Trang chủ Đấu trường dân chủ Bộ phim ‘Da 5 Bloods’ thiếu chân thực, xuyên tạc lịch sử...

Bộ phim ‘Da 5 Bloods’ thiếu chân thực, xuyên tạc lịch sử Việt Nam

230
0

Lâu nay, tại Hollywood (Hô-li-út) – trung tâm điện ảnh của nước Mỹ và thế giới, vẫn ra đời một số bộ phim liên quan tới chiến tranh Việt Nam, bởi đây là đề tài luôn hấp dẫn và nhận được sự chú ý của công chúng, dư luận. Song có lẽ do nhà làm phim đã cạn kiệt ý tưởng cho nên phần lớn các phim này hầu như không để lại dấu ấn. Vì vậy, sự ra đời của bộ phim Da 5 Bloods (Năm chiến hữu) đã thu hút sự chú ý từ giới phê bình, báo chí đến khán giả tại nhiều nước. Nhưng, cùng với một số chủ đề hợp thời mà bộ phim đã đề cập (như phong trào phản chiến của người Mỹ gốc Phi, thân phận cựu chiến binh da mầu, vấn nạn phân biệt chủng tộc,…) thì Da 5 Bloods lại có xu hướng bóp méo hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trong quá khứ và hiện tại.

Trước khi chính thức phát hành trên dịch vụ phim trực tuyến Netflix ngày 12-6-2020, Da 5 Bloods đã gây sự chú ý trên nhiều phương tiện truyền thông đại chúng ở Mỹ, Việt Nam cùng nhiều nước khác. Vì sau nhiều năm, khán giả quốc tế mới được đón nhận một bộ phim hy vọng sẽ trở thành “bom tấn” về đề tài chiến tranh Việt Nam. Khán giả còn háo hức hơn khi biết bộ phim được nhào nặn bởi tay của đạo diễn khá nổi tiếng người da mầu S.Lee (X.Ly). Chưa kể, thông tin được tiết lộ từ các đoạn phim quảng bá (trailer) còn cho biết, Da 5 Bloods sẽ là bộ phim đầu tiên nói về thân phận của người lính Mỹ gốc Phi trong chiến tranh Việt Nam. Qua câu chuyện về bốn cựu chiến binh gồm David (Đa-vít), Paul (Pôn), Otis (Ô-tít), Eddie (Ét-đi) trở lại chiến trường xưa tìm hài cốt của người đồng đội cũ là Norman (Nóc-man), bộ phim hứa hẹn sẽ đem lại một góc nhìn khác về thân phận của người lính da mầu. Chính vì thế, sau các bộ phim có nội dung xuyên tạc chiến tranh Việt Nam, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cá nhân bị dư luận phê phán như: Deer Hunter (Thợ săn hươu), Apocalyse Now (Tận thế đêm nay), Hambuger Hill (Đồi Thịt băm), We were Sodiers (Chúng tôi từng là lính),… Da 5 Bloods được kỳ vọng sẽ đem đến cho người xem một góc nhìn khách quan, chân thực, chưa từng biết đến. Điều này hoàn toàn có cơ sở khi trong các thập niên gần đây, những bộ phim tài liệu do tác giả người Mỹ sản xuất như Viet Nam: The Ten Thousand Day War (Việt Nam: Cuộc chiến mười nghìn ngày), The Vietnam War (Chiến tranh Việt Nam), dù đây đó vẫn còn rơi rớt nhận định chủ quan và tiêu cực, nhưng phần nào đã đưa tới những góc nhìn có sự trung thực, khách quan khi thừa nhận, cung cấp tài liệu chứng minh các nhà cầm quyền Mỹ đã sai lầm khi quyết định tiến hành cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Bên cạnh đó, phim còn có sự góp mặt của một số diễn viên gốc Việt đã khẳng định được tên tuổi tại Hollywood và Việt Nam như: Johnny Trí Nguyễn, Ngô Thanh Vân. 

Bộ phim 'Da 5 Bloods' thiếu chân thực, xuyên tạc lịch sử Việt Nam

Bộ phim thiếu chân thực và xuyên tạc lịch sử Việt Nam (Ảnh Hải Anh-dautruongdanchu.org)

Tuy nhiên, khi chính thức ra mắt, dù vào ở thời điểm hết sức thời sự của nước Mỹ, khi vấn đề chủng tộc trở nên nóng bỏng sau cái chết của nạn nhân da đen George Floyd, bộ phim đã không thể thỏa mãn được người yêu điện ảnh và giới phê bình, chủ yếu chỉ được đánh giá ở mức trung bình. Rốt cuộc, Da 5 Bloods lại chỉ là một phiên bản tổng hợp lấy cảm hứng từ nhiều bộ phim chiến tranh của Hollywood, với cách nhìn phiến diện, dài dòng, thiếu cảm xúc và được cắt ghép một cách vụng về và thô thiển với một số chủ đề thời sự đang diễn ra tại nước Mỹ. Sự hời hợt, cẩu thả của đạo diễn S.Lee còn được thể hiện qua cách nhận định méo mó, lệch lạc về đất nước, con người Việt Nam trong quá khứ và hiện tại. 

Với Da 5 Bloods, có lẽ 30 phút đầu tiên là phần ấn tượng duy nhất, khi tác phẩm đưa ra hàng loạt thông điệp có sức nặng của các thước phim tài liệu. Qua đó người xem có thể thấy một cuộc đấu tranh khác đã từng diễn ra trên chính nước Mỹ trong thập niên 60, 70 thế kỷ trước. Đó là phong trào của người Mỹ gốc Phi chống phân biệt chủng tộc, phản chiến, đòi dân chủ và một số quyền khác. Theo thông tin được S.Lee đưa vào Da 5 Bloods thì “Người Mỹ gốc Phi chỉ chiếm 11% dân số Mỹ nhưng chiếm 32% quân số tại chiến trường Việt Nam”. Bộ phim xoay quanh bốn cựu chiến binh Paul, David, Otis, Eddie từng tham gia vào cuộc chiến tranh Việt Nam. May mắn trở về Mỹ khi chiến tranh kết thúc, tưởng chừng bốn cựu binh sẽ bỏ lại quá khứ để gây dựng cuộc sống mới, nhưng họ đã trở lại Việt Nam vì mục đích cao đẹp là tìm hài cốt của người đồng đội. Tuy nhiên, nghĩa cử của bốn người lính già này hóa ra chỉ là màn kịch để che giấu tham vọng tìm lại số vàng mà quân đội Mỹ đã đánh mất tại chiến trường Việt Nam. Kể từ đây, Da 5 Bloods lộ rõ nguyên hình là một bộ phim hành động theo phong cách hài hước đen (black comedy) với nhiều chi tiết, tình huống phi lý, ngô nghê, cài đặt lộ liễu, và một kết cấu “đầu voi đuôi chuột”. Trên thực tế, kịch bản và dự án phim Da 5 Bloods từng bị loại bỏ vì chất lượng kém. Sau đó, khi tiếp quản, đạo diễn S.Lee đã sửa đổi một cách vụng về cho phù hợp ý đồ của mình. Và bộ phim đã phải nhận nhiều đánh giá tiêu cực từ các nhà phê bình ở Mỹ. Nhiều tờ báo lớn ở Mỹ như CNN, San Francisco (Xan Phờ-ran-xít-cô),  Chronicle (Tin tức), Boston Globe (Bốt-tơn Toàn cầu) đã không ngần ngại đánh giá Da 5 Bloods với điểm số thấp, vì cho rằng bộ phim lồng ghép quá nhiều ẩn dụ về chính trị Mỹ trong quá khứ và hiện tại vào những cảnh hành động rời rạc, phi thực tế. 

Không chỉ yếu kém về nội dung và nghệ thuật, Da 5 Bloods còn cho thấy lỗ hổng khá nghiêm trọng trong nhận thức, quan niệm của S.Lee về đất nước Việt Nam. Dường như quá trình tuyển diễn viên và chọn lựa bối cảnh tại TP Hồ Chí Minh không giúp đem tới sự hiểu biết về đất nước, con người Việt Nam cho vị đạo diễn này. Hầu như bối cảnh Việt Nam trong Da 5 Bloods chỉ thu hẹp trong không gian của khách sạn, quán bar, chợ nổi, đồng ruộng, rừng rậm đầy rẫy nguy hiểm. Thay vì đưa ra cái nhìn sòng phẳng về Việt Nam và chiến tranh Việt Nam, bộ phim chỉ đem tới những khuôn mẫu và biểu tượng sáo rỗng, chỉ chạm được vào những vấn đề ngoài rìa của tàn dư chiến tranh. Chiến tranh trong Da 5 Bloods đã bị cường điệu hóa với những cảnh tàn sát không ghê tay của quân đội Mỹ với những người lính Việt Nam ở bên kia chiến tuyến. Các khung hình bạo lực, phi nhân tính ấy buộc nhà văn người Mỹ gốc Việt Nguyễn Thanh Việt phải lên tiếng trên NewYork Times (Thời báo Niu-Oóc): “(Với Da 5 Bloods) những người lính da đen cuối cùng cũng có câu chuyện cho riêng họ song bộ phim này không hề khác biệt với những tác phẩm trước đó của Hollywood (…). Tôi ủng hộ phong trào Những vấn đề sống còn của người da đen và chống lại các hành vi phân biệt chủng tộc. Nhưng khi bắt buộc phải chứng kiến cảnh người lính Việt Nam bị bắn và giết đến cả nghìn lần (trong Da 5 Bloods), tôi cảm thấy tổn thương giống khi xem các bộ phim Mỹ khác như Trung đội, Bộ áo giáp sắt, Rambo. Tôi nghĩ (Da 5 Bloods) đâu có sự khác biệt khi những người lính da đen ấy có nhận thức chính trị đầy đủ song vẫn thẳng tay tàn sát đồng bào của tôi?”. Nghiêm trọng hơn, phần lớn nhân vật người Việt trong phim đều được xây dựng như những kẻ phân biệt chủng tộc, thô lỗ, đầy hận thù và phản trắc. Các vai diễn người Việt trong Da 5 Bloods liên tục gọi các người cựu binh Mỹ là G.I (ám chỉ binh sĩ Mỹ theo ý nghĩa miệt thị, coi thường), ép buộc họ phải bố thí tiền bạc hoặc mua đồ, nhục mạ họ là sát nhân, kẻ cướp… Trong bài Những sai sót từ bộ phim Da 5 Bloods của Spike Lee về sự trở về Việt Nam của các cựu chiến binh đăng trên tờ The Conversation (Đối thoại), nhà sử học M.Hobbs (M.Hô-bờ) viết: “Kể từ năm 1981, hàng nghìn cựu chiến binh Mỹ đã trở lại Việt Nam. Tôi phát hiện ra các cựu chiến binh này đều được người Việt Nam tiếp đón nồng nhiệt ngay từ những lần viếng thăm đầu tiên, và tôi ghi lại điều này trong luận án tiến sĩ của mình về sự trở lại của các cựu chiến binh Mỹ, Ô-xtrây-li-a. Trong bộ phim của Lee, chủ đề hòa giải có được gợi đến qua chi tiết mấy cựu chiến binh Bắc Việt mời rượu các cựu binh Mỹ trong quán Ngày tận thế. Nhưng chi tiết đó nhanh chóng bị xóa nhòa bởi các trường đoạn trả thù người Việt Nam như cảnh cậu bé ăn xin, người bán hàng và đám côn đồ (…). Bộ phim không hề đề cập tới số phận của 300.000 người lính Việt Nam vẫn còn mất tích. Đó là chưa kể các nạn nhân là dân thường. Da 5 Bloods đã không thừa nhận mức độ mất mát, đau lòng của người dân Việt Nam. Bằng cách đặt người Việt Nam vào thế đối đầu với các cựu chiến binh Mỹ, Lee đã bỏ qua triển vọng về sự hàn gắn giữa đôi bên”. 

Rõ ràng, phim Da 5 Bloods của S.Lee chẳng khác nào một “viên đạn” bắn vào quá khứ đau thương của hai dân tộc Việt Nam và Mỹ. Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, nhưng gần như không có tình người, sự chia sẻ, cảm thông từ cả hai phía mà chỉ toàn sự hận thù, đay nghiến từ quá khứ vọng về. Không chỉ vậy, bộ phim còn phủ nhận các nỗ lực hòa giải, hàn gắn vết thương chiến tranh của nhiều cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam. Trong số này, nhiều người đã trở thành nhà hoạt động phản chiến, dành phần đời còn lại cho nỗ lực sửa chữa sai lầm trong quá khứ. Một số cựu chiến binh Mỹ còn chọn Việt Nam như quê hương thứ hai của mình. Trong bài Cựu chiến binh trở lại và sinh sống tại Việt Nam đăng trên BBC ngày 25-6-2016, cựu chiến binh Larry (La-ri) hiện sống tại Đà Nẵng đã thổ lộ: “Sau chiến tranh, tôi mang theo mình nhiều câu hỏi mà không ai có thể trả lời thay. Do đó tôi đã tự học và càng đọc nhiều thì tôi càng không hiểu vì sao chúng tôi phải đến Việt Nam. Tôi phát hiện rằng Chính phủ Mỹ đã nói dối và tự nhủ nếu tôi sinh ra là người Việt Nam thì chắc chắn tôi sẽ theo Việt cộng”. Nhiều tài liệu từ các cựu binh trở lại Việt Nam đến những nhà sử học chân chính đã bị S.Lee bỏ qua khi thực hiện bộ phim Da 5 Bloods. Đồng thời, có vẻ như Lee không trao đổi với diễn viên Việt Nam khi thực hiện dự án điện ảnh của mình. Nên mới có chuyện nực cười: dù là một bộ phim về đề tài chiến tranh Việt Nam, nhiều bối cảnh được thực hiện tại Việt Nam, nhưng thành phần tham gia Da 5 Bloods chủ yếu là người Mỹ và người Thái-lan!

Thất bại của S.Lee và bộ phim Da 5 Bloods cho thấy các tác giả làm phim tại Hollywood đang khủng hoảng trong cách tiếp cận và hình thành ý tưởng về đề tài chiến tranh Việt Nam. Đó cũng là một thí dụ, và đặt ra thách thức cho các nhà làm phim Việt Nam. Bởi nhiều năm qua, chúng ta chưa có tác phẩm điện ảnh hay phim tài liệu thật sự xứng tầm, có sức nặng về chiến tranh để giúp bạn bè quốc tế hiểu biết theo cả chiều rộng và chiều sâu, từ đó đánh giá khách quan về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam. Chưa kể còn xem nhẹ (thậm chí bỏ qua) các chủ đề như phong trào phản chiến, đề tài hậu chiến, nỗ lực hàn gắn, hòa giải giữa hai dân tộc, cho dù nguồn nhân chứng, tài liệu vô cùng phong phú và đa dạng. Điều này cho thấy một nhiệm vụ vô cùng nặng nề với các đạo diễn và nhà làm phim Việt Nam trong thời gian tới, để có thể sản xuất những tác phẩm điện ảnh vừa mang nội dung hấp dẫn, sinh động, vừa truyền tải được các thông điệp khách quan, chân thực về lịch sử dựng nước, giữ nước của ông cha chúng ta.

Phan Kỷ (Nhân dân)

Nguồn: Đấu trường Dân chủ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây