Theo quy định tại khoản 2 điều 7 Hiến pháp, “đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân bị cử tri hoặc Quốc hội, hội đồng nhân dân bãi nhiệm khi không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân”.
Hôm qua 16-9, trả lời câu hỏi của phóng viên Tuổi Trẻ về chủ trương xử lý đối với đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc (thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM) sau khi đã xác minh ông này có quốc tịch nước ngoài, Trưởng Ban Công tác đại biểu (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) Trần Văn Túy cho biết “đang hoàn hiện hồ sơ để trình Quốc hội xem xét theo quy định tại khoản 2 điều 7 Hiến pháp và khoản 2 điều 40 Luật tổ chức Quốc hội”.
Theo quy định tại khoản 2 điều 7 Hiến pháp, “đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân bị cử tri hoặc Quốc hội, hội đồng nhân dân bãi nhiệm khi không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân”.
Còn theo quy định tại khoản 2 điều 40 Luật tổ chức Quốc hội, “trong trường hợp Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Quốc hội thì việc bãi nhiệm phải được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành”.
Ông Túy giải thích rằng vì các hoạt động đại biểu và công tác của ông Phạm Phú Quốc gắn với địa bàn TP.HCM nên quá trình xem xét, xử lý cũng phải theo các trình tự từ địa phương lên.
Ông Quốc đã có đơn xin thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội và xin thôi nhiệm vụ tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC).
“Trên cơ sở các bước xử lý của địa phương, báo cáo của cá nhân ông Phạm Phú Quốc, báo cáo của các cơ quan có trách nhiệm, chúng tôi sẽ hoàn thiện hồ sơ, tham mưu để Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét”, ông Túy nói thêm.
Như vậy, nếu bị bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội theo các điều, khoản nêu trên, ông Quốc không được “cho thôi nhiệm vụ” theo nguyện vọng, mà bị xử lý vì “không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân”.
LÊ KIÊN/TT
Nguồn: Cánh cò