Trang chủ Luận bàn - Phản biện Về chuyện Thực nghiệm điều tra trong vụ Đồng Tâm

Về chuyện Thực nghiệm điều tra trong vụ Đồng Tâm

179
0

Bài tham khảo của Thanh Nhan

Đôi điều về yêu cầu “thực nghiệm hiện trường” trong vụ án Đồng Tâm

Về chuyện Thực nghiệm điều tra trong vụ Đồng Tâm

1. Các báo đồng loạt đưa tin về việc Luật sư yêu cầu “thực nghiệm hiện trường”. Sử dụng khái niệm này là chưa chính xác. Khái niệm trong Luật là “thực nghiệm điều tra”. Thực nghiệm điều tra được quy định tại Điều 204, BL TTHS;

2. Thực nghiệm điều tra nhằm mục đích gì: Theo Điều 204, “Để kiểm tra, xác minh tài liệu, tình tiết có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án, Cơ quan điều tra có thể thực nghiệm điều tra…”.

3. Có bắt buộc phải thực nghiệm điều tra không: vẫn đoạn trích ở phần trên, quy định tại Điều 204 được hiểu là cơ quan điều tra CÓ THỂ thực nghiệm điều tra nếu xét thấy cần thiết để làm rõ các tài liệu, tình tiết của vụ án. Điều 204 và các điều khoản khác của BL TTHS không có quy định bắt buộc phải thực nghiệm điều tra;

4. Thẩm quyền quyết định thực nghiệm điều tra: ngoài quy định tại Khoản 1, Điều 204 về thẩm quyền thực nghiệm điều tra thuộc cơ quan điều tra, Khoản 4, Điều này quy định “Trường hợp cần thiết, Viện kiểm sát tiến hành thực nghiệm điều tra. Việc thực nghiệm điều tra được tiến hành theo quy định tại Điều này.”. Các cơ quan khác không có thẩm quyền tiến hành thực nghiệm điều tra. Trường hợp các đối tượng khác (luật sư, người bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ có liên quan, bị can, bị cáo…) muốn thực nghiệm điều tra thì phải đề nghị cơ quan điều tra hoặc viện kiểm sát tiến hành. Viện kiểm sát và cơ quan điều tra được quyền từ chối nếu xét thấy không cần thiết;

5. Việc thực nghiệm điều tra trong vụ án Đồng tâm là có cần thiết hay không: đây là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng, có án mạng xảy ra. Tuy nhiên, sự việc xảy ra với sự chứng kiến của nhiều người. Các hung thủ đều bị bắt quả tang. Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, lấy lời khai của bị can, nhân chứng và đã đủ căn cứ, cơ sở để kết luận về hành vi giết người và các hung thủ thực hiện hành vi giết người. Vì vậy, cơ quan điều tra xét thấy không cần thiết phải tiến hành thêm hoạt động thực nghiệm điều tra. Viện kiểm sát cũng xét thấy đã đủ căn cứ để kết luận nên không tiến hành thực nghiệm điều tra.

Với đề nghị của Luật sư tiến hành thực nghiệm điều tra, có một số vấn đề đặt ra như sau:

+ Ý kiến của Luật sư bào chữa về việc thực nghiệm điều tra tại phiên toà là không phù hợp. Bởi, thẩm quyền thực nghiệm điều tra thuộc về cơ quan điều tra và viện kiểm sát. Không thuộc về toà án. Vì vậy, nếu cho rằng cần thực nghiệm điều tra thì luật sư phải nêu ý kiến ở giai đoạn trước khi mở phiên toà chứ không phải đưa ra tại phiên toà. Dường như luật sư đưa ra chỉ nhằm mục đích kéo dài thời gian xét xử của vụ án chứ không phải là để làm rõ nội dung của vụ án;

+ Việc luật sư bảo vệ quyền lợi cho người bị hại đối đáp lại ý kiến này, tôi cho rằng cũng không cần thiết vì vấn đề thuộc trách nhiệm và thẩm quyền của cơ quan điều tra và viện kiểm sát;

+ Về lý do mà luật sư bảo vệ quyền lợi cho người bị hại đưa ra để phản đối ý kiến của luật sư bào chữa, tôi cho rằng dù không sai nhưng thiếu tỉnh táo, không khôn khéo, có thể do bị cuốn theo các nội dung tranh luận. Lý do để không tiến hành thực nghiệm điều tra chỉ cần nêu ra là: (1) Không cần thiết do đã đủ cơ sở để chứng minh hành vi phạm tội; (2) Khoản 1, Điều 204 nêu rõ “Nghiêm cấm việc thực nghiệm điều tra xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người tham gia thực nghiệm điều tra và người khác.”. Rõ ràng, việc tiến hành thực nghiệm điều tra trong vụ án này có nguy cơ rất lớn đe doạ tính mạng của những người đóng thế nạn nhân và những người tham gia thực nghiệm khác, đồng thời nguy cơ huỷ hoại tài sản là rất lớn.

Hiện, trên mạng xã hội đang lan truyền rất nhiều ý kiến về việc này. Đặc biệt, một số người mang danh luật sư, luật gia nhưng tuyên truyền theo hướng: bắt buộc phải thực nghiệm điều tra (họ gọi là thực nghiệm hiện trường); không thực nghiệm điều tra là cơ quan điều tra dấu diếm, không minh bạch; thậm chí, nhiều người còn xuyên tạc rằng không có người chết hoặc lý do chết không phải do bị phóng hoả bằng xăng… Đây là những luận điểm sai trái, đặc biệt là hiểu sai quy định của pháp luật. Thiết nghĩ, người làm luật cần thận trọng, khách quan và trung thực. Những phát ngôn sai trái, thiếu thận trọng cần phải bị phê phán và loại bỏ.

Hình ảnh: giếng trời nơi 3 cán bộ, chiến sỹ bị sát hại.

P/S. Điều 204 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về thực nghiệm điều tra như sau:

“1. Để kiểm tra, xác minh tài liệu, tình tiết có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án, Cơ quan điều tra có thể thực nghiệm điều tra bằng cách dựng lại hiện trường, diễn lại hành vi, tình huống hoặc những tình tiết khác của một sự việc nhất định và tiến hành các hoạt động thực nghiệm cần thiết. Khi thực nghiệm điều tra phải đo đạc, chụp ảnh, ghi hình, vẽ sơ đồ, ghi rõ kết quả thực nghiệm điều tra vào biên bản.

Nghiêm cấm việc thực nghiệm điều tra xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người tham gia thực nghiệm điều tra và người khác.

2. Trước khi tiến hành thực nghiệm điều tra, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết về thời gian và địa điểm tiến hành thực nghiệm điều tra. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc thực nghiệm điều tra. Nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì phải ghi rõ vào biên bản.

3. Điều tra viên chủ trì tiến hành thực nghiệm điều tra và việc thực nghiệm điều tra phải có người chứng kiến.

Khi tiến hành thực nghiệm điều tra, Cơ quan điều tra có thể mời người có chuyên môn tham gia. Trường hợp cần thiết, người bị tạm giữ, bị can, người bào chữa, bị hại, người làm chứng có thể tham gia.

4. Trường hợp cần thiết, Viện kiểm sát tiến hành thực nghiệm điều tra. Việc thực nghiệm điều tra được tiến hành theo quy định tại Điều này.”

Nguồn: Tre làng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây