Nhân Ngày sân khấu Việt Nam (12/8 âm lịch), ngày 28/9, các tỉnh Bình Định, Long An đã tổ chức khánh thành Nhà hát nghệ thuật truyền thống; gặp mặt, biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích tốt trong tham gia Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân” lần 4, năm 2020.
Khánh thành Nhà hát nghệ thuật truyền thống
Ngày 28/9, UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức khánh thành, đưa Nhà hát truyền thống tỉnh vào hoạt động.
Nhà hát truyền thống tỉnh Bình Định được xây dựng trên nền cũ của Nhà hát tuồng Đào Tấn, tại 590 Nguyễn Thái Học, thành phố Quy Nhơn. Công trình được đầu tư xây dựng 30 tỉ đồng, có diện tích 780 m2 với 3 tầng, bao gồm: tầng 1 có phòng biểu diễn dành cho 150 chỗ ngồi khán giả, sân khấu, hố nhạc, không gian phụ trợ. Tầng 2 có phòng biểu diễn 50 ghế kết hợp phòng họp đoàn (chủ yếu phục vụ khách du lịch), phòng trưng bày truyền thống Ðoàn ca kịch bài chòi và Ðoàn tuồng Ðào Tấn. Tầng 3 có phòng thờ Tổ Ðoàn ca kịch bài chòi và Ðoàn tuồng Ðào Tấn…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh, yêu cầu Ban quản lý Nhà hát truyền thống tỉnh Bình Định quản lý, khai thác công trình đảm bảo phát huy hiệu quả; thực hiện công tác duy tu, bảo trì hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật; tổ chức sự kiện, biểu diễn phục vụ nhân dân và du khách gần xa, góp phần đưa Nhà hát trở thành một điểm nhấn quan trọng trong không gian kiến trúc cảnh quan đô thị, góp phần đưa nghệ thuật truyền thống tỉnh ngày một phát triển.
Bình Định là cái nôi của nghệ thuật tuồng và nghệ thuật truyền thống. Nơi Tổ Tuồng Đào Duy Từ đặt nền móng nghệ thuật truyền thống và là người sản sinh ra nghệ thuật truyền thống bài chòi, hiện là di sản phi vật thể của nhân loại. Hiện nay, đất võ Bình Định là trung tâm của không gian nghệ thuật Bài chòi Nam trung bộ. Bình Định cũng là quê hương của hậu Tổ Tuồng Đào Tấn, danh nhân văn hóa Việt Nam.
Khen thưởng nhiều tập thể, cá nhân
Chiều 28/9, tại Đoàn Cải lương Long An, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức họp mặt Giỗ tổ ngành sân khấu Việt Nam. Nhân dịp này, UBND tỉnh Long An trao Bằng khen tặng 5 tập thể và cá nhân đã có thành tích tốt trong tham gia Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân” lần 4, năm 2020, nhằm động viên, khích lệ sự cống hiến của các nghệ sĩ.
Theo ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Long An, từ lâu, Long An được xem là cái nôi của cải lương và đờn ca tài tử, là quê hương của nhiều nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân dân gian…Qua đó, cải lương được công chúng biết đến và yêu mến trong nhiều lĩnh vực: Cải lương, đờn ca tài tử, xiếc,… Ngoài ra, Long An cũng là nơi sinh ra những soạn giả tài ba với nhiều tác phẩm đi vào lòng người.
Những năm qua, ngành sân khấu tỉnh Long An đã có nhiều đóng góp quan trọng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Các soạn giả, nghệ sĩ ngoài việc cho ra đời nhiều tác phẩm sân khấu và hoạt động sân khấu có ý nghĩa để phục vụ công chúng, còn tích cực tham gia các cuộc liên hoan, hội diễn sân khấu chuyên nghiệp, trình diễn đờn ca tài tử, các cuộc thi sáng tác cấp khu vực và đạt thành tích cao.
Nguồn: Báo Tin tức