PV đã có cuộc trao đổi với PGS.TS NGUYỄN VIẾT THÔNG – tổng thư ký kiêm ủy viên thường trực Hội đồng Lý luận trung ương – về những điểm mới của dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Toàn bộ dự thảo các văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã được công bố hôm qua 20-10 để lấy ý kiến nhân dân.
* Ông đánh giá dự thảo lần này có những điểm gì đáng chú ý so với văn kiện các đại hội (ĐH) trước?
– Dự thảo lần này có nhiều điểm mới. Đầu tiên là về chủ đề ĐH. Như các ĐH trước, chủ đề ĐH và tiêu đề báo cáo chính trị giống nhau. Lần này, trung ương thảo luận ở mấy kỳ họp và đồng ý chủ đề ĐH XIII không đồng thời là tiêu đề của báo cáo chính trị.
Dự thảo lần này, trung ương đã nhất trí xin ý kiến toàn dân chủ đề ĐH gồm 5 thành tố như Đại hội XII: về Đảng, về dân tộc, về công cuộc đổi mới, về sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và mục tiêu phấn đấu. Trong đó giữ nguyên thành tố thứ 4 là bảo vệ Tổ quốc, 4 thành tố còn lại bổ sung, phát triển.
Thành tố thứ 1 là về Đảng. ĐH XII xác định tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; lần này mở rộng tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Đảng ta không có lợi ích nào khác là phục vụ Tổ quốc, nhân dân. Nhân dân là trên hết. Nên lần này bổ sung vào phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” thành “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng.
GS.TS NGUYỄN VIẾT THÔNG
Thành tố thứ 2, ĐH XII xác định phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; lần này thì khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại. Như vậy, nội dung thành tố thứ 2 mở rộng hơn nhiều.
Thành tố thứ 3 là đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, lần này thêm 2 chữ “tiếp tục”.
Thành tố thứ 5 là về mục tiêu. ĐH XII xác định mục tiêu 5 năm nên “sớm phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.
Lần này, Đại hội XIII phải có tầm nhìn đến giữa thế kỷ nên mục tiêu thành tố thứ 5 là giữa thế kỷ 21 nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Điểm mới nữa là đánh giá tình hình 5 năm, đánh giá 10 năm, rồi nhìn lại 35 năm và 30 năm.
Riêng thành tố thứ 4 về sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc thì như văn kiện ĐH trước.
* Văn kiện ĐH Đảng XII chỉ ghi là “xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh” thì lần này được đề xuất “xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”. Xin ông giải thích rõ hơn nội dung này?
– Nói đến hệ thống chính trị là có Nhà nước, Mặt trận, các đoàn thể chính trị – xã hội. Về mặt lý luận, Đảng vẫn là một bộ phận thuộc hệ thống chính trị. Nói là “Đảng và hệ thống chính trị ” tức là nhấn mạnh rất cao.
Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc là ba thành tố của hệ thống chính trị, gọi là “kiềng ba chân”. Nếu một bộ phận yếu, một bộ phận không trong sạch, vững mạnh sẽ làm cho cả hệ thống không trong sạch, vững mạnh.
Nó gắn với nhau: Đảng lãnh đạo Nhà nước, Đảng lãnh đạo Mặt trận và các đoàn thể chính trị – xã hội. Đảng lãnh đạo chứ không phải quản lý, Nhà nước giữ vai trò quản lý. Hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh là Đảng, Nhà nước, Mặt trận đều phải trong sạch, vững mạnh.
* Như ông nói bên cạnh “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, dự thảo văn kiện ĐH XIII đã bổ sung nội dung “dân giám sát, dân thụ hưởng”?
– Chuẩn bị văn kiện Đại hội XII đã đưa vào nhưng chưa có sự thống nhất cao, nhưng dự thảo lần này đưa “dân giám sát, dân thụ hưởng” lại được nhân dân thống nhất rất cao.
Từ thực tế khi Đảng và Nhà nước chủ trương xây dựng nông thôn mới thì mới thấy việc này ai xây dựng, ai thụ hưởng? Chính là do dân xây dựng, dân được thụ hưởng. Khi dân được thêm giám sát và thụ hưởng thì người ta không phản đối.
Trước đó, thực tiễn chưa bộc lộ đầy đủ nên chưa tạo ra sự thống nhất cao trong nhận thức, lần này từ thực tiễn 5 năm qua nên văn kiện khẳng định “dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Đảng ta không có lợi ích nào khác là phục vụ Tổ quốc, nhân dân. Nhân dân là trên hết. Nên lần này bổ sung vào phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” thành “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” là hoàn toàn chính xác.
* Thưa ông, dự thảo văn kiện Đại hội XIII cũng đã đề cập đến vấn đề xã hội và phúc lợi xã hội. Điều này thể hiện tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội cũng là cái đích để chúng ta nhắm tới?
– Sự ưu việt của chủ nghĩa xã hội so với chủ nghĩa tư bản ra đời mấy trăm năm không ở quy mô, bình quân thu nhập đầu người, mà ở những chỉ tiêu đem lại hạnh phúc cho nhân dân.
Qua dịch COVID-19 ta xét nghiệm và chữa trị cho nhân dân miễn phí, trong khi nhiều nước xét nghiệm thu phí và chi phí chữa rất cao. Không chỉ với người Việt mà còn người nước ngoài. Đó là một ví dụ thể hiện tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội.
Lần này nhấn mạnh an sinh xã hội, phúc lợi xã hội bắt đầu tính toán ở nhiều nơi. Ở Hà Nội có chủ trương người cao tuổi đi xe buýt miễn phí, Hải Phòng miễn học phí cho học sinh đến lớp 12 và cũng là địa phương đầu tiên trong 63 tỉnh thành.
Vấn đề nhà ở xã hội, vấn đề y tế công cộng… trả chi phí thấp, những cái đó thể hiện bản chất chủ nghĩa xã hội rõ hơn.
ĐỨC BÌNH – HỒNG QUÂN/TT
Nguồn: Cánh cò