Từ 6-9/10, tại Lào Cai, Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức Hội nghị về nâng cao nhận thức về vai trò của văn học, nghệ thuật trong sự phát triển đất nước thời kỳ mới.
Tham dự hội nghị có trên 200 đại biểu là cán bộ Ban Tuyên giáo các Tỉnh ủy, Thành ủy; cán bộ quản lý nhà nước về văn hóa văn nghệ; lãnh đạo các Hội Văn học Nghệ thuật Trung ương và địa phương; cán bộ nghiên cứu lý luận phê bình; phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí, nhà xuất bản, giảng viên các trường đại học, cao đẳng về văn học nghệ thuật của 29 tỉnh, thành khu vực phía Bắc.
Theo ông Bùi Thế Đức – Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, vị trí và vai trò của văn học nghệ thuật đã được khẳng định tại Đại hội lần VI của Đảng. Không hình thái nào có thể thay thế được văn học nghệ thuật trong việc xây dựng tình cảm lành mạnh, tác động sâu sắc vào việc đổi mới nếp nghĩ, nếp sống của con người. Hiện nay, vai trò của văn học, nghệ thuật vẫn hết sức quan trọng, đặc biệt là sự tinh tế của văn hóa đã trở thành nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện mỹ của con người…
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, ưu điểm, lĩnh vực này cũng bộc lộ một số hạn chế như sự suy thoái xuống cấp của đạo đức xã hội, một trong những nguyên nhân được xác định là chưa nhìn nhận đầy đủ về vị trí, rõ vai trò của văn học, nghệ thuật trong đời sống xã hội trong xây dựng, bảo vệ đất nước.
Nhiều ý kiến tại hội nghị đã cho rằng, hiện nay vai trò của văn học nghệ thuật trong tiến trình xây dựng đất nước chưa thực sự được coi trọng để phát huy vai trò của nó trong việc xây dựng, phát triển văn hóa, con người. Nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật ngày càng rời xa chức năng giáo dục, thẩm mỹ. Chức năng giải trí của văn học, nghệ thuật bị bóp méo, không ít tác phẩm văn học, nghệ thuật chạy theo thị hướng tầm thường, thậm chí là thấp kém của một bộ phận công chúng. Do chưa nhận thức đúng, đầy đủ về vị trí, vai trò của văn học, nghệ thuật nên vẫn còn những hạn chế, bất cập trong công tác lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật. Việc thể chế hóa quan điểm của Đảng về văn học, nghệ thuật còn chậm, chỉ đạo triển khai thực hiện chủ trương của Đảng ở lĩnh vực này có lúc, có mới còn lúng túng, thiếu đồng bộ.
Một số đại biểu cũng cho rằng, sự phân định chức năng quản lý nhà nước về văn học, văn hóa, nghệ thuật còn chồng chéo, thiếu rõ ràng, cụ thể và xử lý một số một số vấn đề liên quan đến lĩnh vực này còn mang nặng tính hành chính. Cũng vì chưa nhận thức đúng, đầy đủ về vai trò của văn học, nghệ thuật nên khâu sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, tham mưu trong lĩnh vực này còn nhiều bất cập. Chính điều này đã dẫn đến hiệu quả của văn học, nghệ thuật chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cũng như kỳ vọng của nhân dân. Vì vậy, Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã nhận thấy cần phải nâng cao nhận thức về vai trò của văn học, nghệ thuật trong sự phát triển của đất nước thời kỳ mới.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe và cùng thảo luận về một số nội dung quan trọng như: Quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật; Một số nét nổi bật của đời sống mỹ thuật trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng và phương hướng cho nhiệm kỳ tới; Vấn đề tự do sáng tạo trong văn học nghệ thuật Việt Nam hiện nay; Thực trạng và giải pháp cho sự nghiệp bảo tồn, phát huy sân khấu kịch hát dân tộc Việt Nam trong cơ chế thị trường hiện nay; Quan điểm của Đảng và vai trò của báo chí trong công cuộc phòng chống tham nhũng; Quan điểm của Đảng về văn hóa văn nghệ trong một số nghị quyết gần đây…
Nguồn: Báo Tin tức