thế so với ông Trump trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, sự ủng hộ dành cho ông Donald Trump cũng ở mức tương đối ổn định.
Mặt khác, sát những ngày bầu cử thì tỉ lệ ủng hộ ông Trump lại có dấu hiệu tăng, đặc biệt là những bang có tính chất quyết định và hiện tại các kết quả đã cho thấy điều đó.
Phải nói, tỷ lệ thăm dò cao hơn cũng không thể khẳng định được chiến thắng. Vì bầu cử Mỹ là bầu cử qua đại cử tri, phụ thuộc vào rất nhiều những vấn đề khác nhau. Việc lật ngược thế cờ đã từng xảy ra trong quá khứ, khi bà Hillary Clinton ở tình thế tương tự.
Donald Trump có những thế mạnh riêng. Ông Trump là một người rất quyết đoán, rất cá tính, nói là làm và hứa là làm, phong cách rất khác so với các nhà chính trị truyền thống, nói những lời rất hoa mỹ nhưng làm không nhiều. Người Mỹ rất là thích những con người như thế.
Những người đánh giá được phẩm chất đó của Trump từ năm 2016 thì đến giờ có lẽ họ vẫn vậy. Nhưng vẫn phải khẳng định là ông Trump năm nay đã có lúc rơi vào tình thế khó khăn hơn nhiều so với lần trước.
Trước một ứng viên truyền cảm hứng và cũng gây tranh cãi như ông Trump, tố chất nổi bật của ông Biden là gì?
Dù sao, Biden cũng là một chính trị gia lão làng, rất kinh nghiệm từ khi là Thượng nghị sĩ, Phó tổng thống.
Nếu nói về phong cách, thì ông Biden có sự truyền thống và lịch lãm của một nhà chính trị theo đúng chuẩn mực. Trong bối cảnh ông Trump có cá tính rất mạnh, nhiều khi làm cho người ta cảm bất an thì sự chuẩn tắc của ông Biden cũng có thể tạo ra ưu thế.
Ông vẫn sẽ tập trung vào những vấn đề của truyền thống của Đảng Dân chủ như hỗ trợ người nghèo, giải quyết những vấn đề an sinh xã hội. Đó vẫn là chủ đề mà những người yếu thế, người da màu rất là quan tâm.
Điều gì sẽ là bất biến dù Trump hay Biden đắc cử?
Xu thế quan trọng nhất tiếp dục duy trì vẫn là cạnh tranh Mỹ – Trung gia tăng. Đó giống như quy luật của sự phát triển quan hệ quốc tế, khi mà Trung Quốc đang có những tham vọng, thách thức vai trò số một của Mỹ tại khu vực cũng như trên thế giới.
Tổng thống Mỹ tiếp theo vẫn phải kiềm chế tham vọng của Trung Quốc về cả thương mại, an ninh, hay quyền con người. Mỗi chính quyền giải quyết vấn đề bằng chiến thuật khác nhau, nhưng đều sẽ là xu thế như vậy.
Các chính sách với Đông Nam Á và Việt Nam sẽ có gì giống và khác giữa ông Biden với ông Trump?
Tôi cho rằng, quan hệ Mỹ – châu Á đang theo một trục rất ổn định. Dù đó là Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hòa lên nắm quyền vào Nhà Trắng thì xu thế chung vẫn là ổn định. Họ đều thống nhất rằng: Trung Quốc là quốc gia được Mỹ xác định là đối thủ cạnh tranh rất quyết liệt.
Dĩ nhiên, mỗi chính quyền có thể có những khác biệt. Có thể nếu Biden đắc cử, ông ấy có thể thực hiện một số chính sách khác. Ông Trump đã rút khỏi TPP, tôi cho rằng đây có thể là sân trống cho ông Biden. Nếu Mỹ muốn giành quyền kiểm soát ở châu Á thì phải có chính sách về kinh tế lôi kéo, và đây là lĩnh vực ông Biden có thể là khai thác trở lại.
Ông từng nhận định rằng, người Mỹ có sự đồng thuận cao về những thách thức đến từ Trung Quốc. Tuy nhiên, có lẽ vẫn sẽ có sự khác biệt trong cách làm, cách giải quyết của Trump và Biden. Sự khác biệt đó sẽ là gì?
Tôi cho rằng về mặt chiến thuật, các chính sách của ông Biden sẽ có một chút khác biệt so với ông Trump. Tất nhiên vẫn tập trung vào vấn đề thương mại và đầu tư. Nhưng ông Biden sẽ cứng rắn thông qua các tổ chức như WTO, hoặc những biện pháp có tính chuẩn tắc hơn như điều tra chống bán phá giá để hạn chế buôn bán, điều tra bản quyền… hơn là đơn phương áp đặt thuế hoặc đưa ra các lệnh cấm với lý do an ninh quốc gia như ông Trump đang làm.
Thuế vẫn là công cụ rất quan trọng, nhưng ông Biden có thể sử dụng những biện pháp chuẩn tắc theo thông lệ quốc tế vì ông là người tôn trọng các thể chế và quy tắc quản lý quốc tế.
Có hay không một thỏa thuận “đình chiến” hay giảm căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề thương mại trong tương lai gần?
Về cơ bản, Mỹ và Trung Quốc đang đi vào thì xu thế cạnh tranh mạnh. Ông Biden hay ông Trump là tổng thống thì những xu thế đó cũng không thể đảo ngược.
Có thể nhìn nhận vấn đề này theo một chu kỳ phát triển quan hệ Mỹ – Trung. Những căng thẳng về sự mất cân bằng thương mại mới chỉ được ông Trump đặt ra trong thời gian rất ngắn, lại có tác động bất ngờ của Covid-19, nên chưa thể đánh giá được toàn bộ ảnh hưởng từ các chiến lược của ông Trump. Xu thế căng thẳng quan hệ Mỹ Trung sẽ còn tiếp tục, ít nhất là trong lĩnh vực thương mại.
Chưa đến thời điểm cho một thỏa thuận đình chiến. Nên việc dòng đầu tư quốc tế dịch chuyển khỏi Trung Quốc cũng sẽ theo đó mà tiếp tục.
(Theo TTT)
Nguồn: Cánh cò