Trang chủ Từ Facebook Sự thật về thông tin “mẹ ôm con dưới bùn” trong vụ...

Sự thật về thông tin “mẹ ôm con dưới bùn” trong vụ sạt lở tại Quảng Trị tràn lan trên Facebook

181
0

Hình ảnh “mẹ ôm con dưới bùn” tại Quảng Trị thu hút hàng trăm lượt chia sẻ trên Facebook do tài khoản L.N đăng tải là sai sự thật.

Sự thật về thông tin

Theo đó, mới đây trên Facebook xuất hiện một thông tin gây chú ý do tài khoản L.N đăng tải. Tài khoản này cho biết: “Một gia đình 7 người thôn Húc, Hương Hóa, Quảng Trị không ai sống sót, khi máy gạt và đội cứu hộ cào ra dưới lớp đất bùn, người mẹ vẫn đang ôm con với tư thế chở che của tình mẫu tử vô bờ. Nếu có thể xin tạc một tượng đài nguyên mẫu để chạm đến lòng trắc ẩn và trái tim đồng loại”.

Bài viết của tài khoản L.N trên Facebook thu hút hàng trăm lượt thích và chia sẻ. Dù có nhiều lượt tương tác, đây là thông tin sai sự thật.

Thực tế, hình ảnh trên bắt nguồn từ một câu chuyện ở Trung Quốc. Một trận động đất mạnh 6,1 độ richter đã xảy ra vào ngày 30/8/2008 tại Lương Sơn, Tứ Xuyên khiến 41 người chết, 589 người bị thương, 10.000 ngôi nhà bị sập và hơn 190.000 ngôi nhà bị hư hại.

Trong lúc tìm kiếm nạn nhân, các nhân viên cứu hộ tìm thấy thi thể hai mẹ con bị chôn vùi dưới lớp đất, trong vòng tay người phụ nữ vẫn ôm chầm đứa con nhỏ, tay cầm đũa chưa kịp buông khi thảm họa xảy ra.

Bản chất, tại khu vực mà Facebooker này đề cập (xã Húc, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), ngày 17/10 đã xảy ra vụ sạt lở đất khiến một gia đình 6 người bị chôn vùi

Thông tin chính thức nói rằng trong số 6 người gặp nạn có một người mẹ mang thai, không phải “ôm con với tư thế chở che” như thông tin đăng trên tài khoản Facebook tên L.N.

Hiện nay, trước tình hình mưa bão phức tạp ở miền Trung, đã xuất hiện nhiều thông tin trên mạng xã hội không chính xác gây hoang mang, lo lắng cho người dân.

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cũng vừa có cảnh báo, từ ngày 19/10, trên một số facebook, fanpage có đưa tin về việc cơ quan Khí tượng Nhật Bản dự báo bão số 8 có khả năng mạnh lên tới cấp 17 (cấp siêu bão) và đổ bộ vào Trung Bộ.

Theo Trung tâm, thông tin này là hoàn toàn sai vì đến thời điểm này cơ quan Khí tượng Nhật Bản cũng như các nước khác không có dự báo như vậy.

Bên cạnh đó, cũng xuất hiện những thông tin về khả năng một số hồ đập có thể vỡ. Đây chỉ là những thông tin đồn đoán, không có xác nhận của cơ quan chức năng.

Đưa tin bão, lụt sai sự thật lên mạng xã hội bị phạt tới 20 triệu đồng

Theo Nghị định số 15/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 15/4/2020, hành vi tung thông tin giả mạo, gây hoang mang dư luận trên mạng xã hội có thể bị phạt mức cao nhất là 20 triệu đồng.

Cụ thể, Điều 101 của Nghị định quy định phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc.

Như vậy việc đưa thông tin không đúng về tình hình mưa lũ, gây hoang mang sẽ bị phạt rất nặng.

Người tham gia mạng xã hội cũng cần cân nhắc, lựa chọn khi chia sẻ thông tin.

Việt Hương (T/h)

Nguồn: Mặt trận thanh niên chống phản động

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây