Gần 1 tháng trôi qua, Việt Nam không ghi nhận ca bệnh ở cộng đồng, hầu hết số ca bệnh được điều trị khỏi và ra viện đã mang đến niềm tin, hy vọng cho người dân. Một niềm tin rằng với những nỗ lực của chính phủ và sự chung tay của người dân cả nước, Việt Nam sẽ đẩy lùi được dịch COVID-19.
Không vì thành công đó mà chủ quan. Người dân tin tưởng và tuân thủ các qui định trong phòng chống dịch COVID-19 của Chính phủ. Các địa phương, nhất là bệnh viện vẫn nêu cao các biện pháp để đảm bảo an toàn cho người dân, không chủ quan trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Nhiều chương trình được triển khai như “Phát động toàn dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19”, hay “Sổ tay bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học”… Những thông điệp như “Bạn vẫn đẹp khi đeo khẩu trang”, “Hãy đeo khẩu trang – hành động nhỏ của bạn, an toàn cho cộng đồng” … được lan tỏa… Tất cả những việc này đã giúp hướng dẫn người dân nâng cao ý thức, chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho gia đình.
Thế giới đánh giá cao triển vọng phục hồi kinh tế Việt Nam sau đại dịch COVID-19. Theo báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu mới được công bố của Oxford Economics được ủy quyền bởi The Institute of Chartered Accountants in England and Wales (ICAEW), triển vọng phục hồi kinh tế Việt Nam là “tươi sáng” nhất trong khu vực Đông Nam Á. Báo cáo đánh giá Việt Nam sẽ là nền kinh tế duy nhất ở khu vực Đông Nam Á đạt mức tăng trưởng dương trong năm 2020. Các nền kinh tế kiểm soát tốt dịch bệnh như Thái Lan và Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn so với Indonesia và Philippines, khi hai nước này đang phải vật lộn với những làn sóng bùng phát mới của đại dịch COVID-19, sau khi những biện pháp hạn chế ở các nước này được nới lỏng sớm. Ngân hàng thế giới (World Bank – WB) cũng cho rằng nền kinh tế Việt Nam thể hiện khả năng chống chịu đáng kể trong khủng hoảng COVID-19, tốt hơn nhiều so với hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Thế nhưng, trong bức tranh tươi sáng đó, vẫn có những con sâu gặm nhấm thành quả, nỗ lực của bao người.
Dư luận rất bức xúc trước thông tin Sở TT&TT TP.HCM chi 22 tỷ in tờ rơi tuyên truyền phòng chống Covid-19, trong khi giá thị trường là 9 tỷ. Bộ Công an đã đề nghị VKSNDTC truy tố 10 bị can trong vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại CDC thành phố Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội và một số đơn vị liên quan. Hàng loạt vụ gian dối, nâng khống giá thiết bị y tế bị phát giác và đang điều tra như vụ bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, Hà Tĩnh, Thái Bình…khiến người dân không khỏi bức xúc: “khác nào ăn cướp”, hay “đục nước béo cò”, “khó khăn của xã hội nhưng là cơ hội của kẻ khác”, “đất nước khó khăn vì dịch bệnh mà vẫn “ăn” được”…
Tất nhiên, kẻ phạm tội sẽ bị pháp luật trừng trị thích đáng, nhưng không có nghĩa là lợi dụng những sai phạm đã bị phanh phui, xử lý thổi phồng lên rằng, những vụ việc nêu trên chỉ là một trong hàng trăm, hàng ngàn trường hợp xảy ra do những cán bộ đảng viên thái hóa biến chất lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nếu không thì họ lấy đâu ra tiền để mua biệt thự, xe hơi, cho con du học, rồi từ đó quy kết, xuyên tạc thành “Tham nhũng là đặc tính của các thể chế độc tài”. Hoặc liên hệ từ những vụ việc này phủ nhận thành quả chống dịch, vu cáo chính phủ gian dối, lừa dân, mị dân, thổi phồng thành quả, đừng tin vào tuyên truyền của báo chí, truyền thông, y tế…thì rõ là chẳng khác những kẻ “đục nước béo cò” kia là mấy.
Thậm chí, để phủ nhận nỗ lực của ngành y tế Việt Nam khi sử dụng phép so sánh, dẫn dắt dư luận chế nhạo về lý do Việt Nam có số người mắc bệnh quá ít so với nhiều nước trên thế giới “có nhẽ do thế giới họ chả chịu đeo khẩu trang, và không thực hiện cách ly tốt như Việt Nam, chứ trình độ và điều kiện của ngành y nước ta so với thế giới thuộc hạng xoàng, có ai bỏ tiền sang Việt Nam chữa bệnh đâu?”.
Không tự nhiên mà giới chuyên gia, truyền thông đánh giá cao công tác chống dịch của Việt Nam và xem Việt Nam như mẫu hình thành công trong cuộc chiến này. Chúng ta không thể bị những con sâu kia đục khoét niềm tin vào ngành y tế, bôi nhọ quyết tâm chống dịch của cả bộ máy Chính phủ thời gian qua.
Nguồn: Loa phường