Trang chủ Luận bàn - Phản biện Về “Nghị định thép” số 112 mà Chính phủ vừa ban hành

Về “Nghị định thép” số 112 mà Chính phủ vừa ban hành

253
0

Được biết, ngày 18/9/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 112/2020/NĐ-CP về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/9/2020. Để thuận lợi cho việc áp dụng quy định của pháp luật, Nghị định 112 mới được Chính phủ ban hành đã đồng thời hướng dẫn kỷ luật cả 03 đối tượng là cán bộ, công chức và viên chức. Ngoài ra, nhằm đồng bộ với Luật sửa đổi Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, Nghị định 112 cũng quy định cụ thể về việc kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu.

Có thể thấy, với sự ra đời của Nghị định 112, Chính phủ đã thống nhất và đồng bộ hóa các quy định kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức tại một văn bản. Qua đó giúp việc áp dụng vào thực tế được dễ dàng hơn.

Trong đó, Nghị định 112 đã đưa ra những quy định rất mới trong việc xử lý vi phạm của cán bộ, công chức. Cụ thể: Bổ sung quy định tái phạm khi kỷ luật cán bộ, công chức; Bổ sung các trình tự, thủ tục kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu, “hết thời hạ cánh an toàn”; Kéo dài thời hạn kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức… những quy định này khi ban hành đã được người dân đồng tình ủng hộ, đây được xem là “Nghị định thép” của Chính phủ nhằm chấn chỉnh, xử lý mạnh các hành vi vi phạm kỷ luật của cán bộ Nhà nước.

Thế nhưng, ở đây cần phải nhận định rõ, phạm vi của Nghị định 112 là áp dụng cho hình thức kỷ luật các cán bộ, công chức, viên chức khi thực thi công vụ. Cần phải hiểu rõ, các hình thức kỷ luật này hoàn toàn không thay thế cho trách nhiệm hình sự nếu các hành vi vi phạm đến mức bị xử lý hình sự. Và, đây là những quy định chỉ áp dụng cho các cán bộ, công chức, viên chức, chứ không phải cho toàn bộ người dân.

Ví dụ một cách dễ hiểu, đó là trường hợp của các ông Đinh La Thăng, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Vũ Huy Hoàng. Hay gần nhất là trường hợp của ông Nguyễn Đức Chung, ông Chung vẫn bị khởi tố, bắt giam dù vẫn còn chính thức đương nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội (chỉ tạm đình chỉ), vì những hành vi vi phạm của ông ấy đã đủ đến mức xử lý hình sự.

Thiết nghĩ, đối với những người bình thường, với vốn kiến thức pháp luật chưa cao, có thể dễ bị nhầm lẫn giữa hình thức xử lý hình sự và kỷ luật. Thế nhưng, ngạc nhiên làm sao khi Nghị định 112 đã được công bố và có hiệu lực đến nay đã nhiều ngày, vậy mà vẫn còn đó những con người tự cho mình là tri thức cao cấp, mang lên mình danh tiến sĩ, luật sư mà vẫn phạm phải sự nhầm lẫn hết sức ngờ nghệch.

Cụ thể, trong bài viết mang tiêu đề “Nghị định số 112 chưa xem xét xử lý cán bộ đang điều trị bệnh là vi hiến!”, khi trang RFA giở thói “hỏi đểu” về Nghị định 112, Luật sư Đặng Đình Mạnh đã hết sức mạnh miệng cho rằng: “Về phương diện pháp lý, nội dung quy định này (quy định tại khoản 2, điều 3 Nghị định 112 – NV) đã hoàn toàn vi hiến khi phủ nhận nguyên tắc mang tính cách hiến định rằng: Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật” (điều 16 Hiến pháp hiện hành). Theo đó, mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải được xử lý như nhau, không phân biệt sang hèn, công tư, nghề nghiệp, địa vị xã hội”.

Dường như vẫn chưa đủ, trang RFA còn bồi thêm rằng “theo Luật sư Đặng Đình Mạnh, tồn tại một quy định phân biệt như vậy là mặc nhiên xác định địa vị pháp lý hạng hai của công dân so với cán bộ, công chức, viên chức chính quyền. Chưa kể theo ông, có khả năng tạo môi trường cho cán bộ, công chức, viên chức sẽ lạm dụng quy định này để trốn tránh sự xử lý hành vi vi phạm pháp luật.”.

Trích dẫn ra để thấy rõ, việc ông Đặng Đình Mạnh, trưng bảng nghề Luật sư, nhưng lại để lộ ra sự nhầm lẫn hết sức ngây ngô, sự kém hiểu biết đến mức những nguyên tắc về luật học như sự khác nhau giữa “hành vi vi phạm pháp luật” và “hành vi vi phạm các quy định về công vụ, nghĩa vụ của cán bộ công chức”; sự khác nhau giữa “xử lý kỷ luật” và “xử lý hình sự”… mà những sinh viên luật khoa từ năm nhất đã được làm quen và có khả năng phân định hết sức rõ ràng. Hay phải chăng, “luật sư” Đặng Đình Mạnh vẫn còn bị cú sốc từ phiên toà Đồng Tâm, khi bị chính các thân chủ của mình “đuổi việc tại toà”?

Tưởng như sự trả lời “hố” của ông Đặng Đình Mạnh sẽ được RFA “cứu chữa” thay cho, nhưng dường như sự “thủ đoạn có thừa” của trang mạng này lại một lần nữa bồi cho câu chuyện thêm phần hài hước, bằng việc đi hỏi nhận định của ông Tiến sĩ điện tử Nguyễn Quang A, và với kiến thức 0 điểm về Luật học nhưng 10 điểm về “nói ngang nói càng”, ông liền đồng ý ngay với nhận định trên, và không quên tự biên tự diễn thêm hằng hà câu chuyện “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý” mà đúng sai hay sao đó thì theo ông là “Đấy là chuyện chí ít tôi được nghe giải thích lại về sau là như vậy”.

Thế mới thấy, sự yếu kém về chuyên môn của một người mang danh luật sư, sự ngang tàng bất chấp đúng sai của một tay tiến sĩ, nhưng qua cái thủ đoạn hết sức nham hiểm của RFA, lại trở thành thứ kiến thức “từ sai thành đúng”, để rồi từ đó gây ra sự ngộ nhận của những người cả tin vào cái mác “luật sư”, “tiến sĩ” nhằm làm sai lệch đi một “Nghị định thép” rất cương quyết của Chính phủ, mà ở đó mục đích chính là quản chặt, siết cứng để những cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước luôn chỉ hướng tới một nhiệm vụ duy nhất: phụng sự nhân dân, xây dựng đất nước.

11 Điểm mới của Nghị định 112/2020/NĐ-CP về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức

Cánh Cò xin giới thiệu những điểm mới nổi bật của Nghị định 112/2020/NĐ-CP về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức để bạn đọc tham khảo:

1. Về đối tượng áp dụng

– Nghị định 112/2020/NĐ-CP lần đầu tiên đã gộp các quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức ở 4 nghị định khác nhau về chung một nghị định, tạo sự thống nhất, thuận tiện cho việc áp dụng pháp luật.

– Áp dụng thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức từ Trung ương tới địa phương; kể cả đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu.

2. Về nguyên tắc xử lý kỷ luật

Bên cạnh kế thừa các nguyên tắc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức trước đây đã quy định, Nghị định 112 bổ sung thêm một số nguyên tắc trong xử lý kỷ luật CBCCVC như:

– Nguyên tắc “công khai, minh bạch”;

– Không tách riêng từng nội dung vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức để xử lý kỷ luật nhiều lần với các hình thức kỷ luật khác nhau.

– Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức đã bị xử lý kỷ luật đảng thì hình thức xử lý kỷ luật hành chính phải đảm bảo ở mức độ tương xứng với kỷ luật đảng.

– Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm lần đầu đã bị xử lý kỷ luật mà trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày quyết định xử lý kỷ luật có hiệu lực có cùng hành vi vi phạm thì bị coi là tái phạm; ngoài thời hạn 24 tháng thì hành vi vi phạm đó được coi là vi phạm lần đầu nhưng được tính là tình tiết tăng nặng khi xem xét xử lý kỷ luật.

3. Các trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật

Bên cạnh việc kế thừa các trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật theo quy định của Nghị định 34/2011/NĐ-CP về xử lý kỷ luật công chức, quy định về kỷ luật viên chức theo Nghị định 27/2012/NĐ-CP …, Nghị định 112 bổ sung và làm rõ thêm các trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật như:

– Cán bộ, công chức,viên chức đang trong thời gian điều trị bệnh hiểm nghèo hoặc đang mất khả năng nhận thức, bị ốm nặng đang điều trị nội trú tại bệnh viện có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền.

– Cán bộ, công chức, viên chức là nam giới (trong trường hợp vợ chết hoặc vì lý do khách quan, bất khả kháng khác) đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

4. Những trường hợp được miễn trách nhiệm kỷ luật

Nghị định 112/2020/NĐ-CP bổ sung cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm đến mức bị xử lý kỷ luật nhưng đã qua đời.

5. Thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật

5.1. Thời hạn

Theo Nghị định 34, Nghị định 27, Nghị định 112/2011 thì: Thời hạn xử lý kỷ luật không quá 02 tháng; trường hợp vụ việc có những tình tiết phức tạp cần có thời gian thanh tra, kiểm tra để xác minh làm rõ thêm thì thời hạn xử lý kỷ luật có thể kéo dài nhưng tối đa không quá 04 tháng.

Nghị định 112/2020/NĐ-CP đã tăng thời hạn từ 2 tháng lên 90 ngày (tăng 30 ngày) và trường hợp kéo dài thì được 150 ngày.

5.2. Thời hiệu

– Thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức 2019, cụ thể:

+ 02 năm đối với hành vi vi phạm ít nghiêm trọng đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách;

+ 05 năm đối với hành vi vi phạm không thuộc trường hợp nêu trên;

+Đối với các hành vi vi phạm sau đây thì không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật:

> Cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên có hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khai trừ;

> Có hành vi vi phạm quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ;

> Có hành vi xâm hại đến lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại;

> Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp.

Như vậy, so với các quy định của Nghị định 34, nghị định 27 thì thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức đã có sự thay đổi rất lớn. Trước đây thời hiệu xử lý kỷ luật chỉ 24 tháng, theo quy định của Nghị định 112/2020/NĐ-CP thì thời hiệu xử lý kỷ luật là 2 năm, 5 năm hoặc không tính thời hiệu đối với từng mức độ vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức.

6. Các hành vi bị xử lý kỷ luật

– Các nghị định trước đây không nêu cụ thể các hành vi bị xử lý kỷ luật mà đối với từng hình thức kỷ luật thì liệt kê các hành vi cụ thể. Nghị định 112/2020/NĐ-CP đã bổ sung quy định các hành vi bị xử lý kỷ luật gồm:

Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm các quy định về nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức ; những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm; nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; vi phạm đạo đức, lối sống hoặc vi phạm pháp luật khác khi thi hành công vụ thì bị xem xét xử lý kỷ luật.

– Quy định cụ thể mức độ của hành vi vi phạm được xác định như sau:

+ Vi phạm gây hậu quả ít nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ tác hại không lớn, tác động trong phạm vi nội bộ , làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, đơn vị công tác.

+ Vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ tác hại lớn, tác động ngoài phạm vi nội bộ, gây dư luận xấu trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân , làm giảm uy tín của cơ quan, đơn vị công tác…

7. Các hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức

7.1. Đối với cán bộ

Có 04 hình thức xử lý kỷ luật gồm: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm.

7.2. Đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý

Có 04 hình thức xử lý kỷ luật gồm: Khiển trách; Cảnh cáo; Hạ bậc lương; Buộc thôi việc.

7.3. Đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý

Có 05 hình thức xử lý kỷ luật gồm: Khiển trách; Cảnh cáo; Giáng chức; Cách chức; Buộc thôi việc.

So với Nghị định 34/2011/NĐ-CP thì quy định mới của Nghị định 112/2020/NĐ-CP đã bỏ hình thức kỷ luật “Hạ bậc lương” đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

7.4. Đối với viên chức

a) Đối với với chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý: Có 03 hình thức kỷ luật: Khiển trách; Cảnh cáo; Buộc thôi việc.

b) Đối với viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý: Có 04 hình thức kỷ luật: Khiển trách; Cảnh cáo; Cách chức; Buộc thôi việc.

So với Nghị định 27/2012/NĐ-CP thì Nghị định 112/2020/NĐ-CP không có sự thay đổi về hình thức kỷ luật đối với viên chức. Tuy nhiên, có bổ sung quy định: Viên chức bị kỷ luật có thể bị hạn chế thực hiện hoạt động nghề nghiệp theo quy định của pháp luật có liên quan.

8. Về áp dụng các hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức

Nghị định 112/2020/NĐ-CP cơ bản kế thừa các Nghị định trước đây về áp dụng các hình thức kỷ luật đối với từng mức độ vi phạm của cán bộ, công chức. Tuy nhiên, có bổ sung một số điểm mới sau:

8.1 Hình thức khiển trách áp dụng đối với cán bộ, công chức khi

Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả ít nghiêm trọng , trừ các hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 9, thuộc một trong các trường hợp sau đây:

– Vi phạm quy định về đạo đức, văn hóa giao tiếp của cán bộ, công chức; quy định của pháp luật về thực hiện chức trách nhiệm vụ của cán bộ, công chức; kỷ luật lao động, nội quy, quy chế cơ quan, tổ chức đơn vị.

– Lợi dụng vị trí công tác nhằm mục đích vụ lợi (trước đây hành vi này bị áp dụng hình thức giáng chức). Có thái độ hách dịch, cửa quyền hoặc gây khó khăn, phiền hà đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong thi hành công vụ. Xác nhận hoặc cấp giấy tờ pháp lý cho người không đủ điều kiện (trước đây Nghị định 34 quy định hành vi cấp giấy tờ pháp lý cho người không đủ điều kiện bị áp dụng hình thức kỷ luật cảnh cáo)

– Không chấp hành quyết định điều động, phân công công tác của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền (Hành vi này trước đây theo Nghị định 34/2011/NĐ-CP thì bị kỷ luật hình thức cảnh cáo). Không thực hiện nhiệm vụ được giao mà không có lý do chính đáng; Gây mất đoàn kết trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

– Vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước; khiếu nại, tố cáo

– VI phạm quy định về quy chế tập trung dân chủ, quy định về tuyên truyền, phát ngôn, quy định về bảo vệ chính trị nội bộ;

– Vi phạm quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng; đất đai, tài nguyên môi trường; tài chính, kế toán, ngân hàng; quản lý, sử dụng tài sản công trong quá trình thực thi công vụ.

– Vi phạm quy định về phòng, chống bạo lực gia đình; dân số hôn nhân và gia đình; bình đẳng giới, an sinh xã hội; quy định khác của pháp luật liên quan đến cán bộ, công chức.

8.2. Hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương giáng chức, buộc thôi việc

– Nghị định 112/2020/NĐ-CP không liệt kê cụ thể như các Nghị định trước đây mà căn cứ vào hình thức xử lý kỷ luật đã bị áp dụng trước đó và hành vi vi phạm ở mức độ nghiệm trọng, rất nghiêm trọng…để áp dụng hình thức kỷ luật cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức,

– Về hình thức buộc thôi việc:

Nghị định 112 đã không còn quy định cụ thể buộc thôi việc đối với: Bị phạt tù mà không được hưởng án treo (chuyển quy định này vào Điều 30 Quyết định kỷ luật công chức, cụ thể: Trường hợp công chức có hành vi vi phạm bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị Tòa án kết án về hành vi tham nhũng, trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định, bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án, cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật ra quyết định kỷ luật buộc thôi việc); Tự ý nghỉ việc, tổng số từ 07 ngày làm việc trở lên trong một tháng hoặc từ 20 ngày làm việc trở lên trong một năm mà đã được cơ quan sử dụng công chức thông báo bằng văn bản 03 lần liên tiếp.

Nghị định 112 bổ sung các trường hợp bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc gồm:

+ Đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc hạ bậc lương đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý mà tái phạm;

+ Có hành vi vi phạm lần đầu gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp tại Điều 8;

+ Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị (Nghị định 34 chỉ quy định: Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị;);

+ Nghiện ma túy; đối với các trường hợp này phải có kết luận của cơ sở y tế hoặc thông báo của cơ quan có thẩm quyền ( Nghị định 34 chỉ quy định: Nghiện ma túy có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền);

+ Ngoài các trường hợp nêu trên, hình thức kỷ luật buộc thôi việc còn áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đôi với các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 9 (Không thực hiện đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ quản lý điều hành theo sự phân công; để xảy ra hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong phạm vi phụ trách mà không có biện pháp ngăn chặn).

9. Áp dụng hình thức kỷ luật đối với viên chức

9.1. Hình thưc kỷ luật khiển trách

Áp dụng đối với hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả ít nghiêm trọng, trừ các hành vi vi phạm tại khoản 3 Điều 17 (Viên chức quản lý không thực hiện đúng trách nhiệm, để viên chức thuộc quyền quản lý vi phạm pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp; Viên chưc quản lý không hoàn thành nhiệm vụ quản lý, điều hành theo sự phân công mà không có lý do chính đáng), thuộc một trong các trường hợp sau đây:

– Vi phạm quy định của pháp luật về chức trách nhiệm vụ của viên chức; kỷ luật lao động;

– Lợi dụng vị tri công tác nhằm mục đích vụ lợi;

– Xác nhận hoặc cấp giấy tờ pháp lý cho người không đủ điều kiện;

– Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp (Nghị định 27/2012/NĐ-CP quy định ở mức cảnh cáo);

– Vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước; khiếu nại, tố cáo;

– Vi phạm quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng; đất đai, tài nguyên môi trường; tài chính, kế toán, ngân hàng; quản lý, sử dụng tài sản công trong quá trình hoạt động nghề nghiệp.

– Vi phạm quy định về phòng, chống bạo lực gia đình; dân số hôn nhân và gia đình; bình đẳng giới, an sinh xã hội; quy định khác của pháp luật liên quan đến viên chức.

9.2. Hình thức buộc thôi việc

– Nghị định 112 đã không còn quy định hành vi: Bị phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị Tòa án kết án về hành vi tham nhũng chuyển quy định này vào Điều 37 Quyết định kỷ luật viên chức, cụ thể: Trường hợp viên chức có hành vi vi phạm bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị Tòa án kết án về hành vi tham nhũng, trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định, bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án, cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật ra quyết định kỷ luật buộc thôi việc); Tự ý nghỉ việc, tổng số từ 07 ngày làm việc trở lên trong một tháng hoặc từ 20 ngày làm việc trở lên trong một năm mà không có lý do chính đáng được tính trong tháng dương lịch; năm dương lịch.

– Quy định cụ thể các trường hợp buộc thôi việc như sau:

+ Đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với viên chức quản lý hoặc cảnh cáo đối với viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo quản lý mà tái phạm;

+ Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 16;

+ Viên chức quản lý có hành vi vi phạm lần đầu , gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 17;

+ Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, đơn vị (Nghị định 27 quy định: Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập);

+ + Nghiện ma túy; đối với các trường hợp này phải có kết luận của cơ sở y tế hoặc thông báo của cơ quan có thẩm quyền ( Nghị định 27 chỉ quy định: Nghiện ma túy có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền).

10. Thẩm quyền xử lý kỷ luật

10.1. Đối với cán bộ

Theo khoản 4 Điều 78 Luật Cán bộ, công chức 2008 thì thẩm quyền xử lý kỷ luật cán bộ được thực hiện theo quy định của pháp luật, điều lệ của Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị – xã hội và văn bản của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Nghị định 112 quy định cụ thể như sau: Cấp có thẩm quyền phê chuẩn, quyết định phê duyệt kết quả bầu cử thì có thẩm quyền xử lý kỷ luật, trừ trường hợp đối với các chức vụ, chức danh trong cơ quan hành chính nhà nước do Quốc hội phê chuẩn thì Thủ tướng Chính phủ ra quyết định xử lý kỷ luật.

10.2. Về thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với công chức

Nghị định 112/2020/NĐ-CP cơ bản kế thừa Nghị định 34/2011/NĐ-CP, tuy nhiên có bổ sung thêm một số nội dung như:

– Đối với công chức cấp xã, Chủ tịch UBND cấp huyện tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật.

– Đối với công chức biệt phái: Bổ sung thêm quy định người đứng đầu cơ quan nơi công chức được cử đến biệt phái thống nhất hình thức kỷ luật với cơ quan cử biệt phái trước khi quyết định hình thức kỷ luật (Nghị định 34 thì cơ quan cơi công chức được cử biệt phái toàn quyền quyết định hình thức kỷ luật và chỉ thông báo cho cơ quan nơi công chức được cử biệt phái biết).

10.3. Đối với viên chức

Nghị định 112/2020/NĐ-CP cơ bản kế thừa Nghị định 27/2012/NĐ-CP về thẩm quyền xử lý kỷ luật viên chức, tuy nhiên bổ sung:

– Đối với viên chức giữ chức vụ, chức danh do bầu cử thì cấp có thẩm quyền phê chuẩn, quyết định công nhận kết quả bầu cử tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật.

10.4. Đối với người đã nghỉ việc, về hưu

Đây là quy định hoàn toàn mới của Nghị định 112, cụ thể như sau:

– Trường hợp bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách chức vụ, chức danh thì cấp có thẩm quyền phê chuẩn, quyết định phê duyệt kết quả bầu cử, bổ nhiệm vào chức vụ, chức danh cao nhất ra quyết định xử lý kỷ luật trừ trường hợp đối với các chức vụ, chức danh trong cơ quan hành chính nhà nước do Quốc hội phê chuẩn thì Thủ tướng Chính phủ ra quyết định xử lý kỷ luật. Trong trường hợp này , cấp có thẩm quyền quyết định việc xử lý đối với các chức vụ, chức danh khác có liên quan.

– Trường hợp bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo thì cấp có thẩm quyền phê chuẩn, quyết định phê duyệt kết quả bầu cử, bổ nhiệm vào chức vụ, chức danh ra quyết định xử lý kỷ luật trừ trường hợp đối với các chức vụ, chức danh trong cơ quan hành chính nhà nước do Quốc hội phê chuẩn thì Thủ tướng Chính phủ ra quyết định xử lý kỷ luật.

11. Các quy định liên quan khi xem xét xử lý kỷ luật CBCCVC

– Nghị định 27/2012/NĐ-CP quy định: Trường hợp viên chức đang làm thủ tục hưởng chế độ hưu trí mà bị phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian thi hành nhiệm vụ thì đơn vị sự nghiệp công lập dừng việc giải quyết thủ tục hưởng chế độ hưu trí cho đến thời điểm có quyết định kỷ luật hoặc có kết luận viên chức không vi phạm pháp luật của người có thẩm quyền xử lý kỷ luật. Nghị định 34/2011/NĐ-CP chưa đề cập trường hợp trên.

– Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định: Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật đang trong thời gian xem xét xử lý kỷ luật hoặc đang trong thời hạn xử lý kỷ luật hoặc đang trong thời gian bị điều tra , truy tố, xét xử mà đến tuổi nghỉ hưu thì vẫn thực hiện giải quyết thủ tục hưởng chế độ hưu trí.

– Nghị định 112 bổ sung quy định: Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý bị tạm đình chỉ chức vụ thì không được hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, quản lý.


Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây