Người dân chỉ có thể đóng góp các ý kiến tâm huyết của mình nếu như họ thật sự hiểu lời lẽ của văn kiện.
Tại phiên họp của Tiểu ban văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng vào cuối tuần qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng, văn kiện phải mang tính chính trị, tính lý luận, tính chỉ đạo cho một giai đoạn lâu dài. Song, văn kiện cũng phải có tính quần chúng, giản dị, ai đọc cũng hiểu… viết sao cho dễ hiểu, dễ nhớ, dễ kiểm tra… Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói những lời tâm huyết này trước khi Dự thảo văn kiện Đại hội XIII được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân.
Văn kiện Đại hội sẽ còn lưu mãi với lịch sử. Cũng bởi tính chất quan trọng của nó mà gần 2 năm qua (từ tháng 10/2018), dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, rất nhiều công việc đã được triển khai, thận trọng, bài bản, từ khâu chuẩn bị đề cương, xây dựng bản thảo, nghiên cứu, khảo sát thực tế, hội thảo, tọa đàm khoa học, lấy ý kiến các chuyên gia, cán bộ lão thành, các nhà khoa học…
Riêng Tiểu ban Văn kiện và Tổ biên tập của Tiểu ban có hàng trăm cuộc làm việc với các tỉnh, thành phố, các cơ quan, ban ngành, tổ chức chính trị -xã hội, nghề nghiệp. Các đoàn làm việc xuống đến từng cơ sở, xã phường, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị vũ trang để trao đổi, lắng nghe. Từ đề cương ban đầu, bản thảo được thảo luận nhiều lần ở Tổ biên tập, ở Tiểu ban Văn kiện, được Bộ Chính trị cho ý kiến trước khi đưa ra thảo luận ở Ban Chấp hành Trung ương. Từng câu, từng chữ trong Văn kiện đều được trao đổi, cân nhắc.
Tuy vậy, tại thời điểm lấy ý kiến nhân dân cận kề, người lãnh đạo cao nhất của Đảng vẫn không quên nhắc lại tính chất quần chúng của văn kiện, sao cho dễ hiểu, dễ nhớ.
Thực tế, văn kiện là kết tinh trí tuệ tập thể. Văn kiện Đại hội Đảng không chỉ được lấy ý kiến của cán bộ, đảng viên mà sẽ được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân, của hàng triệu người đang học tập, công tác, lao động sản xuất, hay làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn trật tự an ninh trên mọi miền đất nước… Người dân chỉ có thể đóng góp các ý kiến tâm huyết của mình nếu như họ thật sự hiểu lời lẽ của văn kiện. Những vấn đề vĩ mô hay vi mô, nếu được diễn đạt một cách giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ thì nó sẽ tiếp cận được nhiều thành phần trong xã hội và kể cả sau khi được Đại hội thông qua, trở thành Nghị quyết thì chắc chắn, Nghị quyết đó cũng dễ dàng đi vào cuộc sống.
Thực tế, những năm qua, trong nhiều bài phát biểu, nói chuyện của mình, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã gửi đi những thông điệp mạnh mẽ, lớn lao bằng chính những câu văn giản dị, mộc mạc, đi vào lòng người, thấm thía và suy ngẫm. Kể cả những người bình dân nhất cũng hiểu ông muốn gửi gắm điều gì. Bởi vậy, rất nhiều câu nói của ông đã đi vào cuộc sống như: “Lò đã nóng thì củi tươi vào cũng cháy” khi thể hiện quyết tâm chống tham nhũng hay sử dụng những cụm từ như “thân quen, cánh hẩu”, “cua cậy càng, cá cậy vây”, “đừng thấy đỏ mà tưởng chín”, “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”… khi đề cập công tác cán bộ. Đặt trong hoàn cảnh đó mới thấy, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước mong muốn văn kiện phải “dễ hiểu, dễ nhớ” là hoàn toàn đúng đắn.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng nhiều lần nhắc nhở mỗi khi truyền tải một thông điệp gì cho nhân dân phải đề cao tính quần chúng. Thông điệp đó phải dễ hiểu, dễ nhớ và dễ làm theo, kể cả Nghị quyết. Chứ nhất định, không thể “rằng hay thì thật là hay” nhưng lại không hiểu gì. Và con người Bác, sự vĩ đại cũng nằm trong chính sự bình dị, gần gũi.
Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII sẽ được đưa ra lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân, trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng. Nhân dân đọc được văn kiện cũng đồng nghĩa họ hiểu được chủ trương, đường lối của Đảng trong những năm sắp tới. Họ đóng góp ý kiến cho Đảng cũng đồng nghĩa họ thể hiện trách nhiệm của mình đối với đất nước. Bởi vậy, nếu văn kiện Đảng mà ai đọc cũng hiểu thì chắc chắn, sự thành công bước đầu đã được khẳng định./.
Giáng Hương/VOV
Nguồn: Cánh cò