Triển lãm “Ngày rộng” của 8 họa sỹ trẻ đã khai mạc chiều 9/10 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội.
Triển lãm trưng bày hơn 50 tác phẩm hội họa của 8 họa sỹ trẻ gồm: Phùng Văn Tuệ, Nguyễn Lê Anh, Nguyễn Quang Hoan, Phạm Hoàng Hà, Phạm Thị Hồng Sâm, Trần Cường, Phạm Đức Trọng và Phạm Văn Khải.
Tám họa sỹ, mỗi người một phong cách, một cá tính sáng tạo riêng. Họ vốn không hề quen biết nhau từ trước, mà chỉ kết nối với nhau qua mạng xã hội trong những ngày Hà Nội giãn cách xã hội vì COVID-19. Thế nhưng, qua những buổi trao đổi trực tuyến, tâm hồn nghệ thuật của họ có sự đồng điệu, cùng chí hướng nghệ thuật và triển lãm “Ngày rộng” ra đời.
Hơn 50 tác phẩm hội họa có đề tài đa dạng và cách thể hiện phong phú nhưng vẫn mang đậm dấu ấn cá nhân, mang đến cho người xem nhiều cảm xúc mới lạ.
Nếu tranh của họa sỹ Phạm Hoàng Hà là phong cảnh nông thôn Việt Nam với sự biến ảo của màu sắc, tinh tế trong cách xử lý các gam màu trầm… thì tranh của Nguyễn Quang Hoan với những nét bút phóng khoáng, thoải mái trong khung cảnh thiên nhiên, cuộc sống làng quê bình dị, phảng phất ký ức tuổi thơ với biết bao kỷ niệm cũng khiến cho người xem nao lòng.
Họa sỹ Phạm Đức Trọng mang đến triển lãm những tác phẩm chân dung, phong cảnh với những cái nhìn giản đơn về cuộc sống. Còn họa sỹ Trần Cường lại tạo ấn tượng với cách thể hiện bản ngã của con người…
Trong khi đó, họa sỹ Phùng Văn Tuệ lại thông qua ngôn ngữ của trường phái hội họa biểu hiện trừu tượng, thăng hoa cùng bút pháp, từ cảm xúc nội tâm diễn tả tinh tế những chuyển động của cuộc sống, là những khát vọng được tự do để vươn đến đỉnh cao của tư duy. Họa sỹ Phạm Văn Khải lựa chọn mang đến triển lãm hình ảnh cây cầu Long Biên bắc qua sông Hồng, cùng những hình ảnh làng quê mộc mạc.
Hoạ sỹ Nguyễn Lê Anh với các câu chuyện kể bằng tranh qua lăng kính của riêng mình, mang đến cho công chúng cảm giác thật quen thuộc nhưng cũng đầy lạ lẫm.
Còn tranh của Phạm Thị Hồng Sâm – nữ họa sỹ duy nhất của nhóm lại là không gian để người xem có thể tĩnh tâm, lắng lại mọi xáo trộn của tâm hồn để sống chậm lại…
Chia sẻ về lý do các tác giả đặt tên triển lãm là “Ngày rộng”, đại diện nhóm họa sỹ trẻ cho biết, đôi khi vì công việc, vì cuộc sống vội vàng, ồn ã, mà chúng ta quên mất đâu đó trong cuộc sống này, vẫn còn biết bao điều tốt đẹp… Chính vì vậy, các họa sỹ tổ chức triển lãm “Ngày rộng” vừa là để nhắc nhở chính mình, vừa là để gửi đến công chúng thông điệp: “Chúng ta nên tạo ra cho mình những ngày rộng, tháng dài, sống bình tĩnh, chậm lại một chút để có thể thực sự cảm nhận được vẻ đẹp ẩn sâu trong những tác phẩm nghệ thuật và cuộc đời này”.
Triển lãm kéo dài đến hết ngày 15/10/2020.
Nguồn: Báo Tin tức