“21 Lê Lai, 22 Lê Lợi”, như đã thành thông lệ, hằng năm, cứ đến ngày 21, 22/8 âm lịch, lớp lớp cháu con lại tụ hội về Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh (thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) để thắp nén tâm nhang tưởng nhớ người Anh hùng dân tộc Lê Lợi, đại công thần Lê Lai và các vị vua Lê đã có công giành lại độc lập, yên bình cho đất nước; đồng thời để được xem các điệu múa, trò chơi truyền thống như múa Xuân Phả, nghe tiếng chiêng, cồng, trống… âm vang giữa núi rừng Lam Kinh thiêng liêng.
Tuy nhiên, tại Lễ hội Lam Kinh năm 2020, tỉnh Thanh Hóa sẽ không tổ chức phần hội như thường niên mà chỉ tổ chức các hoạt động tế lễ, dâng hương tại Khu Di tích lịch sử Lam Kinh (huyện Thọ Xuân), Đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai (huyện Ngọc Lặc), Thái miếu nhà Hậu Lê, Tượng đài Lê Lợi (Thành phố Thanh Hóa). Không có phần hội, sẽ có gì để thu hút du khách thập phương quay trở lại Lam Kinh mùa thu này?
“Làm mới” để thu hút du khách
Theo chân nhóm du khách hành hương đến Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh gần ngày chính lễ, chúng tôi cảm nhận được không gian xanh trong lành, xanh mát của rừng cây cổ thụ và cảnh quan sinh thái độc đáo, hấp dẫn. Một quần thể rộng lớn hàng trăm ha, bao gồm đồi núi, sông hồ, khe suối, những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, khu rừng cấm với đầy đủ các loài cây quý thu hút chim muông về sinh sống càng khiến cho thành cổ Lam Kinh vừa có sự cổ kính, uy nghiêm vừa thơ mộng và lôi cuốn đối với du khách.
Trong thời gian tạm ngừng đón khách do dịch COVID-19, Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh vẫn thường xuyên làm tốt công tác vệ sinh môi trường, bảo đảm điểm đến xanh – sạch – đẹp. Với nhiều biện pháp như: quản lý cây xanh, vườn hoa, thảm thực vật, tôn tạo cảnh quan như trồng bổ sung cây bản địa cùng nhiều loại hoa cây cảnh, tiến hành chăm sóc, cắt tỉa, tạo tán cây trong các khuôn viên, vườn hoa cây cảnh, đưa vào nhân cấy nhiều giống hoa đẹp, Lam Kinh dường như đang khoác lên trên mình một diện mạo mới, một sức sống mới. Sự hòa quyện giữa khối kiến trúc xanh tự nhiên là rừng già và sông Ngọc, bao bọc lấy hàng chục công trình kiến trúc – nghệ thuật, vừa đậm nét cung đình vừa mang nét dân gian của Lam Kinh, cũng đủ khiến những du khách phương xa thích thú và thán phục.
Anh Lê Văn Lan (một du khách đến từ Hà Nội) cho biết: “Mọi năm, tôi thường cùng gia đình về Lam Kinh đúng chính hội để được hòa mình vào dòng người thành kính dâng nén tâm nhang lên tiên tổ và thưởng thức không khí tươi vui, náo nhiệt của Lễ hội Lam Kinh, các trò chơi, trò diễn, các hoạt động sân khấu hóa… Năm nay, tỉnh Thanh Hóa không tổ chức phần hội, tôi đã chọn ngày cuối tuần để về với Lam Kinh. Tôi đã tìm thấy cho mình một Lam Kinh rất khác, rất tĩnh lặng, yên bình. Tôi được hòa mình vào thiên nhiên ở đây, dành nhiều thời gian đi thăm những địa điểm khác của Lam Kinh mà trước đây tôi chưa có thời gian đến và cảm nhận.”
Cùng với một số điểm đến khác trong cả nước, Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh là điểm đến đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa triển khai ứng dụng công nghệ thuyết minh tự động thông qua quét mã QR-Code, giúp du khách dễ dàng truy cứu thông tin và khám phá điểm đến, mang đến trải nghiệm mới theo hướng du lịch thông minh. Nội dung thuyết minh được cài đặt chi tiết, dễ hiểu, dễ sử dụng được tích hợp sẵn trong mã QR-Code. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh có kết nối wifi hoặc tích hợp sẵn dịch vụ 3G, 4G, du khách có thể cài ứng dụng quét mã QR-Code (chạy trên nền tảng hệ điều hành Android hoặc iOS) rồi mở ứng dụng, ấn số tương ứng hoặc chiếu camera từ ứng dụng quét lên các mã tem QR-Code được đặt trước mỗi điểm đến. Chỉ như vậy, toàn bộ thông tin sẽ hiện lên màn hình điện thoại, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của du khách.
“Tôi nghĩ đây là một cách làm rất mới và rất hiệu quả của Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử Lam Kinh. Trước đây, khi đến tham quan Khu Di tích, muốn tìm hiểu những thông tin về điểm đến chúng tôi phải đi theo đoàn, có liên hệ trước để có hướng dẫn viên đi theo thuyết minh. Giờ có mã QR-Code như thế này sẽ quá thuận tiện cho du khách, chúng tôi sẽ không rơi vào các tình huống chưa kịp ngắm, tìm hiểu, khám phá điểm đến, hiện vật đã phải đi theo hướng dẫn viên đến điểm tiếp theo hoặc bị phân tán, chưa kịp nghe, chưa kịp hiểu gì đã phải đi điểm khác với đoàn.” Ông Nguyễn Hữu Lợi, du khách đến từ thành phố Thanh Hóa chia sẻ.
Theo Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử Lam Kinh, để tạo thuận lợi hơn cho du khách trong việc tham quan, Ban Quản lý đã triển khai ứng dụng quét mã QR Code từ cuối năm 2019, đầu năm 2020 với tổng số 28 điểm đến. Nội dung thuyết minh tại các điểm được tích hợp trong hệ thống này đã được xây dựng một cách khoa học, đảm bảo tính chính xác về giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc điểm đến. Ngoài tiếng Việt, những nội dung thuyết minh còn được dịch sang tiếng Anh, rất phù hợp để đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách, nhất là những khách quốc tế đi lẻ và đoàn khách tự do, mặt khác nhằm giảm tải cho đội ngũ thuyết minh viên trong những ngày đông khách. Đặc biệt, ứng dụng quét mã QR-Code còn cung cấp những thông tin về hiện vật, điểm đến đã được thẩm định chính xác, giúp du khách truy xuất thông tin một cách đầy đủ nhất, tiện lợi nhất.
Mới đây, Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử Lam Kinh vừa xây dựng Dự án “Tôn tạo các hạng mục công trình Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh”, bao gồm các hạng mục như: chống xuống cấp tiền đường, hậu cung đền Lê Thái Tổ; cổng chào; cầu qua sông Ngọc; cải tạo, trồng cây cảnh, trồng hoa trong khuôn viên khu di tích; nâng cấp, cải tạo cảnh quan không gian khuôn viên lăng Lê Thái Tổ và 5 khu lăng mộ các vua và hoàng hậu; điện chiếu sáng trong khu di tích; nâng cấp đường vào khu lăng mộ, nhà bia vua Lê Túc Tông…
Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 55,373 tỷ đồng và thời gian thực hiện 5 năm (2021-2025). Mục tiêu của dự án là nhằm bảo đảm các điều kiện về hạ tầng và cơ sở vật chất, như: hệ thống giao thông, phòng cháy, chữa cháy rừng, an ninh an toàn, không gian trưng bày và làng Lam Sơn… Tới đây, khi dự án được thông qua, sẽ góp phần nâng tầm vị thế của di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh và đưa Khu Di tích lịch sử Lam Kinh thực sự trở thành điểm đến tham quan, học tập, nghiên cứu hấp dẫn du khách.
Đảm bảo du lịch an toàn cho du khách
Ông Vũ Đình Sỹ, Trưởng ban Quản lý Khu Di tích lịch sử Lam Kinh cho biết: “Do năm nay không tổ chức phần hội, Ban Quản lý Khu Di tích Lam Kinh sẽ thực hiện tốt công tác chỉnh trang phòng trưng bày, bổ sung hiện vật trưng bày ấn tượng phong phú đủ lớn để phục vụ tham quan học tập, nghiên cứu, hiểu biết sâu sắc, ý nghĩa, giá trị lịch sử văn hóa di tích Lam Kinh triều đại Hậu Lê. Để thực hiện tốt công tác đón tiếp, hướng dẫn tham quan, Ban Quản lý chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nhất là cán bộ làm công tác chuyên môn nghiệp vụ, thuyết minh viên di tích, nhằm tuyên truyền quảng bá những nét đặc sắc tiêu biểu của di tích Lam Kinh đến với mọi người dân trong tỉnh, trong nước.
Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử Lam Kinh sẽ tiếp tục tăng cường công tác giám sát, khuyến cáo du khách thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại nơi công cộng như: đeo khẩu trang, giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh và thực hiện nghiêm việc giãn cách khi đến tham quan tại đây, tránh tình trạng tập trung quá đông người tại một địa điểm. Khu Di tích lịch sử Lam Kinh quyết tâm tận dụng thời cơ dịch bệnh được kiểm soát để củng cố, phát triển hoạt động du lịch tại đây”.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa Vương Thị Hải Yến cho biết: “Ưu tiên hàng đầu của du lịch Thanh Hóa luôn là sự an toàn của du khách và cộng đồng. Với tinh thần không chủ quan, thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới, Sở đã có hướng dẫn cụ thể tới các đơn vị, doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa phải tuân thủ theo Bộ tiêu chí du lịch an toàn: điểm đến an toàn, cơ sở lưu trú an toàn, dịch vụ an toàn, du khách an toàn, nhân viên du lịch an toàn… Lễ hội Lam Kinh năm nay tỉnh Thanh Hóa không tổ chức phần hội cũng chính là để đảm bảo sự an toàn cho du khách gần xa. Chúng tôi đã có những hướng dẫn cụ thể để Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử Lam Kinh, huyện Thọ Xuân và các đơn vị liên quan chủ động phòng, chống dịch cho du khách, người dân và cán bộ, nhân viên trong những ngày trước, trong và sau khi diễn ra Lễ hội Lam Kinh 2020”.
Gần 6 thế kỷ trôi qua, với nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử đất nước, Lam Kinh, biểu tượng của lòng tự hào dân tộc về một giai đoạn lịch sử oai hùng chống quân xâm lược và công cuộc xây dựng quốc gia Đại Việt vẫn còn giữ nguyên giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật cần được bảo tồn, tôn vinh và gìn giữ. Năm 2020 là năm kỷ niệm 602 năm Khởi nghĩa Lam Sơn, 592 năm vua Lê đăng quang, 587 năm Ngày mất của Anh hùng dân tộc Lê Lợi. Phần Chính lễ trong Lễ hội Lam Kinh gồm các hoạt động tế lễ, dâng hương sẽ diễn ra vào ngày 22/8 (âm lịch), tức ngày 8/10/2020 tại Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh.
Nguồn: Báo Tin tức