Ngày 26/10, GS Nguyễn Văn Tuấn (Viện nghiên cứu Y khoa Garvan, Australia) trả lời VnExpress việc ứng viên giáo sư, phó giáo sư bị tố cáo “khai gian” bài báo.
– Vừa qua, hàng loạt ứng viên giáo sư, phó giáo sư năm 2020 ở Việt Nam bị chỉ ra có gian lận bài báo quốc tế. Ông suy nghĩ gì khi đọc thông tin này?
– Tôi nghĩ hơi khác một chút. Vấn đề không phải là “gian lận”, bởi vì các ứng viên trình bày danh sách bài báo họ công bố, nơi công bố, và chi tiết về bài báo tương đối rõ ràng. Vấn đề có lẽ là đạo đức công bố khoa học và cách thẩm định của Hội đồng giáo sư ngành Y. Quy ước về đạo đức công bố (publication ethics) không khuyến khích nhà khoa học công bố trên những trạm thông tin mà cộng đồng khoa học không chấp nhận. Nếu hội đồng xét duyệt có kinh nghiệm tốt về công bố khoa học, việc gian lận không thể xảy ra.
Nếu phải xem xét lại các ứng viên này thì có lẽ thiếu công bằng cho họ, vì họ sẽ hỏi tại sao không xem xét lại tất cả ứng viên không chỉ năm nay mà cả mấy năm trước.
– Những ứng viên ngành Y và Dược bị tố cáo do các bài báo khai trong hồ sơ đăng trên các tạp chí Open Access kém chất lượng, uy tín thấp. Vậy trong lĩnh vực Y và Dược học, những tạp chí quốc tế nào là uy tín?
– Trước hết, cần phân biệt giữa tập san và tạp chí. Tạp chí tiếng Anh gọi là magazine, thường đăng những bài báo phổ thông (như Scientific American, The Scientist) dễ hiểu, dành cho đại chúng và không cần tài liệu tham khảo. Còn tập san là Journal, thuật ngữ dùng để chỉ các chuyên san khoa học, đăng những bài mang tính hàn lâm, có bình duyệt, dành cho giới khoa học và phải có tài liệu tham khảo. Chúng ta đang bàn về tập san khoa học.
Trong Y học, tập san có uy tín và ảnh hưởng cao nhất phải kể đến New England Journal of Medicine, Lancet, JAMA, BMJ, Annals of Internal Medicine, Journal of Clinical Investigation, Journal of Experimental Medicine, Nature Medicine, eLife, PLoS Medicine.
Còn trong chuyên ngành Dược, các tập san thường có tầm ảnh hưởng thấp hơn các tập san Y khoa. Những tập san chuyên ngành Dược học sau đây được xem là hàng ‘top’: Nature Reviews Drug Discovery, Annual Review of Pharmacology, Annual Review Of Pharmacology And Toxicology, Pharmacological Reviews, Trends In Pharmacological Sciences, Pharmacology & Therapeutics, Clinical Pharmacology & Therapeutics, Clinical Pharmacokinetics.
Rất hiếm có tác giả Việt Nam công bố trên những tập san đó.
– Để đăng một bài báo trên tạp chí uy tín, cá nhân phải trải qua quá trình thế nào?
– Mỗi người có kinh nghiệm riêng, ở đây tôi chỉ nói kinh nghiệm cá nhân, vừa là tác giả, vừa là phó biên tập hay biên tập học thuật (Academic Editor). Quy trình công bố trên các tập san hàng đầu rất nghiêm ngặt khiến tỷ lệ từ chối bài báo ở một số tập san lên đến 95%.
Trước hết, tác giả chủ trì gửi một bản tóm tắt và lý giải ngắn cho ban biên tập với ý định công bố kết quả nghiên cứu. Đa số bị từ chối ở bước này.
Thứ hai, nếu ban biên tập đồng ý, tác giả sẽ nộp bản thảo đầy đủ cùng với dữ liệu gốc và các mã máy tính cho tập san. Ban biên tập sẽ chọn phó biên tập phụ trách bản thảo và gửi ra ngoài cho 2-3 chuyên gia bình duyệt.
Thứ ba, sau khi đã nhận được báo cáo bình duyệt của chuyên gia, ban biên tập có thể quyết định từ chối bài báo hay cho tác giả cơ hội trả lời.
Thứ tư, nếu may mắn tác giả được cho cơ hội trả lời, họ sẽ phải trả lời mỗi câu hỏi lớn, nhỏ của chuyên gia. Có khi tác giả phải làm thêm thí nghiệm, phân tích, hay chỉnh sửa theo đề nghị.
Thứ năm, Ban biên tập sẽ xem xét trả lời của tác giả và nếu thấy hợp lý, bản thảo mới sẽ được gửi lại cho các chuyên gia bình duyệt để thẩm định lần hai.
Thứ sáu, báo cáo của các chuyên gia bình duyệt trong giai đoạn này mang tính quyết định. Ban biên tập sẽ họp và xem xét các chuyên gia nêu vấn đề có công bằng cho tác giả hay không, và tác giả trả lời có thỏa đáng hay không. Sau đó, họ sẽ quyết định chấp nhận hay từ chối bài báo.
Quy trình đó thường tốn nhiều thời gian, từ 6 đến 12 tháng là bình thường. Dĩ nhiên, đa số bản thảo bị từ chối ở giai đoạn 3. Cho dù đã qua giai đoạn 3 thì xác suất từ chối ở giai đoạn 5 vẫn cao. Do đó, bất cứ tập san nào mà chấp nhận bản thảo chỉ sau một tuần hay một tháng nộp thì rất đáng ngờ.
Những tập san tôi phụ trách biên tập có tỷ lệ từ chối chừng 60-70% thì thời gian bình duyệt trung bình là 2 tháng và từ ngày nộp đến chấp nhận (nếu suôn sẻ) là 6 tháng, đa số là 9 tháng.
– Ông có lẽ là người đầu tiên cảnh báo về tình trạng “tập san dỏm” hơn 5 năm trước. Làm thế nào để nhận diện các tập san này?
– Một cách ngắn gọn, tập san chính thống là của các hiệp hội khoa học, hoặc của nhà xuất bản lâu đời và danh tiếng (như Elsevier, Springer-Nature, Sage, John Wiley, Oxford, Cambridge, BMA) nhưng do giới khoa học điều hành.
“Tập san dỏm” là những trạm xuất bản “săn mồi”, là cơ sở buôn bán thông tin phi chính thống. “Mồi” của trạm thông tin này là các nhà khoa học không am hiểu về nghiên cứu và xuất bản khoa học, những người mà công trình nghiên cứu của họ không thể nào được chấp nhận cho công bố trên tập san chính thống. Các trạm thông tin này không quan tâm đến khoa học, không cần biết các “con mồi” viết gì. Họ chỉ là các cơ sở làm tiền từ “con mồi”.
Dấu hiệu về tập san dỏm hay “săn mồi” thì rất nhiều và cần có kinh nghiệm mới nhận ra, chẳng hạn tên tập san chung chung, hay nhái theo tập san chính thống; không có trong danh mục ISI, Scopus; tổng biên tập không có thành tích khoa học tốt; ban biên tập toàn người không thuộc hiệp hội khoa học nào hoặc chẳng có thành tích nổi bật mà giới khoa học chuyên ngành biết đến; bài báo có chất lượng quá thấp và tiếng Anh sai rất nhiều, nhiều “tổng biên tập” cũng viết sai tiếng Anh.
Tuy nhiên, gần đây việc phân biệt tập san dỏm và chính thống ngày càng khó hơn, vì một số tập san nằm giữa biên giới dỏm và chính thống. Có tập san đã được đưa vào danh mục ISI và Scopus, nhưng vì cách làm việc của họ đáng nghi ngờ (như tăng chỉ số ảnh hưởng cao một cách bất thường – do gian lận về trích dẫn) cũng có thể xem là “dỏm”. Ngược lại, một số tập san thuộc các nhà xuất bản phi chính thống trước đây nhưng lại có những bài rất tốt và do đó khó có thể xem họ là “dỏm” được.
– Có quan điểm cho rằng tạp chí mở (Open Access) là kém chất lượng. Ông nghĩ gì về quan điểm này?
– Tôi nghĩ quan điểm này quá đơn giản. Đa số tập san có uy tín cao (như New England Journal of Medicine, Lancet) đều cho tác giả lựa chọn công bố dưới dạng mở hay dưới mô thức truyền thống. Tôi nghĩ có sự lẫn lộn về mô thức công bố và thể loại tập san. Giản đồ dưới đây giải thích rõ hơn về thể loại tập san và mô thức công bố.
Tập san khoa học thường được chia làm hai loại: chính thống và “săn mồi” (còn gọi là tập san dỏm hay “predatory journals”). Tập san chính thống thường (không phải tất cả) có cơ quan chủ quản là hiệp hội khoa học. Tập san dỏm thì không có cơ quan chủ quản mà chỉ là hoạt động thương mại thuần túy.
Các tập san chính thống có hai mô thức công bố tạm gọi là “Đóng” và “Mở” (Open Access). Mô thức thứ nhất (Đóng) là truyền thống, tức người đọc (thường là các thành viên trong hiệp hội khoa học) đóng niên liễm để đọc bài báo còn tác giả hoặc không phải trả ấn phí hoặc phải trả ấn phí nhưng rất thấp (500-600 USD một bài). Mô thức thứ hai là xuất bản mở, có nghĩa là tác giả trả ấn phí khá cao (có khi lên đến 5.000 USD một bài), nhưng tất cả công chúng trên thế giới đều có thể đọc bài báo. Tất cả tập san “săn mồi” đều dùng mô thức xuất bản mở, nhưng ấn phí của họ rất thấp (chỉ chừng 200 đến 900 USD).
Chính vì các tập san săn mồi dùng mô thức xuất bản mở, thu tiền của tác giả để đăng bài nên mới có chuyện một tác giả có 4-5 bài đăng trên cùng một số. Không có tập san khoa học chính thống và nghiêm chỉnh nào cho tác giả công bố nhiều bài báo trong cùng một số cả. Nên nhớ rằng mỗi số báo tập san chỉ công bố chừng 5-10 bài báo nguyên thủy (original contributions) nên để cho một tác giả hay nhóm tác giả công bố hàng loạt trong cùng một số là rất lạ.
– Việc đăng bài báo quốc tế trong lĩnh vực Y, Dược của Việt Nam thời gian qua thế nào?
– Khoảng 3 năm trước đây, tôi công bố một phân tích về công bố khoa học trong thời gian 2001 đến 2015, kết quả cho thấy công bố khoa học về Y học cơ bản, Y học lâm sàng, Y tế công cộng (hay nói chung là Y sinh học) chiếm 37% tổng số bài báo khoa học từ Việt Nam. Con số này có nghĩa là công bố ngành Y sinh học cao nhất so với các chuyên ngành khác.
Tuy nhiên, 90% các bài báo về Y sinh học là do hợp tác quốc tế, chỉ khoảng 10% là do các nhà khoa học trong nước chủ trì (nội lực). Ngay cả các công trình hợp tác quốc tế, đa số là do người nước ngoài chủ trì. Ở các nước như Thái Lan, Malaysia, tỷ lệ hợp tác quốc tế khoảng 50%. Nói cách khác, nội lực về nghiên cứu Y sinh học Việt Nam vẫn còn đang phát triển. Mà trong giai đoạn đang phát triển thì có rất nhiều vấn đề nảy sinh.
– Ông nhìn nhận thế nào về tiêu chuẩn công bố khoa học trong việc xét duyệt công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư ở Việt Nam?
– Tôi nghĩ tiêu chuẩn của Việt Nam quá lệ thuộc vào con số và quá “máy móc”, chẳng hạn việc phải công bố bao nhiêu bài thì mới được xét duyệt công nhận chức danh giáo sư và phó giáo sư. Ngay cả con số bài báo (như 3, 5, hay 10 bài) thì phải nói là quá thấp so với các nước trong vùng chứ chưa so với các nước tiên tiến.
Trong nghiên cứu khoa học, người ta có khi chỉ nhìn vào tập san mà nhà khoa học công bố là có thể đánh giá được đẳng cấp của nhà khoa học đó. Lý do là tầm ảnh hưởng và uy tín của tập san nói lên chất lượng nghiên cứu khoa học. Công bố nghiên cứu trên những tập san không có ảnh hưởng cao hay các tập san chất lượng thấp cũng có nghĩa là nghiên cứu đó chất lượng thấp.
Cũng như bất cứ ngành nghề nào, nghiên cứu khoa học lúc nào cũng đặt nặng chất lượng hơn số lượng. Chất lượng thể hiện qua nhiều tín hiệu, kể cả uy tín của tập san, số lần trích dẫn, số lần được tạp chí hay báo chí phổ thông đề cập đến, tác động đến khoa học, chính sách công, xã hội.
Ở nước ngoài khi chúng tôi xét duyệt đề bạt chức vụ giáo sư, chẳng ai quan tâm đến số lượng bài báo ứng viên công bố, mà chỉ quan tâm đến công bố ở đâu và tầm ảnh hưởng ra sao. Những ứng viên cho dù công bố hàng trăm hay hàng nghìn công trình trên các tập san mà người trong chuyên ngành không công nhận thì không bao giờ được đề bạt.
Ở Australia, không có bất cứ đại học nào đề ra tiêu chuẩn về số bài báo khoa học. Tuy nhiên, trong ngành Y, một quy luật bất thành văn là để xét duyệt đề bạt cấp giáo sư thực thụ, ứng viên phải có ít nhất 100 bài báo, với 60% bài ứng viên phải là tác giả chính, và chỉ số H (chỉ số đo lường mức độ ảnh hưởng tích lũy của một nhà khoa học) ít nhất là 20; còn cấp phó giáo sư thì số bài báo cần thiết dao động 30-60, và chỉ số H phải cỡ 10-15. Nhưng đó chỉ là quy luật bất thành văn, chứ thực tế người ta chỉ xem qua 5-10 bài tốt nhất mà ứng viên muốn được đánh giá.
Tôi nghĩ Việt Nam nên đặt nặng chất lượng nghiên cứu khoa học, không nên đếm bao nhiêu bài báo để công nhận chức danh giáo sư. Sự nghiệp của một nhà khoa học không thể nào tóm tắt thành một con số.
– Từ thực tế của Việt Nam hiện nay, phải làm thế nào để vừa nâng chuẩn giáo sư, phó giáo sư, vừa kích thích cộng đồng học thuật nghiên cứu, có công bố quốc tế?
– Tôi nghĩ cần làm nhiều việc lắm. Việc đầu tiên là phải xác định nguyên lý của đề bạt chức vụ hay xét duyệt công nhận chức danh. Bổ nhiệm chức vụ giáo sư không đơn giản là công nhận hay trao cho họ một chức danh mà nhằm nhận dạng nhân tài trong khoa bảng, người có khả năng lãnh đạo. Lãnh đạo thể hiện qua đa vai trò của ứng viên: là học giả, nhà nghiên cứu, thành viên của cộng đồng học thuật, là người có thẩm quyền, người phản biện xã hội. Một người chỉ có công bố khoa học mà thiếu những đóng góp đó thì khó có thể nói là giáo sư.
Kế đến tiêu chuẩn xét duyệt, tôi cho rằng phải bỏ đi sự lệ thuộc vào số lượng bài báo khoa học mà nên nhấn mạnh đến chất lượng khoa học. Hiện nay, một bài báo công bố trên một tập san ở trong nước được điểm tương đương với một bài báo trên Lancet, New England Journal of Medicine, Nature, Science, theo tôi là vô lý. Phải xem xét vai trò của ứng viên trong bài báo khoa học là tác giả lãnh đạo, hay là “tác giả quà cáp” và/hoặc “tác giả danh dự”.
Công bố bài báo khoa học chỉ là một khía cạnh, cần xem xét đến sự đóng góp của ứng viên về đào tạo và huấn luyện. Đành rằng hướng dấn tiến sĩ, thạc sĩ là quan trọng, nhưng trong ngành Y, việc hướng dẫn các bác sĩ nội trú, chuyên khoa cũng không kém phần quan trọng. Không thể nào xem nhẹ những đóng góp về đào tạo đó. Do đó, tôi nghĩ cần có một cơ chế bổ nhiệm khác mà nước ngoài hay sử dụng, đó là giáo sư kiêm nhiệm (adjunct professorship). Giáo sư kiêm nhiệm có thể không chuyên tâm về nghiên cứu khoa học, nhưng đóng góp lớn cho đào tạo bác sĩ chuyên khoa. Họ nên được ghi nhận và công nhận.
Giáo sư không chỉ công bố bài báo mà còn thể hiện qua sự công nhận của cộng đồng khoa học, đóng góp cho chuyên ngành và xã hội. Sự công nhận là những giải thưởng có uy tín, những lần được mời viết bài xã luận, được mời giảng trong các hội nghị quốc tế. Đóng góp cho chuyên ngành bao gồm phục vụ cho các hiệp hội khoa học và tập san trong vai trò lãnh đạo, chứ không phải đơn thuần là thành viên ban biên tập. Đóng góp cho xã hội ngày càng được đặt nặng, bởi giáo sư phải bước ra khỏi cái “tháp ngà” để góp tiếng nói về các vấn đề xã hội.
GS Nguyễn Văn Tuấn là Fellow của Hội đồng quốc gia về Y khoa và Y tế Australia và Viện Hàn Lâm Y học Australia. Ông cũng là giáo sư kiêm nhiệm của Đại học New South Wales, và giáo sư của Đại học Công nghệ Sydney. Ông đã và đang phục vụ trong các hội đồng xét duyệt đề bạt chức vụ giáo sư cho nhiều đại học ở Australia, Mỹ và Âu châu.
GS Tuấn có 30 năm kinh nghiệm trong công bố khoa học, đã và đang phục vụ trong nhiều ban biên tập của các tập san Y khoa chuyên về xương, và cũng là người viết phác đồ công bố khoa học cho Journal of Bone Mineral Research (tập san hàng đầu trên thế giới về loãng xương).
Dương Tâm/VNE
Nguồn: Cánh cò