Trang chủ Chính trị Đại hội XIII của Đảng – Dấu mốc quan trọng, đưa đất...

Đại hội XIII của Đảng – Dấu mốc quan trọng, đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới

160
0

Đại hội XIII của Đảng sẽ là sự kiện chính trị trọng đại của Đảng ta, dân tộc ta và nhân dân ta. Đại hội không chỉ nhìn lại 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước, 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới mà còn xác định các mục tiêu cụ thể hướng tới những dấu mốc phát triển quan trọng của đất nước.

Với ý nghĩa sâu sắc và tầm vóc to lớn đó, trong bài viết “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng kêu gọi: “Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta hãy đồng tâm nhất trí, chung sức đồng lòng, chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc”.

Đại hội XIII của Đảng – Dấu mốc quan trọng, đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới

I – Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn liền với sự tồn tại và phát triển của Đảng. Theo Người, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là làm cho Đảng ta xứng đáng là một Đảng cách mạng chân chính, lãnh đạo sự nghiệp cách mạng to lớn của giai cấp và dân tộc. Từ khi ra đời đến nay, Đảng ta luôn xác định: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa quyết định đối với toàn bộ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sự sống còn của Đảng, vận mệnh của chế độ. Do luôn coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Đảng ta ngày càng vững mạnh, lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của dân tộc đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, xây dựng đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

Nhìn lại từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện quyết liệt. Với nhiều giải pháp vừa toàn diện, đồng bộ; vừa có trọng tâm, trọng điểm, chọn đúng khâu đột phá, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được tiến hành toàn diện trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ và đạt nhiều kết quả tích cực: Nhận thức của cấp ủy các cấp và cán bộ, đảng viên về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng đầy đủ, toàn diện và sâu sắc; các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đã được nhận diện và có giải pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả; vai trò của tổ chức Đảng, người đứng đầu cấp ủy các cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên trong phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” từng bước được phát huy; ý thức chấp hành Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, nghị quyết, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và việc rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, nhất là đạo đức công vụ của cán bộ, đảng viên được nâng lên; công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng được thực hiện đồng bộ, quyết liệt, nhất là cấp Trung ương, có tác dụng rõ rệt, góp phần chủ động ngăn ngừa sai phạm của cán bộ, đảng viên…

Dấu ấn nổi bật của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong nhiệm kỳ này là kỷ luật, kỷ cương trong Đảng được siết chặt, pháp luật của Nhà nước được đề cao. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí có chuyển biến mạnh mẽ, được triển khai quyết liệt, bài bản và đạt nhiều kết quả cụ thể, tích cực; nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng, nhất là các vụ án lớn, nghiêm trọng lần lượt được phát hiện, điều tra, khởi tố, truy tố, xét xử nghiêm minh, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân hoan nghênh, đồng tình ủng hộ. Việc xử lý tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm được thực hiện nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kỳ người đó là ai, giữ cương vị công tác nào, đương chức hay đã nghỉ hưu, đã góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước, tạo sức răn đe, cảnh tỉnh rất lớn.

Từ đầu nhiệm kỳ đến cuối tháng 7/2020, các cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố 8.883 vụ/14.984 bị can, truy tố 7.346 vụ/14.247 bị can, xét xử sơ thẩm 6.934 vụ/13.287 bị cáo về các tội tham nhũng, trật tự kinh tế và tội phạm khác về chức vụ. Cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã xử lý kỷ luật hơn 2.370 cán bộ, đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái quy định của Nhà nước, trong đó có hơn 110 cán bộ diện Trung ương quản lý.

Sự kiên quyết, kiên trì thực hiện công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng làm cho Đảng ta trong sạch hơn, vững mạnh hơn, đoàn kết hơn, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao hơn; cán bộ, đảng viên gương mẫu hơn, đoàn kết nội bộ tốt hơn, gắn bó với nhân dân mật thiết hơn, từ đó thúc đẩy thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị mà Tổ quốc và nhân dân đã giao cho.

Những kết quả của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhiệm kỳ khóa XII đã tạo được dấu ấn mạnh mẽ, có sức lan tỏa rộng, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng; dân chủ trong Đảng và trong xã hội ngày càng được mở rộng và phát huy; trách nhiệm của các cấp ủy đảng và sự gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy các cấp được đề cao; đoàn kết, thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội được tăng cường; góp phần tạo nên động lực mới, khí thế mới, động viên sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước.

Nổi bật là, kinh tế – xã hội của nước ta những năm qua đã có những chuyển biến rất ấn tượng, phát triển toàn diện trên tất cả các mặt; tốc độ tăng trưởng GDP hằng năm đều tăng, điển hình là 02 năm 2018 (đạt 7,08%) và 2019 (đạt 7,02%), vượt xa chỉ tiêu đề ra. Năm 2020, trong bối cảnh kinh tế và thương mại toàn cầu suy giảm, sau đó lại rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng do tác động của đại dịch COVID-19, kinh tế nước ta vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng. Tính cả nhiệm kỳ, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của Việt Nam đạt khoảng 6%/năm, là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực và thế giới.

Những năm tới, tình hình quốc tế, khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, nhanh chóng, khó lường; trong khi đó, dù đạt được những kết quả rất đáng tự hào, đất nước ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Bối cảnh tình hình đó, đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới, phức tạp hơn đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Từ bài học kinh nghiệm được đúc rút từ những nhiệm kỳ trước, công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ Đại hội XIII được xác định là: “Tăng cường xây dựng và chỉnh đốn Đảng, Nhà nước và toàn hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phê phán, phán bác các quan điểm sai trái, thù địch; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, với quyết tâm cao hơn, hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, không có vùng cấm, không có ngoại lệ…”(1).

Từ những kết quả đã đạt được, cùng đường lối đúng đắn, quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt của toàn Đảng trong công tác xây dựng Đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân ta tin tưởng chắc chắn rằng: “Với một đảng cách mạng chân chính, trong sạch, vững mạnh, có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín lãnh đạo như Đảng ta, được nhân dân hết lòng tin yêu, ủng hộ, chúng ta sẽ có một sức mạnh to lớn, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, không thế lực nào ngăn cản nổi dân tộc ta đi lên, lập nên những kỳ tích mới trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ hằng mong ước”(2).

(Còn nữa)

*****

(1), (2) Nguyễn Phú Trọng: “Chuẩn bị và tiến hành tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới”, Báo Nhân dân, ngày 1-9-2020.

PGS.TS Trần Quang Tám


Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây