Trang chủ Chính trị ‘Rất khổ vì văn bản chồng chất’

‘Rất khổ vì văn bản chồng chất’

140
0

“Một đất nước mà văn bản chồng chất, ngay bản thân chúng ta cũng không nhớ hết, rất khổ”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chia sẻ.

Nhiều lần chia sẻ về việc có quá nhiều văn bản được ban hành, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng tiếp tục đôn đốc giải quyết thực trạng này tại cuộc làm việc giữa Tổ công tác của Thủ tướng với các bộ, ngành vào sáng 1/10.

Cuộc làm việc nhằm kiểm tra, đôn đốc việc xây dựng, trình ban hành các văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh đã có hiệu lực pháp luật nhưng còn nợ đọng.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, dù Thủ tướng, Chính phủ luôn quyết liệt yêu cầu hoàn thiện thể chế, tình hình nợ đọng văn bản vẫn còn rất nhiều. “Nếu không đẩy nhanh, không tích cực, không quyết liệt thì số văn bản nợ đọng sẽ gia tăng rất lớn”, ông lo ngại.

‘Rất khổ vì văn bản chồng chất’
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đánh giá còn quá nhiều văn bản chồng chất gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Ảnh: Đoàn Bắc.

Nêu kết quả kiểm tra của tổ công tác, ông Dũng phản ánh thực tế việc ban hành nghị định còn rất nhiều, có những luật ban hành 15 nghị định, chưa kể mỗi nghị định còn kèm theo rất nhiều thông tư. “Việc ban hành nhiều nghị định, thông tư rất khó cho doanh nghiệp, người dân”, ông Dũng nói.

Giải trình về văn bản liên quan đến lĩnh vực của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho biết năm 2020, Bộ đăng ký 15 nghị định hướng dẫn chi tiết Bộ luật Lao động (sửa đổi), đã trình 2 nghị định, xin lùi thời gian trình 2 nghị định sau Đại hội Đảng XIII do có tính chất phức tạp, nhạy cảm, cần được nghiên cứu thêm. Số còn lại Bộ cam kết sẽ trình đủ trước ngày 15/10.

Tổ trưởng Tổ công tác Thủ tướng – Bộ trưởng Mai Tiến Dũng – cho rằng việc ban hành tới 15 nghị định để hướng dẫn Bộ luật Lao động (sửa đổi) là quá nhiều. Ông đề nghị Bộ Lao động giảm bớt số lượng, nhiều nhất là 3 nghị định.

Ông Dũng gợi ý cách làm là đưa hẳn một khoản của nghị định này vào nghị định mới, đây chỉ là vấn đề kỹ thuật, không có gì khó vì đã có nghị quyết của Chính phủ về việc một văn bản sửa nhiều văn bản.

“Dứt khoát phải chỉ đạo gom lại. Giờ ban hành nhiều thế này không chấp nhận được, một đất nước mà văn bản chồng chất, ngay bản thân chúng ta cũng không nhớ hết các văn bản, rất khổ”, ông Dũng nói.

‘Rất khổ vì văn bản chồng chất’
Cuộc làm việc của Tổ công tác Thủ tướng với 10 bộ, ngành sáng 1/10. Ảnh: Đoàn Bắc.

Ông dẫn chứng thêm kinh nghiệm từ nước Anh rằng giai đoạn một là ban hành một văn bản mới phải hủy một văn bản cũ, giai đoạn 2 ban hành một mới phải hủy 2 cũ và nước này đang bước vào cải cách giai đoạn 3, ban hành một văn bản mới phải hủy 3 văn bản cũ. Vì thế, các cơ quan không dám trình văn bản mới vì không hủy được văn bản cũ.

Tổ trưởng Tổ Công tác đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội gương mẫu trong thực hiện quy định một nghị định sửa nhiều nghị định.

Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã ban hành 37 văn bản, còn nợ đọng 18 văn bản quy định chi tiết có hiệu lực pháp luật, thuộc trách nhiệm của các bộ, cơ quan: Tài chính, Công an, Nội vụ, Công Thương, Giáo dục và Đào tạo, Thanh tra Chính phủ.

Trong đó nhiều nhất là Bộ Tài chính với 6 nghị định, tiếp đến là Bộ Công an 5 nghị định, Bộ Nội vụ 4 nghị định.

Về chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng, 9 tháng năm 2020, có 301 đề án phải trình. Đến nay, đã trình 266 đề án, còn nợ đọng 35 đề án, chiếm 11,6%. Ngoài ra, trong quý IV/2020, các bộ, cơ quan phải trình 156 đề án.

Hoài Thu/ZN


Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây