Trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể thừa nhận việc triển khai các dự án đường sắt đô thị ‘đã bộc lộ nhiều vấn đề, đặc biệt vấn đề chậm tiến độ’.
Sáng 3-11, được Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển yêu cầu giải trình một số vấn đề liên quan đến quản lý ngành, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cho biết năm 2020 công tác xây dựng cơ bản có thể nói đạt kết quả rất tốt, tốt nhất trong 5 năm của nhiệm kỳ này.
“Ngành GTVT được bố trí gần 40.000 tỉ đồng, đến 30-10 đã giải ngân được 29.000 tỉ, cao hơn tỉ lệ chung cả nước” – ông nói.
Bộ trưởng Thể khẳng định kết quả nêu trên là nhờ Chính phủ vào cuộc quyết liệt, các địa phương cũng quyết liệt giải phóng mặt bằng giúp cho ngành giao thông triển khai các dự án.
“Kết quả của năm 2020 là bài học kinh nghiệm quý báu để 2021 và các năm sau thực hiện tốt hơn” – ông Thể nói.
Về vấn đề xây dựng hệ thống đường sắt đô thị, ông Thể khẳng định đây là loại hình giao thông vận tải được nhiều nước lựa chọn để giải quyết vấn đề chống ùn tắc giao thông ở các TP lớn có hiệu quả.
“Thời gian qua triển khai đầu tư nhiều dự án tại Hà Nội và TP.HCM, tuy nhiên đã bộc lộ nhiều vấn đề, đặc biệt vấn đề chậm tiến độ. Chúng tôi cũng nghĩ rằng Chính phủ đã chỉ đạo, họp rất nhiều, các TP cùng với Bộ GTVT qua các dự án hiện nay đã rút ra những bài học kinh nghiệm hết sức sâu sắc” – ông nói.
Người đứng đầu ngành GTVT cho rằng quan trọng là rút kinh nghiệm để làm sao để đáp ứng được yêu cầu phát triển.
“Bài học trong quá trình chuẩn bị đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư, lựa chọn đối tác, tổ chức đấu thầu, chúng ta cần phải rút kinh nghiệm để lựa chọn được những công nghệ, những nhà thầu tốt và đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt với những dự án EPC, những dự án chúng ta cần phải giải phóng mặt bằng sạch, có những giải pháp rõ ràng để từ đó xác định giá trị và tránh tình trạng phải điều chỉnh giá” – ông trình bày.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể hứa: “Với những bức xúc của đại biểu Quốc hội và dư luận xã hội, chúng tôi xin tiếp thu. Sắp tới chúng tôi sẽ phối hợp các TP lớn, tham mưu với Chính phủ tốt hơn để các dự án mới sẽ tránh được tình trạng như hiện nay lặp lại. Đây là hướng đột phá để giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông tại các TP lớn”.
Về giao thông đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), ông Thể cho biết hiện nay Bộ GTVT cho nghiên cứu 7 tuyến đường cao tốc ĐBSCL, sau đó sẽ lựa chọn tuyến quan trọng để triển khai.
Hết nhiệm kỳ tới, dự kiến đến năm 2025 sẽ có thêm hơn 200km đường cao tốc, nâng cấp một số đoạn tuyến hiện tại để tăng kết nối giao thông tại khu vực ĐBSCL.
LÊ KIÊN/TT
Nguồn: Cánh cò