Năm 2020 là một năm đầy biến động, đất nước liên tục đối mặt với khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, không vì thế mà hệ thống chính trị lơ là công tác chuẩn bị Đại hội 13. Để đảm bảo đúng tiến trình không thể không nhắc đến những nỗ lực đóng góp của toàn ngành Tổ chức xây dựng Đảng, trong đó không thể thiếu vai trò nghiên cứu, tham mưu, giám sát, chỉ đạo phương hướng của Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính.
Từ Đại hội XI, Đại hội XII của Đảng đã hoàn thiện, bổ sung nhiều văn bản, quy định, hướng dẫn về tiêu chuẩn cán bộ, quy trình đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Nghị quyết số 26 của BCH Trung ương khóa XII; Quy định số 102 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm; Quy định số 205 về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Gần đây nhất là Quy định số 214 về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý… Trên cương vị là người nghiên cứu, nắm rõ cụ thể, tham mưu việc thực hiện công tác tổ chức xây dựng Đảng và đội ngũ cán bộ, lãnh đạo nên ở mỗi chuyến thăm và làm việc với các cấp tỉnh ủy, ông Phạm Minh Chính đều quán triệt sâu rộng, kỹ lưỡng tất cả tinh thần, nội dung của các Nghị quyết, quy định.
Khi Đại hội 13 ngày càng đến gần, chúng ta cũng đã thấy được người đứng đầu Ban Tổ chức Trung ương nhiệt thành, nhiệt tâm, không quản xa xôi, không ngại di chuyển, ông đi đến các tỉnh/thành từ đồng bằng lên miền núi, từ Bắc vào Nam, từ Lai Châu, Tuyên Quang, vào Hà Tĩnh, đến Sóc Trăng, Bình Phước, đến để chỉ đạo và giám sát thực hiện nhằm bầu chọn người đủ tiêu chuẩn vào bộ máy quản lý nhà nước nhiệm kỳ mới. Ở bất kỳ Đại hội tỉnh/thành nào, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh một thông điệp: “Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, nhất là người đứng đầu, phải thật sự gương mẫu, chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động, các quy chế, quy định của Đảng trong quá trình giới thiệu, lựa chọn nhân sự, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan, đúng người, đúng việc. Lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát trong công tác cán bộ, tránh tình trạng làm đúng quy trình, quy định nhưng không chọn đúng người, đúng việc”.
Mới đây, tại Hội nghị Giao ban trực tuyến, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng Phạm Minh Chính một lần nữa nhắc lại Quy định 205 về chống chạy chức chạy quyền của Bộ chính trị. Không phải ngẫu nhiên mà ông Phạm Minh Chính thường xuyên nhắc nhở vấn đề này. Tất cả đều dựa trên thực trạng một số tỉnh/thành có hiện tượng “một người làm quan, cả họ làm quan”, đơn cử như nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh có gần cả chục người nhà là vợ, em trai, em gái, em họ, em rể nắm giữ nhiều vị trí lãnh đạo ở bộ máy chính quyền địa phương. Dù chưa biết việc bổ nhiệm có đúng quy trình, đủ tiêu chuẩn hay không nhưng việc cả một dây chuyền người thân làm cán bộ, lãnh đạo thì không thể khiến dư luận ngưng bàn tán. Thêm nữa, dư luận cũng từng một phen bàn tán ngao ngán trước việc ông Nguyễn Nhân Chinh (con trai Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến) đảm nhận vị trí Bí thư Thành ủy TP Bắc Ninh. Mặc dù, sau đó ông Nguyễn Nhân Chinh bị điều chuyển sang làm Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội nhưng vụ việc cũng khiến người ta suy ngẫm về công tác cán bộ ở địa phương.
Cũng chính vì vậy, trong Hội nghị Giao ban trực tuyến hôm 30/10, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính mới đặc biệt quán triệt rõ “phải thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Quy định 205 của Bộ Chính trị, nghiêm cấm việc chạy chức, chạy quyền và tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền; kiên quyết thu hồi, huỷ bỏ các quyết định không đúng về công tác cán bộ”. Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh yêu cầu: “Xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân lợi dụng quyền lực để thực hiện những hành vi sai trái trong công tác cán bộ hoặc tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền; đồng thời, nâng cao ý thức trách nhiệm, lòng tự trọng và danh dự của cán bộ để hình thành văn hóa không chạy chức, chạy quyền”. Có lẽ, là người đứng đầu Ban Tổ chức Trung ương, ông Phạm Minh Chính luôn mong muốn: Quy định 205 sẽ như một dòng chảy ngấm dần vào tư tưởng, tâm can của mỗi cấp ủy viên, để họ nằm lòng. Nói như ông bà ta “nước chảy đá mòn”, cứ nghe mãi rồi sẽ nhớ, từ đó phần nào thay đổi được tư tưởng và hành vi để tránh vi phạm. Quan trọng nhất là người cán bộ ý thức được lòng tự trọng, danh dự bản thân để xây dựng được nếp văn hóa “không chạy chức quyền” ở Việt Nam.
Qua những lưu ý của ông Phạm Minh Chính, chúng ta cũng có thể thấy được sự răn đe rất rõ ràng, cảnh báo đối với những ai đang có ý định “mua ghế” trong nhiệm kỳ này nhưng trên hết, đó là quyết tâm đảm bảo công tác nhân sự diễn ra trong sạch của Bộ Chính trị nói chung và của người đứng đầu bộ phận tổ chức, phân công nhân sự đất nước. Sự quyết tâm chính trị đi kèm hành động cứng rắn của ông Phạm Minh Chính phần nào đã được chứng minh khi thu hồi, hủy bỏ các quy định không đúng trong công tác cán bộ ở tỉnh Bắc Ninh.
Mặc dù năm 2020 có nhiều khó khăn nhưng ngành Tổ chức xây dựng Đảng đã đạt được không ít kết quả nổi bật. Dưới sự quản lý, lãnh đạo của ông Phạm Minh Chính, toàn ngành đã hoàn thành 12 đoàn công tác của các đồng chí Ủy viên Ban Bí thư, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 35 về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội 13 toàn quốc theo đúng kế hoạch. Kịp thời tổng hợp kết quả đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở nhiệm kỳ 2020-2025. Đến ngày 31/8/2020, cả nước đã tổ chức 1.298/1.311, đạt 99,0%, trong đó có 62/67 đảng bộ đã hoàn thành 100% việc tổ chức đại hội cấp trên cơ sở. Không chỉ vậy, ngành Tổ chức xây dựng Đảng cũng đã tham mưu chuẩn bị tốt đại hội đảng bộ trực thuộc Trung ương tiến tới Đại hội 13 của Đảng. Đã có 34/67 đảng bộ hoàn thiện các dự thảo văn kiện và phương án nhân sự đại hội báo cáo Bộ Chính trị. Hoàn thành việc thực hiện quy trình giới thiệu nhân sự Ủy viên BCH Trung ương Đảng khóa 13 tại các địa phương. Song song đó, ngành Tổ chức còn phát hiện sớm, xử lý quyết liệt, giải quyết kịp thời, hiệu quả những khó khăn, vướng mắc, bất cập, hạn chế, phát sinh trong công tác cán bộ. Kịp thời chấn chỉnh, yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện nghiêm túc công tác cán bộ, nhất là nhân sự đại hội đảng bộ các cấp và nhân sự Đại hội 13. Ngoài ra còn rất nhiều thành công trên mặt trận tuyên truyền về đại hội đảng và đổi mới lề lối, tác phong làm việc,…
Ông Phạm Minh Chính từng khẳng định: “Minh bạch, dân chủ để loại bỏ chạy chức” và kiên quyết không để lãnh đạo dùng quyền lực như tài sản riêng. Với trách nhiệm cũng là niềm mong mỏi tìm ra nhân sự thực tài, thực tâm, đủ tiêu chuẩn đảm đương nhiệm vụ trong nhiệm kỳ mới, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đã đặt trọn tâm huyết để chỉ đạo, quán xuyến công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội 13.
Đặng Trường
Nguồn: Cánh cò