Trang chủ Chính trị Bằng lái xe, kiểm định ô tô, nhà chung cư… việc gì...

Bằng lái xe, kiểm định ô tô, nhà chung cư… việc gì cũng phải nhà nước

292
0

Câu hỏi đặt ra khi nghiên cứu sắp xếp, kiện toàn tổ chức là có nhất thiết nhà nước phải trực tiếp dạy lái xe hay không? Việc kiểm định ô tô phải là nhà nước làm? Liệu khu vực tư có khả năng đảm nhiệm?

Một ngày đẹp trời, ta thức dậy và nghe tivi thông báo: Từ mai, nhà nước sẽ bỏ quy định về hộ khẩu giấy. Mọi người dân, mọi hộ gia đình thở phào nhẹ nhõm. Chưa biết sau này “hộ khẩu điện tử” ra sao, nhưng chí ít với việc từ bỏ cái món giấy tờ vốn gây khá nhiều phiền toái cho cuộc sống là cũng rất đáng hoan nghênh.

Nhưng chắc 100% dân chúng sẽ phản đối nếu nhà nước thôi không cấp sổ đỏ nữa, bởi nếu vậy chẳng còn căn cứ pháp lý gì để phân định ranh giới đất nhà tôi với đất nhà anh và tranh chấp, có khi còn đổ máu chưa biết chừng sẽ xảy ra. Dân chúng sẽ kiến nghị tha thiết  rằng nhà nước cứ phải làm tiếp cái việc cấp sổ đỏ đi, không thì loạn hết.

Cho nên, bàn về những việc nhà nước đang làm là một chủ đề cũng không quá nhàm chán. Đã sinh ra nhà nước là nhà nước phải làm gì đó cho người dân. Có thể rất nhiều việc nhà nước đang làm mà đã làm thì phải có người, có bộ máy có khi không cần làm nữa thật, nhưng cũng có thể lại phải tiếp tục làm với những cải tiến sao cho tốt hơn, thậm chí với những thay đổi có tính đột phá.

Bằng lái xe, kiểm định ô tô, nhà chung cư… việc gì cũng phải nhà nước
Liệu khu vực tư có khả năng đảm nhiệm toàn bộ câu chuyện dạy lái xe nếu nhà nước thôi không làm nữa?

Hãy thử xem mấy việc cụ thể nhà nước ta đang làm xem sao trong sự so sánh với nước ngoài để dễ hình dung.

Việc thứ nhất: Bằng lái ô tô

Cả ta và tây, nhà nước đều quản lý câu chuyện này. Lái xe là phải có bằng và bằng là do nhà nước cấp. Tây ra luật định rõ nhà nước cấp bằng lái xe, ai đủ điều kiện học, thi lấy bằng, điều kiện mở trường, lớp dạy lái ô tô, tiêu chuẩn người dạy lái xe. Đến đây là chấm dứt sự quản lý hay nói cách khác là sự can thiệp của nhà nước vào bằng lái xe vì về cơ bản việc dạy lái xe là tư nhân làm. Tất nhiên, cơ sở tư nhân dạy lái xe phải được nhà nước công nhận có đủ khả năng làm việc đó.

Ta giống tây là nhà nước cũng ra luật về những vấn đề tương tự. Pháp luật cũng quy định Bộ Giao thông Vận tải quản lý việc cấp bằng lái xe ô tô (ở đây chưa bàn đến câu chuyện đang được đề xuất là nên để Bộ Công an thay Bộ GTVT làm việc này).

Khác duy nhất là ở ta cả công và tư đều tham gia dạy lái xe. Mà công dạy lái xe tức là các tổ chức nhà nước, người nhà nước trực tiếp tham gia vào việc này. Dưới góc độ tổ chức, điều đó có nghĩa là từ việc ra tổ chức, từ việc dạy lái xe phải sinh ra tổ chức nhà nước lo việc này.

Câu hỏi đặt ra khi nghiên cứu sắp xếp, kiện toàn tổ chức ở đây là có nhất thiết nhà nước phải trực tiếp dạy lái xe hay không? Liệu khu vực tư có khả năng đảm nhiệm toàn bộ câu chuyện dạy lái xe nếu nhà nước thôi không làm nữa?

Câu trả lời là quá rõ: Khu vực tư hoàn toàn có khả năng đảm nhiệm và do đó toàn bộ các cơ quan, tổ chức nhà nước đang dạy lái xe có thể thôi, tức giải thể. Bộ máy chắc chắn sẽ gọn hơn, người nhà nước sẽ giảm đi. Nhà nước chỉ còn làm việc quan trọng nhất ở đây là ra luật, ra tiêu chuẩn và kiểm tra, giám sát việc thực hiện.

Việc thứ hai: Kiểm định ô tô

Ô tô muốn lưu hành thì dứt khoát phải qua kiểm định kỹ thuật. Vấn đề này, luât tây và ta đều định rõ và giống nhau.

Bằng lái xe, kiểm định ô tô, nhà chung cư… việc gì cũng phải nhà nước
Một trung tâm đăng kiểm ô tô

Ai thực hiện việc kiểm định này? Một thời gian dài, việc kiểm định xe cơ giới chỉ do nhà nước thực hiện. Nhà nước hiện diện ra ở đây là Bộ GTVT, Cục Đăng kiểm Việt Nam và một loạt các trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới bố trí trên khắp cả nước.

Rồi sau đó, với chủ trương xã hội hóa, tư nhân cũng đã được trực tiếp thực hiện công việc này. Nói ngắn gọn là công và tư cùng đang làm việc kiểm định cũng giống như việc dạy lái xe ô tô. Còn bên tây, việc kiểm định xe cơ giới chủ yếu là do các tổ chức tư nhân thực hiện.

Câu hỏi đặt ra vẫn là: Liệu việc kiểm định ô tô ở ta cứ nhất thiết nhà nước phải làm? Nếu nhà nước thôi hẳn việc này thì có vấn đề nghiêm trọng nào nảy sinh không?

Việc thứ ba: Nhà chung cư

Nhà chung cư và căn hộ chung cư ra đời đòi hỏi dưới góc độ pháp lý phải rõ câu chuyện sở hữu chung và sở hữu riêng. Luật ta và tây đều cố gắng làm rõ vấn đề này: Sở hữu riêng căn hộ chung cư cho người mua căn hộ đó, sở hữu chung của những chủ sở hữu căn hộ chung cư đối với các phần, các bộ phận có liên quan của cả nhà chung cư.

Luật tây cũng định rõ chủ sở hữu căn hộ chung cư hợp thành cộng đồng chủ sở hữu căn hộ chung cư mà hình thức hoạt động là họp để định ra các vấn đề có liên quan như nội quy nhà chung cư…

Điều hết sức quan trọng là theo luật định, cộng đồng chủ sở hữu căn hộ chung cư phải thuê từ bên ngoài người quản lý nhà chung cư để làm các việc như vận hành nhà chung cư, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa nhà chung cư… Nếu có tranh chấp phát sinh, các bên tự thương lượng giải quyết, nếu không thống nhất được thì kiện nhau ra tòa.

Theo cái cách mà nhà nước bên tây quản lý nhà chung cư như vậy thì thấy rõ bộ máy để lo công việc này là khiêm tốn, chủ yếu là thể chế, chính sách và hướng dẫn thực hiện.

Bằng lái xe, kiểm định ô tô, nhà chung cư… việc gì cũng phải nhà nước
Một tòa chung cư ở Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Ta thì sao? Ta vượt  tây ở chỗ sau khi ra thể chế lại định ra thêm mấy việc như sau. Thứ nhất, nhà nước ấn định quỹ bảo trì 2%.

Riêng câu chuyện phí này trong thực tế đã nảy sinh không biết bao nhiêu tranh chấp và mỗi khi có tranh chấp, các cơ quan nhà nước nhiều khi không muốn cũng buộc phải vào cuộc để xem xét, nghiên cứu hay nói cách khác phải có người nhà nước lo.

Tây không can thiệp chuyện này. Sau này chi phí duy tu, sửa chữa nhà chung cư thực tế là bao nhiêu sẽ do nhà quản lý chung cư do những người chủ sở hữu căn hộ thuê báo cáo lại và định rõ mỗi người phải đóng ra sao.

Thứ hai, Ban quản trị nhà chung cư theo luật ta quy định phải được UBND cấp huyện hoặc UBND cấp xã theo ủy quyền của cấp huyện công nhận. Tại sao Ban quản trị này vốn là một tổ chức tự lập, đã được pháp luật quy định làm việc này, việc kia, giờ lại cần đến sự công nhận của chính quyền?

Nghĩ rộng hơn chút nếu chẳng may vị nào đó trong ban này có tiền án, tiền sự mà chính quyền vì một lý do nào đó không biết và vẫn công nhận, sau có sự cố phát sinh ví như tham ô, lạm chi quỹ bảo trì… thì chính quyền có chịu trách nhiệm không?

Rồi cuối cùng lại là câu chuyện tổ chức, biên chế. Thêm việc như vậy, chắc chắn xã, phường có liên quan phải có công chức lo và điều đó đồng nghĩa với tăng biên chế. Như vậy, chỉ riêng kiểu quản lý nhà chung cư của ta đã buộc phải có bộ máy, có công chức tại Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng, UBND cấp huyện và UBND cấp xã để lo việc quản lý nhà nước.

Và việc thứ tư, thứ năm

Nếu cứ theo cách tiếp cận này có thể xem tiếp một loạt việc khác mà chính quyền từ cấp cơ sở là xã, lên huyện và tỉnh rồi trung ương đang làm. Lâu nay cứ kêu bộ máy nhà nước cồng kềnh, nhiều tầng nấc. Người trong bộ máy nhiều quá, phải chi nhiều tiền từ ngân sách nhà nước cho bộ máy và con người như vậy. Rất nhiều biện pháp đã được triển khai, nhưng kết quả vẫn chưa như mong muốn.

Thực ra, cũng không khó lắm khi sắp xếp bộ máy, nếu cứ đơn giản là xem lại từng việc mà nhà nước đang làm theo cách như vừa nêu.

Làm luật, làm chính sách chắc không ai thay được nhà nước. Không một tổ chức tư nhân nào đủ tính chính danh và  năng lực để ban hành thể chế, chính sách cho cả xã hội.

Kế đến là những việc bắt buộc nhà nước phải làm để đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của người dân cũng như sự phát triển của xã hội, mà đặc biệt quan trọng là trên lĩnh vực giáo dục và y tế.

Dịch vụ công về giáo dục và y tế là những loại việc mà dân chúng luôn mong muốn nhà nước làm và làm ngày càng tốt hơn, chi phí mà người dân phải bỏ ra để hưởng thụ dịch vụ công này là không đáng kể, bởi về cơ bản chi phí đã do nhà nước bảo đảm từ ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm y tế.

Nhưng còn những việc mà nhà nước đang làm như công chứng, kiểm định nồi hơi, thang máy, xây nhà ở… có nhất thiết nhà nước tiếp tục làm? Nhà nước không làm nữa thì sao, ai làm và liệu ai đó thay nhà nước có làm được như nhà nước không?

Cái khó hơn nhiều lại thường bị ẩn đi: Ai đủ dũng khí nói cái việc này nhà nước thôi không làm nữa, rồi có ai đó vẫn nói ra được thì liệu có cấp nào quyết thực sự như vậy không. Xét đến cùng có khi lại là câu chuyện lợi ích và độc quyền, lợi ích nhóm và lợi ích của số đông là dân chúng. Hãy đặt lên bàn cân và quyết cho phù hợp là phương châm chủ đạo ở đây.

TS Đinh Duy Hòa – Nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ


Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây