Chính phủ vừa có tờ trình Quốc hội dự án Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, trong đó thống nhất việc tách Luật Giao thông đường bộ 2008 thành hai dự án luật là: Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) do Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm đưa ra các giải pháp, tập trung về đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng; và Luật Bảo đảm an ninh trật tự an toàn giao thông với nội dung đề xuất chuyển việc sát hạch, cấp, đổi và thu hồi giấy phép lái xe sang Bộ Công an.
Trong đó, việc Chính phủ đề xuất Bộ Công an quy định việc đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe là để đảm bảo tính hợp lý, đồng bộ và thống nhất, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, bảo vệ tính mạng, tài sản, bảo vệ con người, khắc phục những bất cập hiện tại. Quyết định này của Chính phủ đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhiều chuyên gia và các bộ, ngành. Như lời của Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – an ninh, Thượng tướng Võ Trọng Việt chia sẻ: “làm hai luật để tách bạch ra là thể hiện quyết tâm cao của bộ chủ quản, các quy định sẽ rõ ràng, chuyên sâu hơn và trách nhiệm cao hơn”. Còn như lời của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thì “đây không phải là vấn đề tranh giành gì cả mà nguyên tắc một việc giao một cơ quan, cơ quan nào làm tốt hơn giao cho cơ quan đó. Những gì liên quan an toàn trật tự giao thông trên đường bộ thuộc Bộ Công an. Những gì liên quan đến kết cấu hạ tầng, dự án giao thông thuộc Bộ Giao thông vận tải”. Và ngay cả Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể và Thứ trưởng Bộ Tư pháp cũng đã ký văn bản thể hiện sự đồng ý thống nhất để Bộ Công an sát hạch việc sát hạch và cấp bằng lái xe.
Không phải ngẫu nhiên mà Chính phủ đưa ra đề xuất Bộ Công an chịu trách nhiệm việc sát hạch, cấp bằng lái xe. Bởi nhiều năm qua, Bộ Giao thông vận tải đã có hàng chục lần chấn chỉnh, đổi mới nhưng việc cấp, thi giấy phép lái xe vẫn lộ ra nhiều lỗ hổng gây khó cho quản lý và mất an toàn giao thông. Người bị cụt chân, nghiện ma túy, đang bị truy nã, thậm chí đang thi hành án trong tù nhưng vẫn được cấp, đổi giấy phép lái xe, hay việc trung tâm có phương tiện học lái cũ nát, giáo viên không đạt chuẩn vẫn đào tạo lái xe… Với con số 159.515 hồ sơ liên quan đến tạm giữ, tước GPLX bị tồn đọng mà người vi phạm không đến nhận cũng đã cho thấy việc sát hạch, cấp giấy phép hiện nay quá lỏng lẻo.
Mục tiêu lớn nhất của Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông là bảo vệ quyền con người, phòng ngừa, hạn chế tai nạn giao thông. Vì vậy, theo các chuyên gia việc quy định vấn đề đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe trong dự án luật là cần thiết nhằm lập lại trật tự, kỷ cương, xây dựng nền giao thông văn minh, tôn trọng pháp luật. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một số ý kiến lo ngại rằng “việc thay đổi cơ quan sát hạch sẽ phát sinh về con người, gây rắc rối cho người dân”. Thế nhưng, từ trước đến nay, các bộ, ngành đưa ra dự thảo luật nào cũng đều tính tới phương án thuận lợi, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân. Vậy nên, việc Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông cũng vậy, người dân vẫn sẽ nhận được sự tiện ích nhất, không bị gây khó khăn, phiền hà gì, thậm chí còn tiện lợi hơn. Chẳng hạn như việc thi sát hạch bằng lái xe, các cơ sở đào tạo lái xe vẫn được xã hội hóa như hiện nay, người học sẽ được tự chọn các trung tâm đào tạo lái xe chất lượng tốt, được chọn thầy dạy và được yêu cầu Trung tâm phải đảm bảo giờ dạy, giờ chạy trên đường và các kỹ năng theo quy định khác. Còn về mặt giấy tờ, một người dân khi điều khiển phương tiện ra đường cần 3 giấy tờ là thẻ căn cước công dân, giấy phép lái xe, giấy đăng ký lái xe. Có thể thấy, 2/3 giấy này hiện nay do công an cấp, thì việc chuyển việc sát hạch, cấp giấy phép lái xe về cho Bộ Công an cấp là phù hợp. Bởi sắp tới đây, cơ quan này sẽ cấp thẻ căn cước công dân điện tử, lúc đó người dân chỉ cần mang đúng một thẻ căn cước công dân điện tử khi ra đường, vì tất cả đều được quản lý tập trung bằng điện tử bởi Bộ Công an.
Hôm nay (ngày 16/09), Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đang được Bộ Công an trình Thường vụ Quốc hội lấy ý kiến về việc chuyển việc sát hạch, cấp bằng lái xe cho Bộ Công an quản lý. Tin rằng, Quốc hội sẽ nhanh chóng xem xét và ban hành, áp dụng bộ luật này vào đời sống để góp phần quan trọng làm chuyển biến tình hình, giảm các vụ tai nạn giao thông và trên hết là tạo sự tiện lợi cho người dân.
Thế Khoa
Nguồn: Cánh cò