Hơn 2,2 tỷ đồng cho 600 chiếc cặp tương đương với 200 tấn gạo giúp dân nghèo, tương đương khoảng 1,5 vạn chiếc cặp cho trẻ em vùng cao và hàng trăm cặp bò sinh kế… Những con số chạm vào cảm xúc của bất cứ ai, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang bộn bề gian khó bởi đại dịch Covid-19.
Truyền thông những ngày qua rộ lên chuyện tỉnh này, tỉnh kia triển khai gói thầu mua quà tặng đại biểu dự đại hội các Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 – 2025. Theo đó, tỉnh Quảng Bình mạnh tay chi 2,3 tỷ đồng ngân sách mua cặp giả da, mỗi chiếc vị chi từ 3,5 đến 3,7 triệu đồng. Không kém cạnh, Quảng Ninh đã mời thầu trang bị “350 máy tính bảng Samsung Galaxy Tab S6 Lite hoặc tương đương” với tổng dự toán hơn 3,286 tỉ đồng phục vụ các đại biểu dự Đại hội đảng bộ tỉnh Quảng Ninh vừa diễn ra. Nghèo như Cao Bằng cũng mời thầu mua 400 cặp da tặng đại biểu dự đại hội đảng bộ tỉnh với dự toán 1 tỉ đồng. Đắk Lắk cũng chịu chi hơn 1,4 tỉ mua cặp da, đồng hồ, bút bi, bình gốm tặng cho đại biểu…
Chưa có thống kê đầy đủ về chuyện mua cặp làm quà tặng đại hội trong cả nước nhưng chắc chắn từ rất lâu rồi việc này đã trở thành một trào lưu, một tiền lệ, trở thành một gánh nặng đối với ngân sách, gây lãng phí không cần thiết. Chuyện quà tặng mỗi kỳ đại hội gần như đã trở thành thói quen ăn sâu vào tư duy, nếp nghĩ của một bộ phận cán bộ, nhất là đội ngũ tham mưu tổ chức đại hội, hội nghị, lễ lạt.
Chỉ tính riêng Quảng Bình với 600 chiếc cặp da của các bác đại biểu là hơn 1,5 vạn chiếc cặp cho học sinh vùng sâu cùng xa đến trường để gieo mầm những ước mơ xanh. 3,5 triệu đồng/ 1 chiếc cặp tương đương 1 tháng lương được chắt chiu từ những giọt mồ hôi mặn chát của công nhân, lao động phổ thông ở những tỉnh nghèo như Quảng Bình. Hơn 2 tỷ đồng sẽ mua được hơn 200 tấn gạo giúp dân nghèo mùa giáp hạt đặng bớt nhọc nhằn hò khoan mưu sinh lên thác xuống ghềnh.
Vẫn biết, mọi sự so sánh luôn khập khiễng, chưa kể, Đại hội Đảng bộ tỉnh là sự kiện chính trị quan trong nhất trong cả một nhiệm kỳ 5 năm, cần phải được tổ chức trang trọng. Nhưng giảm nghèo, tiết kiệm, thực hiện chính sách an sinh xã hội cũng là một nhiệm vụ quan trọng của đại hội. Hơn thế, Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Bộ Chính trị đã yêu cầu rất rõ các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác chuẩn bị và tiến hành đại hội đảng bộ các cấp phải thiết thực, an toàn, tiết kiệm, tránh phô trương, hình thức, lãng phí…Do vậy, chuyện tỉnh này, tỉnh kia đua nhau mua cặp tặng đại biểu dự Đại hội Đảng bộ tiêu tốn bạc tỷ như nói trên là những sự lãng phí, đi ngược lại với Chỉ thị của Bộ Chính trị. Nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 với hai làn sóng tấn công, đang nhấn chìm nền kinh tế toàn cầu vào cơn bĩ cực chưa từng có và nền kinh tế nước ta, không là ngoại lệ, đang chịu những ảnh hưởng rất nặng nề. Để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua cơn bĩ cực, Chính phủ đang phải chắt chiu từng đồng kinh phí.
Những chiếc cặp có giá hàng triệu đồng không thể làm cho đại hội trang trọng hơn. Trái lại những gói thầu mua sắm quà tặng lãng phí như thế lại trở thành một nốt trầm trước ngày hội lớn của địa phương. Đại hội là nơi hội tụ tinh hoa bàn kế sách giúp dân, giúp nước, chứ không phải là nơi để phô trương. Sự trang trọng của đại hội nếu có phải nằm ở những chương trình, đề án, khâu đột phá hiệu quả, chất lượng; phải lựa chọn được những nhân sự lãnh đạo có tâm, có tầm chứ không phải những món quà tặng giá trị, những màu mè cờ phướn.
Đại hội diễn ra giữa lúc dịch bệnh hoành hành, sản xuất kinh doanh đình trệ, người dân khốn khó lại càng phải giản dị, tiết kiệm. Đại biểu dự đại hội là đảng viên hơn lúc nào hết lại càng phải nêu gương, thể hiện sự cần, kiệm, liêm, chính. Làm sao để chuyện về những chiếc cặp “VIP” ấy được chuyển thành những cặp bò sinh kế, hũ gạo tình thương, chiếc cầu nối nhịp bờ vui, đó mới là chuyện cần hơn bao giờ hết.
Nguyễn Trần
Nguồn: Cánh cò