Trang chủ Chính trị Sức mạnh ASEAN khiến Trung Quốc đơn độc trên Biển Đông

Sức mạnh ASEAN khiến Trung Quốc đơn độc trên Biển Đông

187
0

Lần đầu tiên trong lịch sử, cả ba nước Anh, Pháp, Đức cùng gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc, phản bác lại 7 công hàm của Trung Quốc về chủ quyền phi pháp ở biển Đông. Dù công hàm của 3 nước châu Âu trên không nói đứng về phía ai, nhưng nhìn vào nội dung có thể nhận thấy rõ những từ ngữ như: luật pháp quốc tế, Luật biển, UNCLOS 1982… được nhấn mạnh, thì có thể thấy rằng, họ đang đứng về lẽ phải và lên án các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc.

Sức mạnh ASEAN khiến Trung Quốc đơn độc trên Biển Đông
Trung Quốc hành động ngang ngược trên biển Đông, tuyên bố chủ quyền phi lý, bóp méo luật pháp quốc tế

Việc Trung Quốc có những bước đi liều lĩnh nhằm hiện thực hóa giấc mộng độc chiếm biển Đông phi pháp đang vấp phải sự phản đối của rất nhiều quốc gia trên thế giới. Một số nước ASEAN như Philippines, Malaysia, Indonesia… có quyền lợi trên biển Đông đã cùng đồng thanh gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc, lên tiếng chỉ trích gay gắt hơn với các động thái ngang ngược của Trung Quốc. Đáng chú ý như Philippines dưới thời chính quyền Tổng thống Duterte gần đây đã phản đối hành động tráo trở của gã phương bắc, gây mất ổn định khu vực. Thậm chí, một nước như Brunei, xưa nay chẳng nói năng gì, bỗng ngày 22/07/2020 cũng phải lên tiếng phản đối kẻ gây rối. Rồi các nước như Mỹ, Australia hay như mới đây là ba nước có quyền lực tại châu Âu: Anh, Pháp, Đức cùng đồng thanh gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc, tỏ thái độ cứng rắn với Trung Quốc. Chúng ta có lẽ không nên “tranh công, nhận phần” về cho Việt Nam, nhưng rõ ràng những điều trên xảy ra trong bối cảnh Việt Nam giữ vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và “có một chân” trong Ủy viên không thường trực Liên Hiệp Quốc. Nếu bạn là một thành viên bình thường, có thể không ai quan tâm đến lời nói của bạn, nhưng với một thành viên “có chức”, “có ghế”, trong các hội nghị quốc tế, ắt hẳn người ta cũng phải nể mặt phần nào. Trong bàn cờ chính trị ngoại giao thế giới, Việt Nam có thể ngẩng đầu hiên ngang, bởi vị thế Việt Nam bây giờ, không còn quanh quẩn trong dăm ba cái ao làng nữa rồi. Với tư cách chính trị đang lên mạnh mẽ, tiếng nói của Việt Nam đã dần trở nên có trọng lượng. Có được điều này chính là nhờ Việt Nam có chính nghĩa, chúng ta sử dụng các biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế nên nhận được sự ủng hộ của các nước trên thế giới. Hành động của Việt Nam hoàn toàn trái ngược với hành động phi pháp, bất chấp lịch sử, xem thường cộng đồng và luật pháp quốc tế của Trung Quốc.

Sức mạnh ASEAN khiến Trung Quốc đơn độc trên Biển Đông

Theo dõi các sự kiện hội nghị trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam luôn tận dụng cơ hội để nhấn mạnh tầm quan trọng và lợi ích của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông là lợi ích chung của tất cả các quốc gia. Cho nên trách nhiệm giữ được tự do hàng hải, hàng không ở biển Đông không chỉ là trách nhiệm của riêng các nước Đông Nam Á mà còn đối với cả cộng đồng quốc tế. Như mới đây, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 35, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị “thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN, giải quyết tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế như UNCLOS 1982 đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, tôn trọng, bình đẳng, tin cậy lẫn nhau trong quan hệ giữa các quốc gia”. Hay ngày 10/09, tại các Hội nghị Ngoại giao ASEAN – Trung Quốc; Hội nghị Ngoại giao ASEAN – Mỹ; Hội nghị Ngoại giao ASEAN – Nhật Bản… Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh luôn nhấn mạnh “quyền và lợi ích hợp pháp của các bên cần được đảm bảo, các khác biệt và tranh chấp cần được giải quyết trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS 1982”. Đồng thời Phó Thủ tướng còn kêu gọi “các bên tăng cường xây dựng lòng tin và tin cậy lẫn nhau, không để xảy ra các hành động làm phức tạp tình hình, ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định, không quân sự hóa, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế”.

Có thể nói, bước đi, chiến lược đưa vấn đề biển Đông ra các buổi hội nghị, sự kiện quốc tế của Việt Nam đã đi đúng hướng. Mà như lời của ông Bill Hayton, chuyên gia cấp cao thuộc Chương trình châu Á – Thái Bình Dương Viện Nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh nhận định “Các bạn đang nhận được sự ủng hộ của quốc tế, vì mọi người đều muốn các quốc gia tuân thủ luật lệ để không tạo tiền lệ cho các khu vực khác. Do đó, Việt Nam có nhiều sự ủng hộ trên nguyên tắc của nhiều quốc gia. Tôi nghĩ Việt Nam đã có sự ủng hộ chính trị và đang chờ đợi các hành động thực tế”. Hay Giáo sư Vladimir Kolotov, Trưởng Bộ môn Lịch sử các nước Viễn Đông thuộc Đại học Quốc gia St.Petersburg cho biết “Việt Nam đã chứng minh trên chiến trường và trên trường quốc tế rằng họ là quốc gia theo đuổi chính sách trung thực, có trách nhiệm và bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình”.

Sức mạnh ASEAN khiến Trung Quốc đơn độc trên Biển Đông
Không phải ngẫu nhiên mà các nước trên thế giới cùng đồng thanh với Viêt Nam, gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc phản đối yêu sách phi lý của Trung Quốc trên biển Đông

Trong vấn đề biển Đông, Việt Nam không bao giờ bị lôi kéo để chống lại ai. Chúng ta bảo vệ chủ quyền lãnh hải trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế. Khi quốc gia nào có lập trường, quan điểm phù hợp thì chúng ta hoan nghênh. Có thể nhận thấy, cuộc chiến pháp lý trên Biển Đông ngày càng gay cấn. Với các yêu sách vô lý của mình, Trung Quốc gần như một mình một đường, đơn độc trong cuộc chiến này. Không phải ngẫu nhiên mà các nước trên thế giới cùng đồng thanh gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc phản đối yêu sách phi lý của Trung Quốc trên biển Đông. Điều này có được là nhờ những chính sách, hành động ngoại giao không mệt mỏi của Việt Nam trong thời gian qua.

Trong bối cảnh ASEAN và Trung Quốc đang nối lại các cuộc đàm phán về nội dung của Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) vào tháng 11 sắp tới. Các bản công hàm mang tính pháp lý mạnh mẽ này sẽ giúp cho ASEAN và Việt Nam – nước Chủ tịch ASEAN 2020, có thể vận dụng trong việc yêu cầu các bên tham gia tuân thủ UNCLOS và Phán quyết năm 2016 như một phần của luật biển quốc tế. Từ đó có thể cho ra đời một COC mang tính ràng buộc pháp lý, hiệu quả và thực tiễn trong việc ngăn ngừa những đòi hỏi phi lý, ngang ngược của Trung Quốc trên biển Đông.

Thế Khoa


Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây