Phó trưởng ban Tổ chức T.Ư Nguyễn Thanh Bình cho biết, công tác nhân sự tại 67 đảng bộ trực thuộc T.Ư được chuẩn bị chu đáo; kết quả bầu cử tập trung, bầu đúng, bầu đủ, bầu trúng theo đề án nhân sự.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó trưởng ban Tổ chức T.Ư, trao đổi với báo chí về kết quả các đại hội đảng bộ trực thuộc T.Ư, gồm 63 đảng bộ tỉnh, thành và 4 đảng bộ trực thuộc T.Ư (Quân ủy T.Ư, Đảng ủy Công an T.Ư, Đảng ủy Khối các cơ quan T.Ư và Đảng ủy Khối doanh nghiệp T.Ư).
Hiện 67/67 đảng bộ trực thuộc T.Ư đã tổ chức xong đại hội, xin ông cho biết những đánh giá khái quát về kết quả đại hội các đảng bộ trực thuộc T.Ư?
– Ông Nguyễn Thanh Bình: Đến nay, 100% đảng bộ trực thuộc T.Ư đã hoàn thành việc tổ chức đại hội nhiệm kỳ 2020 – 2025 theo đúng tiến độ, sớm hơn so với 3 nhiệm kỳ trước đây, đảm bảo đúng quy định, chất lượng theo yêu cầu.
Công tác chuẩn bị văn kiện tại các đại hội được tiến hành công phu, kỹ lưỡng, chất lượng. Chất lượng văn kiện được nâng lên, nhất là việc xác định tầm nhìn và các nhiệm vụ đột phá.
Điểm mới trong dự thảo văn kiện các đảng bộ đã tập trung làm rõ vai trò lãnh đạo của Đảng, chú trọng nhiều hơn công tác xây dựng Đảng; lựa chọn khâu đột phá để tập trung thực hiện trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, mục tiêu, phương hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Một số báo cáo kiểm điểm đã nêu cao tính tự phê bình và phê bình, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt đã thực hiện việc nêu gương, chủ động nhận trách nhiệm về những hạn chế, khuyết điểm của đảng bộ.
Công tác nhân sự được chuẩn bị chu đáo, đảm bảo dân chủ, khách quan, công tâm, minh bạch, nên cũng nhận được sự thống nhất rất cao. Kết quả bầu cử cơ bản tập trung, bầu đúng, bầu đủ, bầu trúng theo đề án nhân sự. Các chức danh chủ chốt trúng cử với tỷ lệ phiếu rất cao.
Ban Tổ chức T.Ư đánh giá thế nào về cơ cấu, chất lượng cấp ủy nhiệm kỳ 2020 – 2025 vừa được bầu, thưa ông?
– Cơ cấu, chất lượng cấp ủy nhiệm kỳ mới được nâng lên rõ rệt so với nhiệm kỳ trước. Cấp ủy nữ là 523 người, đạt tỷ lệ 15,71%, cao hơn nhiệm kỳ trước 2,69%.
Bí thư cấp ủy nữ là 9 người, đạt tỷ lệ 13,85% (nhiệm kỳ trước là 3 người). Cấp ủy người dân tộc thiểu số là 389 người, đạt tỷ lệ 11,68%, cao hơn nhiệm kỳ trước 0,72%.
Cấp ủy có trình độ thạc sĩ trở lên là 2.220 người (28 giáo sư, phó giáo sư), đạt 66,67%, cao hơn nhiệm kỳ trước 23,17%.
Tuổi bình quân của ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư thấp hơn so với nhiệm kỳ trước; có 28 bí thư từ 50 tuổi trở xuống, đạt tỷ lệ 43,08%.
Có 27 bí thư cấp ủy không là người địa phương, đạt tỷ lệ 41,54%, cao hơn nhiệm kỳ trước 23,08%.
Như vậy, các chỉ số về cơ cấu, độ tuổi, chất lượng cấp ủy nhiệm kỳ mới đều được nâng lên so với nhiệm kỳ trước. Có được kết quả nêu trên là do đâu, thưa ông?
Chúng tôi cho rằng, đầu tiên là có sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sát sao, chặt chẽ, nhất quán của Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; các lãnh đạo chủ chốt; và Thường trực Ban Bí thư.
Điều rất quan trọng nữa là chúng ta có sự quyết tâm cao, sự nỗ lực lớn, chủ động, tích cực của cấp ủy, thường vụ cấp ủy, trước hết là người đứng đầu cấp ủy trong việc chuẩn bị, tổ chức đại hội.
Từ đầu nhiệm kỳ, công tác cán bộ được tiến hành chặt chẽ, bài bản, kỹ lưỡng, từ việc thể chế hóa văn bản về công tác xây dựng Đảng, đẩy mạnh phân công, phân cấp, phân quyền, gắn với thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, chống chạy chức chạy quyền được lãnh đạo, chỉ đạo và được thực hiện rất nghiêm túc.
Quy trình công tác cán bộ được thể hiện rõ, thực hiện nghiêm túc 5 bước, đảm bảo dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch. Đặc biệt, có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan tham mưu trong công tác thẩm định nhân sự, đảm bảo thận trọng khách quan, đúng người, đúng việc.
Có sự chủ động để tham mưu kịp thời cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư xử lý dứt điểm những khó khăn, vướng mắc phát sinh và tạo được sự đồng thuận, thống nhất để đại hội thành công.
Nguồn nhân sự cán bộ trẻ, cán bộ nữ còn một số trường hợp chưa “chín”
Theo đánh giá của Ban Tổ chức T.Ư, đại hội đảng bộ trực thuộc T.Ư cũng còn một số tồn tại, hạn chế. Chẳng hạn, nội dung, chương trình làm việc của một số ít đại hội chưa khoa học; công tác điều hành của đoàn chủ tịch có lúc, có nơi còn thiếu linh hoạt, lúng túng.
Báo cáo chính trị ở một số đại hội còn dàn trải, mang tính liệt kê, nặng trình bày về số liệu. Báo cáo kiểm điểm của một số cấp ủy còn có nội dung trùng lặp với báo cáo chính trị.
Một số tham luận còn nặng về báo cáo thành tích, ít nêu hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân, giải pháp khắc phục. Việc thảo luận đóng góp vào các dự thảo văn kiện tại đại hội tập trung nhiều vào dự thảo báo cáo chính trị, chưa có nhiều ý kiến sâu sắc đóng góp cho dự thảo báo cáo kiểm điểm của ban chấp hành Đảng bộ và các dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
Công tác chuẩn bị nhân sự để báo cáo cấp có thẩm quyền có nơi còn chậm. Tỷ lệ cán bộ trẻ tham gia ban chấp hành đảng bộ chưa đạt yêu cầu tại Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị.
Theo Ban Tổ chức T.Ư, nguyên nhân của hạn chế, tồn tại nêu trên là do một số cấp ủy chuẩn bị văn kiện, phương hướng nhân sự, nhất là cán bộ trẻ còn bị động, chưa gắn kết với tình hình thực tiễn. Công tác chuẩn bị nguồn nhân sự cán bộ trẻ, cán bộ nữ còn một số trường hợp chưa “chín”, chưa có năng lực thật sự nổi trội, bố trí sắp xếp sát thời điểm tổ chức đại hội.
Việc lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, giám sát của một số cấp uỷ chưa thường xuyên, sâu sát, quyết liệt; chưa làm tốt công tác chính trị tư tưởng và giải quyết chưa dứt điểm những vướng mắc, nổi cộm ở địa phương, cơ quan, đơn vị.
(Theo TNO)
Nguồn: Cánh cò