Trái ngược với những hứa hẹn ngọt ngào ban đầu về các dự án đầu tư hạ tầng của Bắc Kinh, các nước trong khu vực, từ Việt Nam, Lào cho tới Myanmar, Malaysia,…đang ngày càng ngấm dư vị đắng chát từ những đại dự án đầy tai tiếng về chất lượng, tác động môi trường, tham nhũng và bẫy nợ; ghi nhận từ cuộc trao đổi với ông Murray Hiebert, chuyên gia cao cấp về Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một think-tank hàng đầu của Mỹ.
Ông Murray Hiebert từng có nhiều năm làm việc tại Đông Nam Á và Trung Quốc trong vai trò phóng viên thường trú của FEER (Tuần báo Kinh tế Viễn Đông) và Wall Street Journal tại Hà Nội, Kuala Lumpur và Bắc Kinh.
Chuyên gia hàng đầu về Đông Nam Á Murray Hiebert là tác giả cuốn sách vừa được xuất bản “Under Beijing’s Shadow: Southeast Asia’s China Challenge” (tạm dịch: “Dưới cái bóng của Bắc Kinh: Thách thức mang tên Trung Quốc của Đông Nam Á).
Sống chung với siêu cường đầy tham vọng
– Ông đã viết hai cuốn sách về Việt Nam vào thập niên 90 (Đuổi theo các con Hổ châu Á năm 1996 và Việt Nam Ký sự năm 1993). Tại sao lần này lại là chủ đề về mối quan hệ của các nước Đông Nam Á và Trung Quốc?
Ông Hierbert: Để nói về động lực viết cuốn sách này, tôi muốn chia sẻ một câu chuyện cá nhân khá dài. Tôi tình cờ có mặt ở Việt Nam vào năm 1979 trong vai trò một nhân viên một tổ chức NGO ngay sau khi Trung Quốc xâm chiếm biến giới phía Bắc Việt Nam.
Một đêm khuya nọ, ông chủ phòng trọ gõ cửa phòng tôi và hỏi liệu tôi có muốn lên Lạng Sơn, một thị xã biên giới nhỏ bị tàn phá nặng nề khi Trung Quốc rút quân.
Những gì tôi chứng kiến ở Lạng Sơn khi đó đã gây ấn tượng mạnh mẽ đối với tôi.
Sau đó, vào những năm 80 tôi làm phóng viên thường trú ở Thái Lan, thời điểm mà Trung Quốc vũ trang cho người Thái để cung cấp vũ khí cho Khơ me Đỏ và phong trào kháng chiến chống cộng sản.
Đến đầu thập kỉ 90, tôi sống ở Hà Nội đúng lúc Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ và tôi đã được chứng kiến giao thương giữa hai nước gia tăng nhanh chóng như thế nào. Rồi tôi chuyển sang thường trú ở Malaysia và sau đó là Singapore, được chứng kiến cách mà Trung Quốc nhanh chóng tăng cường vai trò kinh tế ở đây.
Sau này, khi làm việc cho CSIS, tôi có thêm nhiều cơ hội để quan sát những gì xảy ra ở Biển Đông, ở Lào, Myanmar và Campuchia. Một ngày, ý tưởng chợt đến trong tôi: Tại sao mình không viết về ảnh hưởng của sự trỗi dậy của Trung Quốc đối với khu vực Đông Nam Á, nơi đã quá quen thuộc đối với tôi.
Vì vậy, tôi bắt đầu vào việc viết cuốn sách vào cuối năm 2017, sau khi ông Donald Trump trở thành Tổng thống Hoa Kỳ và các tiếng nói chỉ trích Trung Quốc bắt đầu xuất hiện thường xuyên hơn ở Mỹ.
Có thể nói, cuốn sách này là một cái nhìn tổng quan về sự trỗi dậy của Trung Quốc đã và đang tác động như thế nào đến các nước Đông Nam Á.
– Cùng thời điểm ra mắt cuốn sách của ông, cũng có hai tác giả khác ra sách về chủ đề sự trỗi dậy của Trung Quốc và tác động đến khu vực Đông Nam Á. Vậy độc giả nên biết những điểm chính nào về cuốn sách này?
Ông Hierbert: Tôi nghĩ luận điểm xuyên suốt cuốn sách của tôi là: Các nước Đông Nam Á có cảm giác khá mâu thuẫn đối với Trung Quốc. Một mặt, họ mong muốn tăng cường quan hệ với Trung Quốc vì những lợi ích đối với phát triển kinh tế như thương mại, hay đầu tư của Bắc Kinh vào cơ sở hạ tầng với sáng kiến Vành đai, Con đường.
Nhưng đồng thời, sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng gây lo ngại, thậm chí là một chút sợ hãi, nhất là khi Bắc Kinh ngày càng hung hăng hơn ở Biển Đông. Nói tóm lại, đó là cảm giác đan xen giữa ngọt ngào và cay đắng, giữa hi vọng và lo lắng.
Nhưng nhìn chung, các nước Đông Nam Á hiểu rõ rằng họ phải chấp nhận sống chung với Trung Quốc và mối quan hệ tốt nhất là tăng cường hợp tác trong khi vẫn giữ vững độc lập và chủ quyền quốc gia của mình.
Những đại dự án đầy tai tiếng
– Là một học giả đã có nhiều năm chứng kiến và quan sát mối quan hệ của các nước Đông Nam Á với “người khổng lồ” Trung Quốc, điều gì khiến ông thấy ngạc nhiên nhất?
Ông Hierbert: Một trong những điều khiến tôi ngạc nhiên nhất có lẽ là việc Trung Quốc đã rất chật vật mới có thể triển khai được các sáng kiến Vành đai và Con đường ở Đông Nam Á.
Kể từ năm 2013, các công ty Trung Quốc đã ký nhiều thỏa thuận với các nước ASEAN để triển khai các dự án như xây cầu, đường sắt, đập thủy điện và các đặc khu kinh tế. Nhưng từ đó đến nay, Trung Quốc đã phải đối mặt với những thách thức khổng lồ để có thể khởi động được dự án ở ngay những nước đang khát vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhất.
Việc đàm phán mức lãi suất mà chính phủ nước sở tại sẽ trả cho các khoản vay từ một ngân hàng Trung Quốc thường mất nhiều năm mới hoàn tất. Việc các nhà thầu Trung Quốc phớt lờ các tác hại môi trường đã dẫn đến việc nhiều nước quyết định hủy bỏ một số dự án.
Tham nhũng và lại quả khủng đã hủy hoại hình ảnh của Bắc Kinh và gây ra những đình trệ.
Chẳng hạn như tại Malaysia, sau khi Thủ tướng Najib Razak bị phế truất trong cuộc bầu cử năm 2018, người kế nhiệm, ông Mahathir đã đình chỉ hoạt động và tăng cường điều tra các dự án của Trung Quốc, trong đó dự án lớn nhất là tuyến Đường sắt bờ Đông với nghi vấn tham nhũng và hối lộ cho các quan chức nước sở tại.
Mahathir cáo buộc Naijib đã tăng khống các khoản vay cao hơn 5 tỉ USD so với thực tế từ một ngân hàng quốc doanh Trung Quốc và chuyển khoản tiền này qua một công ty nhà thầu của Trung Quốc. Cuối cùng, dự án này chỉ được khởi động trở lại sau khi Bắc Kinh đồng ý cắt giảm 1/3 chi phí ban đầu.
Ở Philippines, Tổng thống Duterte đã tuyên bố xoay trục về Trung Quốc ngay sau khi đắc cử năm 2016, với việc ông này tuyên bố sẽ bỏ qua phán quyết của Tòa án Quốc tế về biển Đông vốn cực kì có lợi cho Manila. Để đổi lại, Bắc Kinh cam kết sẽ đầu tư 24 tỉ đô la vào các dự án cơ sở hạ tầng như đường sắt, cảng biển và nhà máy thủy điện.
Thế nhưng, cho đến nay, sau 4 năm, thứ mà Manila nhận được chỉ là hai cây cầu nhỏ. Trong một vài trường hợp, các công ty Trung Quốc rút lui sau khi nhận được chỉ thị của chính phủ Philippines.
Ở Thái Lan, ngay sau cuộc đảo chính quân sự năm 2014, giới tướng lĩnh nước này đồng ý xây tuyến đường sắt cao tốc trong bốn năm nối từ biên giới Lào tới Malaysia dọc theo tuyến đường từ Côn Minh tới Singapore.
Tuy nhiên, 6 năm sau, mọi thứ vẫn giậm chân tại chỗ khi hai bên không thể đạt được thỏa thuận cuối cùng về các điều khoản tài chính, hay kĩ sư của bên nào sẽ giám sát dự án, quyền sử dụng đất và công nghệ, hay việc Bắc Kinh có được mang công nhân từ Trung Quốc sang làm việc hay không.
Ở Việt Nam cũng có một vài dự án Vành đai Con đường, ví dụ như dự án đầy tai tiếng Đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, được khởi động nhiều năm trước khi sáng kiến Vành đai Con đường ra đời. Hay dự án xây tuyến đường nối Côn Minh với cảng Hải Phòng, cảng biển gần nhất của Côn Minh.
Điều thú vị đối với dự án này là Việt Nam thỏa thuận với Trung Quốc sẽ tự xây tuyến đường từ Hải Phòng đến biên giới với Trung Quốc, còn Trung Quốc lo phần đường còn lại từ biên giới tới Côn Minh. Họ hoàn toàn không sử dụng tiền của Trung Quốc cho dự án này.
– Những phản ứng ngày càng tăng đối với các đại dự án tai tiếng của Trung Quốc ở khu vực phải chăng cho thấy các nước ASEAN đã bắt đầu tỉnh mộng trước những “bánh vẽ” mà Trung Quốc đưa ra bởi Sáng kiến Vành đai Con đường từng được các nước ASEAN kì vọng có thể tạo ra cú hích đối với việc phát triển cơ sở hạ tầng trong khu vực nhờ vốn vay và đầu tư của Trung Quốc?
Ông Hierbert: Đúng là trái ngược với sự hào hứng ban đầu, các dự án trong sáng kiến Vành đai Con đường ngày càng bộc lộ nhiều vấn đề đối với nước sở tại, như bẫy nợ, các tác hại đối với môi trường và người dân bản địa.
Tôi lấy ví dụ Lào. Nước này hiện đứng trước nguy cơ sa lầy trong “bẫy nợ” của Trung Quốc. Nợ công của Lào đã lên đến 2/3 GDP, phần lớn trong số đó đến từ Trung Quốc. Chỉ tính riêng đường sắt cao tốc nối với Côn Minh trải dài qua Lào đến Thái Lan đã chiếm tới 1/3 GDP của nước này.
Viễn cảnh còn u ám hơn khi Thái Lan nói rằng họ sẽ không xây đoạn đường sắt cao tốc trên đất Thái ít nhất trong một thập kỉ tới vì đó chưa phải là ưu tiên của họ lúc này. Như vậy, Lào sẽ gặp trục trặc thực sự để có thể thu được tiền từ dự án nằm trang trải một phần nhỏ của khoản nợ mới và chi phí tái định cư cho người dân.
Tình cảnh tương tự với các dự án đập thủy điện trên sông Mekong. Các con đập này ngốn khoản đầu tư lên tới 2 tỉ đô la trong khi chính phủ chỉ có thể thu về được khoảng 20 triệu đô la mỗi năm.
Đối với Việt Nam thì công luận đều biết và bức xúc với dự án Đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông. Tuy dự án này triển khai trước khi có sáng kiến Vành đai Con đường nhưng nó cũng nảy sinh những vấn đề điển hình như các dự án nói trên, như việc liên tục đội vốn, thi công chậm chạp hơn một thập kỉ, tai nạn chết người và cho đến nay, dù dự án đã gần như hoàn thành nhưng không thể vận hành vì thiếu báo cáo kiểm định chất lượng.
Giống như ở châu Phi, người dân địa phương ngày càng bất mãn với các đại dự án đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Quốc vì họ hầu như không được hưởng lợi gì nhiều từ các dự án này, trong khi phải di dời nhà cửa và mất sinh kế.
Tôi nhớ một ví dụ về đặc khu kinh tế mang tên King Romans ở giáp khu vực biên giới tây bắc của Lào. Lãnh đạo Lào đã cấp cho nhà đầu tư Trung Quốc một khu đất khổng lồ, một phần nhỏ trong đó được dùng để làm casino. Năm lãnh đạo của công ty này bị Bộ Ngân khố Mỹ trừng phạt vì tội buôn lậu người và động vật.
Nhưng phần buồn nhất của câu chuyện là, theo nghiên cứu của một học giả người Thái Lan, những người dân địa phương bị mất đất là cộng đồng dân tộc thiểu số ở Lào vốn đã từng có cuộc sống khấm khá trước khi dự án xuất hiện. Họ bị buộc phải rời khỏi nơi ở, họ phản đối dự án nhưng chính phủ không lắng nghe họ.
Giờ đây họ phải sống dọc theo các tuyến đường và phải canh tác trên những mảnh đất nghèo nàn cách xa nơi ở trong khi King Romans vẫn chưa phát triển gì.
ASEAN cũng ngày càng lo ngại về các tác hại đối với môi trường. Điển hình là tác hại từ các dự án xây đập thủy điện trên sông Mekong. Trung Quốc đã xây 11 con đập ở thượng nguồn sông Mekong, trong lãnh thổ của nước này và đang xây những con đập khổng lồ ở Lào và Campuchia.
Trong hai năm vừa qua, các nước ở khu vực hạ nguồn sông Mekong như Thái Lan, Lào, Campuchia, Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam đã hứng chịu những đợt hạn hán khủng khiếp và ảnh hưởng nặng nề đến nông nghiệp các nước này.
Điều mỉa mai ở chỗ là năm ngoái, Trung Quốc nói rằng chúng tôi rất lấy làm tiếc về tình hình hạn hán ở các nước ASEAN nhưng chúng tôi cũng phải gánh chịu nạn hạn hán nghiêm trọng không kém.
Chỉ cách đây vài tháng, một nhóm hoạt động môi trường tung ra các bức ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy điều gì đang thực sự diễn ra. Họ tìm thấy một lượng nước khổng lồ được lưu trữ trong 11 con đập mà Trung Quốc xây ở thượng nguồn Mekong.
Bởi vậy, không có gì ngạc nhiên khi các nước hạ nguồn Mekong phải hứng chịu nạn hạn hán nghiêm trọng đến vậy.
Trước sức ép của các nước hạ nguồn, ban đầu Bắc Kinh phủ nhận hoàn toàn nhưng cho tới cuộc họp Ủy ban Mekong gần đây ở Phnompenh, họ đã phải đồng ý sẽ chia sẻ thông tin về việc lưu trữ nước trong các con đập ở thượng nguồn. Chúng ta hãy cùng chờ xem mọi việc sẽ diễn tiến ra sao.
Con đường tơ lụa số – chỉ Việt Nam và Singapore từ chối Huawei
– Trong cuốn sách của mình, ông cũng đưa ra một khái niệm đáng chú ý là “sáng kiến Vành đai Con đường số”. Ông đánh giá thế nào về những nỗ lực xây dựng “con đường tơ lụa số” của Trung Quốc ở khu vực?
Ông Hierbert: Cho đến giờ, Trung Quốc đã tiến được nhiều bước trong việc thực hiện tham vọng này. Họ đóng vai trò lớn trong các dự án đầu tư vào thương mại điện tử, các công ty khởi nghiệp mới và các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp và sáng tạo ở Đông Nam Á.
Huawei và ZTE cũng là những người chơi lớn ở Đông Nam Á, trừ Việt Nam và Singapore. Hai nước này đang tìm kiếm các nhà cung cấp khác ngoài Huawei cho các thiết bị 5G.
Trung Quốc cũng đã bỏ Mỹ lại phía sau khá xa trong lĩnh vực khởi nghiệp và không gian số. Mỹ cũng tụt hậu trong hệ thống thanh toán điện tử. Chẳng hạn như Alipay của Alibaba được chấp thuận ở hầu hết các nước ASEAN.
Tôi nhớ có lần đi taxi ở Singapore, khi chìa thẻ tín dụng của Mỹ ra tài xế đã từ chối. Anh ta hỏi rằng liệu ông có xài Alipay không vì như thế tiền sẽ vào thẳng tài khoản của tôi.
Như vậy là ngay cả ở những nơi khá thận trọng đối với Trung Quốc như Singapore thì năng lực công nghệ số của Trung Quốc cũng được tán thưởng và chấp nhận rộng rãi. Tất nhiên là bên cạnh đó cũng có những lo ngại về việc Trung Quốc xuất khẩu các thiết bị do thám và kiểm soát người dân ở Đông Nam Á.
– Nhưng sự trỗi dậy của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ số cũng gây ra không ít quan ngại, nhất là khi Đông Nam Á phải hứng chịu hàng loạt các cuộc tấn công an ninh mạng từ tin tặc nước này?
Ông Hierbert: Trong vài năm qua, Trung Quốc đã tiến hành khá nhiều cuộc tấn công mạng nhằm đánh cắp thông tin và dữ liệu đối với các nước ASEAN. Một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là Việt Nam.
Chẳng hạn, khi Việt Nam và Trung Quốc dự kiến sẽ ngồi xuống đàm phán về quan hệ đối tác kinh tế khu vực toàn diện, Trung Quốc được biết là đã xâm nhập vào hệ thống mạng của Bộ Công thương Việt Nam nhằm lấy được các luận điểm chuẩn bị của Hà Nội.
Tình cảnh tương tự cũng xảy ra ở Hội nghị APEC 2017, sự kiện có sự tham dự của cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Họ đã tấn công vào hệ thống mạng của Việt Nam và cố gắng tìm hiểu xem Việt Nam sẽ đề xuất những gì.
PV/VT
Nguồn: Cánh cò