Trang chủ Tin tức Du lịch thích ứng với tình hình mới

Du lịch thích ứng với tình hình mới

123
0

Trước thông tin tích cực về việc khống chế được dịch COVID-19, nhiều chương trình du lịch bắt đầu được khởi động lại tại các địa phương. Tiêu chí an toàn cho khách du lịch trong mùa dịch được các doanh nghiệp du lịch và điểm đến đặt lên hàng đầu.

Trải nghiệm mới

Hiện một số doanh nghiệp lữ hành kết hợp với khách sạn cao cấp 5 sao ở Hà Nội triển khai chương trình trải nghiệm dịch vụ cao cấp với giá ưu đãi như ở tại khách sạn Metropole, InterContinental Hà Nội… giá 2,6 triệu đồng.

Du lịch thích ứng với tình hình mớiKhách du lịch tham quan điểm tích tại Hà Nội.

“Sản phẩm này hướng tới dòng khách đi công tác hoặc cao cấp tại Hà Nội. Bình thường mức giá tại khách sạn 5 sao từ 5-8 triệu đồng/đêm; trong khi ở khách sạn 3 sao cũng đã dao động khoảng 1 triệu đồng nên nhiều gia đình có điều kiện về Hà Nội lựa chọn trải nghiệm khách sạn 5 sao vốn chủ yếu phục vụ khách nước ngoài. Hiện công suất phòng của khách sạn cao cấp Hà Nội chỉ đạt khoảng 10% nên các đơn vị mới có mức giá ưu đãi để nâng công suất phòng. Sản phẩm này đang thu hút sự tò mò của nhiều khách. Hiện bình quân đơn vị bán được 70 phòng/tuần”, ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Flamingo Redtours, trưởng ban truyền thông Hiệp hội lữ hành Việt Nam chia sẻ.

Còn với khách đại trà hiện tập trung nhiều vào 3 chương trình chính: Tây Bắc với mùa lúa chín; Tây Nguyên với mùa hoa dã quỳ và Tây Nam Bộ với mùa nước nổi. “Các chương trình này mang tính thời vụ và tùy vào nhu cầu của khách và liên kết tuyến điểm sẽ hình thành những tour khác nhau. Hiện các sản phẩm du lịch được giới thiệu để gom khách từ đầu tháng 9 và sẽ chạy hàng tuần từ cuối tháng 9, dự kiến kéo dài đến tháng 11. Trung bình sẽ có từ 3-4 đoàn khởi hành/tuần”, ông Nguyễn Công Hoan cho biết.

Theo bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc điều hành Vietrantour, khách bắt đầu có nhu cầu trở lại nhưng chủ yếu là các nhóm khách đi theo chương trình giao lưu, hội thảo, họp nhóm, về nguồn. Khách chủ yếu mua theo combo (gói dịch vụ) đi trải nghiệm, nghỉ dưỡng đến Côn Đảo, Phú Quốc, Đà Lạt, Cần Thơ với giá từ 2,65 triệu đồng… Bên cạnh đó là các chương trình vòng cung Đông – Tây Bắc theo hướng Sa Pa vòng theo cung đường đi Mù Căng Chải – Nghĩa Lộ với 3 ngày 2 đêm được nhiều người lựa chọn; chương trình đi cự ly ngắn nghỉ dưỡng tại khu ngoại thành Hà Nội, đi Hạ Long.

Theo nhận định của Hiệp hội lữ hành Việt Nam, đây không phải mùa du lịch nội địa nên lượng khách chỉ tập trung vào các nhóm khách nhỏ lẻ theo thời vụ. Sản phẩm chính sẽ tập trung cho du lịch MICE (hội nghị, hội thảo kết hợp du lịch) vào dịp cuối năm. Do đó, các sở quản lý du lịch địa phương và các công ty du lịch đều chuẩn bị sẵn sàng tâm lý, sẽ không trông chờ hay kỳ vọng quá nhiều vào con số mà bắt đầu từ bước đi nhỏ, nhưng chắc chắn.

“Hồi sức” cho ngành du lịch

Theo Tổng cục Du lịch, dịch COVID-19 tái bùng phát vào cuối tháng 7/2020 vào đúng cao điểm du lịch hè đã làm các đơn vị du lịch thiệt hại nặng. Doanh nghiệp vận tải du lịch (ô tô) gần như đóng băng vì không có khách. Doanh nghiệp lữ hành thì đến 95% dừng hoạt động, trong đó 10% xin thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành, chấm dứt hoạt động. Các doanh nghiệp lưu trú, khách sạn, resort tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chỉ đạt 10%.

Để thích ứng với tình hình mới, hiện nay các doanh nghiệp du lịch và địa phương cũng đang chuyển hướng thích nghi theo tiêu chí đảm bảo an toàn. Các doanh nghiệp du lịch áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đơn cử như Vietravel, Vietrantour khuyến cáo du khách đeo khẩu trang nơi công cộng; khai báo y tế tại các điểm du lịch; đồng thời với các đối tác như tại các điểm lưu trú, xe vận chuyển, nhà hàng, các đồ dùng chế biến và các dụng cụ ăn uống phục vụ khách hàng phải đảm bảo an toàn vệ sinh… Nhân viên, người phục vụ phải có các biện pháp phòng hộ cá nhân theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Mới đây, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch (VHTTDL) tiếp tục phát động Chương trình kích cầu du lịch nội địa những tháng cuối năm 2020. Theo đó, các hoạt động kích cầu du lịch hướng theo chủ đề “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”. Các địa phương, doanh nghiệp có thể chủ động lựa chọn thông điệp riêng phù hợp với tính hấp dẫn và sản phẩm đặc thù của điểm đến; tập trung kích cầu nhằm vào đối tượng khách du lịch là người Việt Nam và người nước ngoài làm việc, sinh sống tại Việt Nam và phải đảm bảo tiêu chí an toàn khi dịch COVID-19 vẫn tiếp diễn.

Trong khi đó, ông Phạm Hải Quỳnh, Chủ tịch Hội du lịch cộng đồng cho biết: Hiện các đơn vị theo nhóm, câu lạc bộ, hội du lịch đang tái khởi động chương trình du lịch sau dịp nghỉ lễ 2/9 dựa trên mối liên kết trước đây. Để có chương trình kích cầu theo đúng nghĩa thì cần có sự hỗ trợ cụ thể của Nhà nước.

Xét tổng quát, cách làm du lịch của Việt Nam và thế giới có điểm chung là “an toàn, thân thiện với môi trường” nhằm duy trì việc làm cho người lao động. Sẽ mất nhiều thời gian để ngành du lịch lấy lại được những con số như năm 2019, nhưng nhìn vào bối cảnh chung hiện nay, du lịch Việt Nam được dự đoán có điều kiện phục hồi nhanh hơn.

XC/Báo Tin tức

Du lịch thích ứng với tình hình mới

Kích cầu du lịch cuối năm: Trải nghiệm Việt Nam an toàn, hấp dẫn

Chiều 24/9, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch – VHTTDL) tổ chức hội nghị “Kích cầu du lịch nội địa trải nghiệm Việt Nam an toàn, hấp dẫn”. Trong bối cảnh dịch COVID-19 trong nước cơ bản được kiểm soát, đợt kích cầu lần 2 do Bộ VHTTDL phát động sẽ tập trung vào yếu tố “an toàn” và “hấp dẫn”.

Nguồn: Báo Tin tức

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây