Vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) đã khép lại bằng những bản án nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Song, những âm mưu thâm hiểm, thủ đoạn tinh vi, lợi dụng vụ án này để chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta vẫn tiếp diễn.
Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra ở Đồng Tâm diễn ra công khai đúng pháp luật và nhân văn
Phiên tòa đúng pháp luật, nhân văn
Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự “Giết người”, “Chống người thi hành công vụ” xảy ra ngày 9-1-2020 tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức (thành phố Hà Nội) đã khép lại tròn 1 tháng. Tuy nhiên, vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội và thu hút nhiều sự quan tâm, chú ý từ cộng đồng này vẫn tiếp tục bị lợi dụng để xuyên tạc, đánh lận bản chất nhằm thực hiện các âm mưu, toan tính đen tối của những phần tử, thế lực thù địch chống phá nước ta.
Bất kỳ ai theo dõi phiên tòa công khai đều thấy việc xử án diễn ra theo đúng quy định pháp luật. Hầu hết các bị cáo đều nhận tội, phù hợp với lời khai ở cơ quan điều tra, lời khai của nhân chứng, vật chứng của vụ án được thu thập đúng theo quy định của pháp luật; đồng thời gửi lời xin lỗi đến gia đình 3 chiến sĩ công an hy sinh và mong Hội đồng xét xử cho hưởng mức án khoan hồng để sớm trở về với gia đình.
Đánh giá đây là vụ án hình sự nghiêm trọng, hành vi của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, bất chấp pháp luật, bất chấp kỷ cương phép nước, ngang nhiên xâm phạm hoạt động đúng đắn của chủ trương Nhà nước, địa phương; các bị cáo coi thường tính mạng của người khác khi đang thi hành công vụ, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt các mức án đối với 29 bị cáo. Các bản án này vừa khách quan, đúng người, đúng tội, đảm bảo sự răn đe, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, song cũng cho thấy sự khoan hồng đối với những bị cáo có thể cải tạo, thật sự ăn năn, hối lỗi về hành vi phạm tội của mình.
Tiếp cận vụ án từ góc độ một luật sư đang hành nghề tại Mỹ, luật sư Hoàng Duy Hùng (người Mỹ gốc Việt) trong bài viết bàn về một số vấn đề liên quan phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ” xảy ra tại Ðồng Tâm đã bày tỏ rất đồng tình với bản án mà tòa đã tuyên. Vì ngoài việc răn đe thì luật pháp còn có tính nhân đạo, giáo dục con người khi họ biết hối lỗi. Qua quan sát vụ án và phiên tòa, vị luật sư này cũng “rất tán thành cách làm việc của tòa án, trình tự rõ ràng, xử lý nhân văn, mức án đúng người, đúng tội”.
Luật sư Hoàng Duy Hùng đã rất ấn tượng với điều mà ông thấy là “tính nhân văn, lượng khoan hồng của luật pháp Việt Nam rất cao khi Viện Kiểm sát nhân dân chuyển 19 người từ tội danh “Giết người” sang tội danh “Chống người thi hành công vụ”. Theo ông, ở Mỹ, dù có khoan hồng thì cũng chỉ chuyển đổi tội “Giết người” sang tội “Đồng lõa giết người” với mức án chí ít cũng 20 năm tù hoặc chung thân. Việc Viện Kiểm sát nhân dân quyết định đổi tội danh vì các bị cáo đã nhận ra lỗi lầm và ăn năn, hối hận và họ cũng nói rõ tự nguyện nhận lỗi để được khoan hồng chứ không bị bức cung.
Mọi toan tính, âm mưu thâm hiểm đều thất bại
Dù phiên tòa sơ thẩm đã diễn ra công khai, đúng quy định pháp luật khiến người ta phải “tâm phục khẩu phục”, ấy vậy mà vẫn có những tiếng nói, luận điệu cố tình xuyên tạc, đánh tráo bản chất nhằm “bẻ lái”, hướng vụ án theo hướng khác với toan tính, mục đích mờ ám, xấu xa. Ngay trong quá trình phiên tòa sơ thẩm diễn ra, không ít cá nhân, tổ chức chống đối, cơ hội chính trị trong và ngoài nước đã tới tấp tung ra nhiều luận điệu, yêu sách phi lý liên quan đến vụ án xảy ra tại Đồng Tâm. Trong đó, Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW – Human rights watch) là một trong những tổ chức đưa ra những thông tin phiến diện, sai lệch về tình hình vụ án, gây tác động tiêu cực đến uy tín, hình ảnh của Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Không hề trực tiếp theo dõi phiên toà công khai, song Phó Giám đốc khu vực châu Á của HRW Phil Robertson vẫn ngang nhiên “phán” rằng, “có những mối quan ngại rất lớn liên quan đến thủ tục tố tụng và quyền được có một phiên tòa công bằng đối với 29 người dân đang bị truy tố về vụ việc ở Đồng Tâm”. Từ cái nhìn sai lệch đó, nhân vật này còn đi xa hơn khi cho rằng, “chính quyền muốn trừng phạt các bị cáo bằng các bản án rất nặng để răn đe những ai dám chống lại quyền lực nhà nước trong tương lai”, và rồi lớn tiếng đòi “Việt Nam hãy để cho các nhà quan sát quốc tế độc lập, gồm cả giới ngoại giao, báo chí và NGO (tổ chức phi chính phủ) theo dõi phiên tòa”…
Hợp thành “dàn đồng ca” những luận điều sai trái với HRW, nhiều tổ chức đội lốt và tự nhận “theo dõi nhân quyền”, “đấu tranh vì nhân quyền… như Tổ chức phóng viên không biên giới (RSF – Reporters Sans Frontiers), Tổ chức Kito hữu hành động đòi bãi bỏ tra tấn (ACAT – Action de Chrétiens pour l’Abolition de la Torture) cũng liên tục tung lên những thông tin sai trái về vụ án Đồng Tâm. Họ đồng thanh “kẻ tung người hứng” nhằm xuyên tạc toàn bộ nội dung vụ án, từ quá trình điều tra, truy tố, đến xét xử đối các bị cáo.
Không dừng lại ở việc đăng tải, lan truyền những thông tin lệch lạc, dụng ý xấu, có những đối tượng, phần tử còn tạo dựng, đưa ra những cái gọi là “thư ngỏ”, “kiến nghị” hòng kêu gọi sự can thiệp của cộng đồng quốc tế vào vụ án, vào nền tư pháp cũng như công việc nội bộ của Việt Nam – một quốc gia độc lập có chủ quyền. Bất chấp sự minh bạch, sáng rõ của phiên tòa, trong đó có sự thú nhận và ăn năn, hối lỗi về hành vi phạm tội của các bị cáo, các đối tượng chống đối và cơ hội chính trị với sự tiếp sức của những “cái loa” BBC, RFA, RFI vẫn cố tình xuyên tạc, dựng đứng thông tin núp dưới chiêu bài quen thuộc “đấu tranh vì quyền con người”, “vì sự công bằng của pháp luật” để thực hiện mưu toan chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam một cách thâm hiểm.
Với sự nhìn nhận công bằng, khách quan, luật sư Hoàng Duy Hùng đã thẳng thắn chỉ rõ, đây là vụ án hình sự, không phải vụ án chính trị. Song, một số người lại muốn đánh tráo khái niệm, họ gọi đây là vụ án “mang đầy màu sắc chính trị”. Sau khi nham hiểm “bẻ lái” vụ án Đồng Tâm từ vụ án hình sự sang cái gọi là “vụ án mang màu sắc chính trị”, một số tổ chức, cá nhân đã cố gắng “quốc tế hóa” vụ án để kích động.
Thế nhưng, những toan tính và âm mưu thâm hiểm này đều thất bại bởi theo vị luật sư đang hành nghề ở Mỹ này, đã không có bất kỳ chính phủ nước nào lên tiếng can thiệp. Đơn giản là vì “làm sao có thể can thiệp khi cơ quan Cảnh sát điều tra có đủ nhân chứng, vật chứng và lời thú tội của các bị cáo”, “chưa kể pháp luật nhiều nước trên thế giới đều có chế tài rất nghiêm khắc đối với hành vi sai phạm này”.
Nguồn: Báo ANTĐ
Nguồn: Người con Đất Mẹ