Lực lượng chức năng đã phát hiện 17.887 vụ phạm tội và vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế (nhiều hơn 25,19%). 19.682 vụ vi phạm pháp luật về môi trường được phát hiện; cơ quan điều tra đã khởi tố 347 vụ, 357 bị can.
Thực hiện Phiên họp thứ 48, sáng ngày 14/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương trình bày báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.
Xử lý vi phạm về môi trường chưa đủ sức răn đe
Thừa ủy quyền trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2020 (từ ngày 1/10/2019 đến 31/7/2020), Thứ trưởng Lê Qúy Vương cho biết, năm 2020, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có những diễn biến phức tạp mới, đặt ra nhiều khó khăn, thách thức lớn, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung xây dựng thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế, chính sách nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia; công tác phòng ngừa tội phạm được chú trọng hơn, kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ và tấn công trấn áp tội phạm đạt được kết quả tích cực.
Theo Thứ trưởng Lê Quý Vương, Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đã chủ động nắm, nghiên cứu, phân tích, đánh giá, dự báo sát tình hình thế giới, khu vực để tham mưu và thực hiện các giải pháp giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ an ninh quốc gia, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các chỉ thị về tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều; tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới; đề ra một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã. Chỉ đạo Bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác, tập kết bến bãi, kinh doanh khoáng sản, bảo vệ đê điều, vệ sinh, an toàn thực phẩm, buôn bán động vật hoang dã.
Đồng thời, thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm an ninh, an toàn nguồn nước sinh hoạt; tăng cường quản lý chất thải y tế góp phần ngăn ngừa sự lây lan của dịch Covid-19. Lực lượng chức năng đã phát hiện 19.682 vụ vi phạm pháp luật về môi trường; cơ quan điều tra đã khởi tố 347 vụ, 357 bị can.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Qúy Vương nêu rõ, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm vẫn diễn ra phổ biến trên nhiều lĩnh vực. Một số doanh nghiệp thực hiện chưa nghiêm các quy định của pháp luật về môi trường nhằm giảm chi phí khiến các lưu vực sông Sài Gòn – Đồng Nai, Nhuệ – Đáy, hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải… bị ô nhiễm nghiêm trọng. Còn tình trạng lạm dụng hóa chất công nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật trong nuôi trồng.
Đặc biệt, tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản diễn ra ở nhiều địa phương, nhất là khai thác cát, sỏi lòng sông. Hoạt động khai thác rừng, mua bán, vận chuyển, cất giữ, chế biến, kinh doanh lâm sản trái phép vẫn diễn ra nghiêm trọng. Hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã, quý hiếm có chiều hướng gia tăng, thậm chí diễn ra công khai trên mạng Internet.
“Công tác xử lý các vi phạm pháp luật về môi trường chưa đủ sức răn đe, số vụ xử lý hình sự chưa nhiều so với số vi phạm phát hiện được, nguyên nhân chủ yếu là một số tội danh về lĩnh vực môi trường khó xác định thiệt hại nên rất khó khăn trong xử lý”, báo cáo của Chính phủ nêu rõ.
Chủ động phát hiện, đấu tranh hiệu quả với tội phạm môi trường
Đánh giá tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn diễn biến phức tạp, báo cáo của Chính phủ chỉ rõ, công tác quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực còn một số tồn tại, thiếu sót chưa theo kịp với sự phát triển của tình hình, còn sơ hở cho tội phạm lợi dụng hoạt động. Còn để xảy ra vi phạm trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm…
Trong khi đó, các thế lực thù địch trong và ngoài nước vẫn tiếp tục gia tăng các hoạt động chống phá trên nhiều lĩnh vực. Tình trạng lộ, lọt bí mật nhà nước trên không gian mạng ngày càng nghiêm trọng. Hoạt động nhập cảnh trái phép diễn biến phức tạp, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 tái bùng phát.
Tội phạm và vi phạm về tham nhũng, kinh tế vẫn chủ yếu xảy ra ở một số lĩnh vực kinh tế trọng điểm, nhạy cảm với các thủ đoạn như lợi dụng chức vụ, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; lợi dụng sơ hở trong quy định và những lỏng lẻo trong quản lý, giám sát để thực hiện hành vi phạm tội; thông đồng, móc nối giữa cán bộ có chức vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước với người trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước.
Thứ trưởng Bộ Công an chỉ rõ nguy cơ xuất hiện tội phạm kinh tế, tham nhũng có tổ chức, xuyên quốc gia, một số hành vi phạm tội kinh tế, tham nhũng được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam…
Do vậy, thời gian tới Công an sẽ mở các cao điểm đấu tranh, trấn áp tội phạm; tập trung đấu tranh với tội phạm có tổ chức, tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, liên quan đến “tín dụng đen”, tội phạm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ để gây án, tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Thứ trưởng Lê Qúy Vương nhấn mạnh việc chủ động phát hiện, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm kinh tế, buôn lậu, tham nhũng, chức vụ; tội phạm về môi trường, ma túy, tội phạm sử dụng công nghệ cao; tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Tuyết Chinh
Nguồn: Cánh cò