Chiều 24/9, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch – VHTTDL) tổ chức hội nghị “Kích cầu du lịch nội địa trải nghiệm Việt Nam an toàn, hấp dẫn”. Trong bối cảnh dịch COVID-19 trong nước cơ bản được kiểm soát, đợt kích cầu lần 2 do Bộ VHTTDL phát động sẽ tập trung vào yếu tố “an toàn” và “hấp dẫn”.
Định hướng an toàn và chất lượng sản phẩm
Theo ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, trong tháng 5, 6, 7, du lịch nội địa phục hồi nhanh nhờ sự vào cuộc của các doanh nghiệp du lịch, truyền thông. Tuy nhiên, đến cuối tháng 7, dịch COVD-19 bùng phát trở lại, ngành du lịch lại gặp khó khăn, phải dừng hoạt động.
“Do đó, đợt kích cầu du lịch lần hai, các đơn vị du lịch tập trung vào yếu tố an toàn. Chúng ta cần phát huy những liên minh hiện có để cho ra đời sản phẩm hấp dẫn, linh hoạt, đảm bảo dịch vụ hoàn hủy, tạo sự an tâm, tự tin cho du khách”, ông Hà Văn Siêu cho biết.
Thời gian qua, một số đơn vị đã cho ra đời sản phẩm mới như khám phá nhà tù Hỏa Lò về đêm, khám phá mùa thu Hà Nội, chương trình Tây Bắc mùa lúa chín… Viettravel có chương trình “Du lịch an toàn, an toàn đi du lịch”, Quảng Ninh đưa ra gói kích cầu…
Cụ thể về định hướng kích cầu lần hai, ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch (Tổng Cục du lịch) cho biết: Giai đoạn cuối năm nay, khi triển khai kích cầu sẽ tập trung vào hai nội dung với chủ đề “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”. Theo đó, khi triển khai, các đơn vị đảm bảo an toàn cho khách du lịch, đẩy mạnh truyền thông. Các địa phương cần đẩy mạnh hình thức du lịch gần gũi thiên nhiên, du lịch văn hóa. Bên cạnh đối tượng khách người Việt Nam, thời gian tới, cần chú trọng tới khách nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam.
Các địa phương cũng cần phải giám sát chặt chẽ các hình thức du lịch, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, có chính sách hoàn hủy rõ ràng, cũng như chủ động kiểm tra, xử lý các điểm đến vi phạm trên địa bàn.
Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, khi dịch COVID-19 xuất hiện, không ai lường trước được dịch lại diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn như hiện nay. “Đối với Hiệp hội du lịch, đây là lần thứ 3 triển khai kích cầu. Hai lần trước hướng vào du lịch hè nên tạo chính sách giá tốt để thu hút khách; nhưng lần này không thể áp dụng phương pháp cũ. Lần kích cầu cuối năm chỉ nên hướng tới chất lượng dịch vụ, giá cả phù hợp để tạo đà cho sang năm. Đợt kích cầu lần hai này, chúng ta không thể kỳ vọng khách đông trở lại nhưng vẫn cần nỗ lực làm”, ông Vũ Thế Bình nhận định.
“Với những thiệt hại với doanh nghiệp du lịch, Tổng cục Du lịch tiếp tục đề xuất Chính phủ quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách giảm thuế VAT, thuế thu nhập, lùi thời gian nộp thuế, cho vay tiền… Hiện nay, 10 – 15% doanh nghiệp giải thể, người lao động vẫn chưa tiếp cận được nhiều đến chính sách hỗ trợ của nhà nước. Chính quyền địa phương cũng cố gắng hỗ trợ kích cầu như giảm phí tham quan, vé, lệ phí hoạt động để tạo đà cho khách đến tham quan. Chứ chỉ kêu gọi doanh nghiệp nhưng các điểm đến, địa phương không vào cuộc thì cũng không đẩy được nhu cầu đi lại của người dân”, ông Vũ Thế Bình cho biết.
Liên kết nhóm theo từng địa phương
Bà Võ Thị Ngọc Thúy, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết: “Chúng tôi tiếp cận kích cầu theo hai hướng: mức giá và nhu cầu của người dân. Hiện nay, khảo sát cho thấy du khách thích đi theo nhóm nhỏ. Vì vậy, chúng tôi xây dựng gói sản phẩm theo hướng nhóm nhỏ, doanh nhân… Chúng tôi khuyến khích người dân đi du lịch trong thành phố và người nơi khác đến thành phố. TP Hồ Chí Minh. Đồng thời, Sở cũng kích cầu hướng ra ngoài bằng cách khuyến khích người TP Hồ Chí Minh đi ra các tỉnh, địa phương khác. Kích cầu phải tạo động lực để du lịch có sức sống trở lại”.
Bà Thúy cũng đánh giá cao vai trò của truyền thông. Ở đợt kích cầu lần môt, các đơn vị truyền thông đã ủng hộ ngành du lịch rất nhiều. Do đó, lần kích cầu này, cần có thêm bài viết giải tỏa tâm lý cho du khách để du khách cảm thấy an toàn khi đi du lịch và các phương pháp đảm bảo an toàn phòng dịch khi đi du lịch.
Thời gian tới, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh sẽ đẩy mạnh liên kết vùng để tạo ra sản phẩm hấp dẫn, kết nối các địa phương, hướng đến sản phẩm mới.
Đồng quan điểm, ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh cho biết, cuối tháng 10, Quảng Ninh sẽ kết nối với TP Hồ Chí Minh và 9 tỉnh phía Bắc. Chương trình được kỳ vọng mang lại sự liên kết phát triển du lịch địa phương thời gian tới.
Ông Vũ Nguyên Khôi, Trưởng ban Tiếp thị và chuyển đổi số của Vietnam Airlines cho biết: Vấn đề an toàn là ưu tiên hàng đầu với hàng không. Hãng không ngừng điều chỉnh quy định và quy trình để đảm bảo an toàn cho hành khách. Tất các chuyến bay đáp ứng nghiêm ngặt quy định của Bộ Y tế, hàng không quốc tế. Hành khách được yêu cầu khai báo y tế trước mỗi chuyến bay, khuyến khích làm thủ tục trực tuyến trên app, website, tổng đài… để đảm bảo giãn cách xã hội.
Theo bà Nguyễn Lê Hương, Phó Tổng giám đốc Vietravel, sự an toàn luôn được đặt lên hàng đầu. Vì vậy, Vietravel đưa ra các giải pháp an toàn cho khách cũng như tăng cường công tác truyền thông để khách hàng cảm thấy yên tâm khi đi du lịch. Với các nhà cung cấp như hàng không, nhà hàng – khách sạn… Vietravel cũng yêu cầu nâng cao sự an toàn. Từ đợt dịch COVID-19 tái phát tại Đà Nẵng cho thấy Nhà nước cần ban ra quy trình để khách hàng, nhà cung cấp và các hãng hàng không phải chủ động có biện pháp an toàn khi đi du lịch về. Điều đó giúp cho tâm lý của khách hàng thoải mái hơn.
Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết: Ngày 23/9, bệnh nhân COVID-19 cuối cùng đã xuất viện và đời sống sinh hoạt xã hội tại Đà Nẵng đã trở lại bình thường. Ngày 25/9, Sở sẽ tổ chức chương trình phổ biến hướng dẫn phòng chống dịch tới các doanh nghiệp du lịch như các chủ khách sạn, công ty lữa hành…. Các tổ chức sẽ cùng bàn bạc và ký cam kết du lịch an toàn trên địa bàn thành phố để đảm bảo tuân thủ nghiêm túc, chặt chẽ quy trình phòng chống dịch. Điều này cũng giúp liên kết kích cầu du lịch trong thời gian sắp tới.
Do đó, ông Nguyễn Xuân Bình mong muốn doanh nghiệp trên địa bàn cả nước, các cơ quan thông tấn, báo chí hỗ trợ cho Đà Nẵng trong thời gian sắp tới để đảm bảo phòng chống dịch cho khách du lịch nội địa. Thời gian tới, Đà Nẵng sẽ phát động cuộc thi “Nhớ Đà Nẵng” với mong muốn các du khách tới điểm du lịch biển này trước khi có dịch hay trong thời gian bị mắc kẹt, có thể chia sẻ những kỷ niệm đáng nhớ.
Từ các ý kiến hội nghị, Tổng cục Du lịch yêu cầu những đơn vị cung ứng dịch vụ từ vận chuyển, hàng không, lưu trú, khu vui chơi giải trí phải tuân thủ các quy định về quy trình an toàn phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, các đơn vị tiếp tục duy trì liên minh kích cầu để tạo ra các sản phẩm du lịch bổ trợ, các tuyến du lịch với giá hấp dẫn, những sản phẩm du lịch mới trong đó hướng tới du lịch sinh thái, du lịch golf, du lịch kết hợp hội thảo (MICE)… nhằm tăng tính trải nghiệm và nhu cầu chi tiêu của du khách.
Nguồn: Báo Tin tức