Đại hội lần thứ XIII của Đảng là sự kiện chính trị trọng đại đối với đất nước ta; là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, được nhân dân đặc biệt quan tâm. Có thể khẳng định, việc tổ chức Đại hội XIII thành công là một mốc son mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là kết quả của việc phát huy cao độ tinh thần dân chủ, đoàn kết, kỷ cương, trí tuệ, đổi mới trong quá trình chuẩn bị và tổ chức Đại hội.
Đại hội XIII sẽ xác định rõ mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trên tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế – xã hội; xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại, bảo vệ vững chắc chủ quyền của Tổ quốc giai đoạn 2021 – 2026 với tầm nhìn chiến lược.
Kết quả của nhiệm kỳ Đại hội XII vừa qua tiếp tục tạo đà cho kinh tế – xã hội phát triển, quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường. Sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành sáng suốt, quyết liệt, hiệu quả của Đảng, Nhà nước, nhất là trong phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, chủ động ứng phó, phòng, chống đại dịch COVID-19 vừa qua càng khẳng định bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa; tăng thêm niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.
Tuy nhiên, các thế lực thù địch luôn tìm cách đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”, tăng cường sử dụng các biện pháp “tấn công mềm”, tập trung làm chuyển biến về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; kích động, chia rẽ, đòi “phi chính trị hóa Quân đội, Công an”; hạ thấp, phủ nhận vai trò, uy tín lãnh đạo của Đảng nhằm xóa bỏ mục tiêu con đường đi lên CNXH.
Trước những vấn đề mới đặt ra, để giữ vững độc lập, tự chủ trong khi thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi để hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hơn đã và đang đặt ra những thách thức không nhỏ cho Đại hội Đảng XIII, đó là phải bảo vệ vững chắc lợi ích quốc gia – dân tộc, bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước và nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, xã hội, tạo môi trường hòa bình và điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước.
Thứ nhất, vấn đề chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.
Đại hội XII của Đảng nhận định: “Tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo trong khu vực và trên Biển Đông tiếp tục diễn ra gay gắt, phức tạp”(1) Tình hình Biển Đông thời gian qua diễn biến phức tạp khi Trung Quốc gia tăng các đòi hỏi chủ quyền vô lý, cải tạo các cấu trúc địa lý thành đảo nhân tạo và quân sự hóa trái phép.
Bản chất vấn đề Biển Đông được mở rộng hơn, trở thành tâm điểm tập hợp lực lượng và cạnh tranh giữa các nước lớn. Các nước ngoài khu vực, đặc biệt là Mỹ, Nhật Bản, Australia… cũng bắt đầu gia tăng sự hiện diện và can dự vấn đề Biển Đông nhân danh an ninh, an toàn hàng hải, hàng không bằng nhiều biện pháp khác nhau như biện pháp ngoại giao đa phương và triển khai tàu chiến trên thực địa; khía cạnh an ninh được mở rộng cả ở trên biển và trên không. Tình hình đó tiếp tục đặt ra những thách thức đòi hỏi Việt Nam cần tiếp tục kiên trì “đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”(2); phát huy tinh thần tự lực, tự cường và phải biết kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, nêu cao tính chính nghĩa, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của quốc tế, “kiên quyết, kiên trì đấu tranh”, tăng cường hợp tác quốc tế, “tạo sự đan xen lợi ích”, “vừa hợp tác, vừa đấu tranh”. Và cũng cần xác định, giải quyết tranh chấp trên Biển Đông là vấn đề lâu dài, không thể nóng vội, kiên trì hợp tác tìm kiếm biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp, không làm phức tạp thêm tình hình, bảo vệ lợi ích chính đáng của ta, đồng thời tôn trọng lợi ích chính đáng của các nước trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế.
Thứ hai, an ninh phi truyền thống và thách thức trong thời gian tới
Tại Đại hội XI (tháng 4-2011), Đảng ta chính thức sử dụng khái niệm an ninh phi truyền thống với các vấn đề được chỉ ra, như: “chống khủng bố, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn chế bùng nổ dân số, phòng ngừa và hạn chế dịch bệnh hiểm nghèo”(2). Đại hội XII (tháng 1/2016) chỉ ra một số vấn đề toàn cầu như: “an ninh tài chính, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, an ninh mạng, xung đột sắc tộc, tôn giáo, khủng bố”(1). Đồng thời có lưu ý đến “các hình thái chiến tranh kiểu mới” với hàm ý khả năng chuyển hóa giữa an ninh phi truyền thống và an ninh truyền thống.
Những vấn đề toàn cầu và an ninh phi truyền thống đã tạo ra một môi trường quốc tế tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định cho quá trình phát triển, đặt ra những thách thức không nhỏ cho nhiệm kỳ của Đại hội Đảng XIII, như: an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, an ninh tài chính, an ninh mạng, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh. Chủ nghĩa dân tuý, chủ nghĩa cường quyền nước lớn, chủ nghĩa thực dụng gia tăng mạnh mẽ trong quan hệ quốc tế. Luật pháp quốc tế và các thể chế đa phương toàn cầu đứng trước những thách thức lớn. Xu hướng tập hợp lực lượng, liên kết – đấu tranh vì lợi ích quốc gia – dân tộc diễn ra gay gắt, đặt các nước đang phát triển, nhất là những nước vừa và nhỏ, trước nhiều sức ép, đặc biệt dưới tác động của cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn.
Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra cho Đại hội XIII của Đảng là tiếp tục giữ vững sự ổn định và phát triển đất nước tạo nền tảng vững chắc để phòng, chống hiệu quả những thách thức, tác hại từ an ninh phi truyền thống.
Thứ ba, vấn đề chống tham nhũng, lãnh phí, tiêu cực.
Nhìn lại 5 năm nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãnh phí, tiêu cực đã có một bước tiến mạnh, đạt được nhiều kết quả như: cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 490 tổ chức đảng và 35 nghìn đảng viên vi phạm, trong đó có gần 1.300 đảng viên bị thi hành kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái.
Nhiều cán bộ cao cấp và tổ chức đảng vi phạm, trong đó có cả đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị đã bị kỷ luật; trong đó có cả cán bộ đương chức và đã nghỉ hưu, cả trong lực lượng vũ trang,…
Thể hiện rõ quan điểm “nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền”, góp phần nâng cao uy tín, sức chiến đấu của Đảng toàn diện, tích cực, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, như đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định “công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đã trở thành phong trào, xu thế” với những kết quả đạt được… được nhân dân đồng tình, đánh giá cao, được các tổ chức quốc tế ghi nhận. Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi và có chiều hướng thuyên giảm, góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo động lực mới, khí thế.
Tuy nhiên, công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục đặt ra những thách thức cho Đại hội XIII của Đảng trong thời gian tới, đó là cần phải tạo một sự chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt hơn, khắc phục những hạn chế, yếu kém để có thể ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng; loại bỏ dần các cơ hội và điều kiện phát sinh tham nhũng; tổ chức thực hiện nghiêm, có hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về PCTN; xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật mọi hành vi tham nhũng, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức liêm chính; củng cố lòng tin của nhân dân, thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển.
Bốn là, phòng ngừa, ngăn chặn chiến lược “diễn biến hòa bình”
Trước tình hình thế giới, khu vực, diễn biến phức tạp, tác động không nhỏ đến công tác lãnh đạo đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” của Đảng ta, các thế lực thù địch tăng cường các hoạt động chống phá Việt Nam, nhất là “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Vì vậy, để tiếp tục phòng ngừa và làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình”, Đảng ta tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, đó là: tiếp tục nhận thức đúng đắn về nội dung, thủ đoạn thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trong tình hình mới và tích cực đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu của chúng. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; đi liền với ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Cần coi là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và của cả hệ thống chính trị, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, thường xuyên của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước không chỉ là nhiệm vụ cấp bách trước mắt, mà còn là giải pháp quan trọng, chiến lược lâu dài đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và sự tồn vong của chế độ.
Bình Nguyên/CAND
Nguồn: Cánh cò