“Đã là cán bộ cấp chiến lược phải có đạo đức cách mạng trong sáng, dĩ công vi thượng, trung thành với lý tưởng cách mạng của Đảng và Nhân dân, thực sự vì nước, vì dân. Cán bộ cấp chiến lược không được có biểu hiện gì dính dáng đến tham nhũng, lợi ích nhóm” – nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh nhấn mạnh.
Trong bài viết quan trọng với tiêu đề: “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ những phương hướng, nhiệm vụ của nhiệm kỳ Đại hội XIII và giai đoạn sắp tới. Trong đó, phải hết sức chú trọng xây dựng và làm trong sạch đội ngũ cán bộ, nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Cán bộ là “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt
Trao đổi với PV Dân Việt về việc này, dẫn lại câu nói “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”, TS Nguyễn Tiến Dĩnh – nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nói: “Vừa rồi Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng có bài viết chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sắp tới, trong đó rất coi trọng về công tác cán bộ. Từ trước tới nay vẫn luôn xác định cán bộ là “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”, quyết định tất thảy nên rất quan trọng do đó chúng ta phải làm, phải xây dựng cũng như lựa chọn được những người tài, có năng lực vào trong đại hội các cấp sắp tới”.
Theo ông Dĩnh, công tác chọn cán bộ là hết sức quan trọng và quyết định trong mọi vấn đề công việc. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh “đừng tưởng đỏ mà chín”, đừng chỉ thấy “cái mã bên ngoài, nó che đậy cái sơ sài bên trong”, luôn luôn nhắc nhở phải rà soát lại, phải chọn được những người tài, những người đủ năng lực, trong sạch, tránh đưa vào những trường hợp sau này có những vấn đề tiêu cực xảy ra. “Muốn vậy thì cần phải thực hiện 5 bước tổ chức cán bộ, mở rộng dân chủ hóa, lắng nghe những ý kiến đóng góp của nhân dân, của cán bộ đảng viên. Đối với nhận xét cán bộ, rà soát lại kiên quyết không đưa những người có vấn đề, phải kiểm tra, giám sát kỹ mới đưa vào. Cái đó là rất quan trọng” – ông Dĩnh nói.
Nguyễn Thứ trưởng Bộ Nội vụ phân tích, cán bộ cấp chiến lược được xác định từ cấp tỉnh lên T.Ư; cán bộ ngành. Trước yêu cầu của sự phát triển đất nước, đặc biệt trước thềm Đại hội XIII của Đảng, việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đặc biệt đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đáp ứng được yêu cầu là một nhiệm vụ rất lớn. Những cán bộ nguồn phải có đầy đủ các tiêu chuẩn, tiêu chí như trong các Quy định, Nghị quyết của Đảng đã nói rất rõ từ vấn đề đạo đức, lối sống, năng lực.
“Đã là cán bộ cấp chiến lược phải có đạo đức cách mạng trong sáng, dĩ công vi thượng, trung thành với lý tưởng cách mạng của Đảng và Nhân dân, thực sự vì nước, vì dân. Cán bộ cấp chiến lược không được có biểu hiện gì dính dáng đến tham nhũng, lợi ích nhóm. Bên cạnh đó, hiện nay chúng ta phải xây dựng Chính phủ số, xã hội số, kinh tế số,… cán bộ có năng lực là phải tiếp thu, vận dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ 4.0, am hiểu sâu sắc những vấn đề của thời đại, của quốc tế, nhận ra những thuận lợi, khó khăn một cách chủ động để suy nghĩ đường hướng cho đất nước, cho dân tộc mình. Nói chung ở trong tiêu chuẩn có cả” – TS. Nguyễn Tiến Dĩnh nhấn mạnh.
Chọn và bố trí cán bộ đúng năng lực, sở trường
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh nhấn mạnh: Công tác tổ chức cán bộ bao giờ cũng quyết định tất cả, nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Chọn và bố trí cán bộ đúng năng lực, sở trường theo từng lĩnh vực thì mới phát huy được, còn phân công nhiệm vụ không đúng năng lực, sở trường thì sẽ ảnh hưởng đến mọi vấn đề.
“Chúng ta phải rà soát, phát hiện, quy hoạch, đào tạo từ các cấp. Tức là, phải rà soát lại, phát hiện ra những cán bộ có năng lực để đào tạo, bồi dưỡng; phải phân công cán bộ vào những vị trí để đào tạo và bồi dưỡng dần, giao việc dần để đưa vào cấp ủy… đảo từ T.Ư về địa phương rồi địa phương lên T.Ư thông qua các vị trí khác nhau ở lĩnh vực khác nhau để rèn luyện, đào tạo; phải thử thách từ thực tiễn, nếu mà không đáp ứng được thì phải đào thải còn nếu trụ lại được, khẳng định được năng lực vị trí, vai trò thì được tiếp tục cho đại hội tới”.
Người làm công tác tổ chức phải có con mắt tinh tường
Liên quan tới công tác nhân sự trước thềm Đại hội Đảng XIII, PGS.TS Đào Duy Quát – nguyên Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tư tưởng Văn Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) cho rằng: Từ khoá XI, khoá XII, Đảng ta đã đưa ra một loạt các quy định, quy trình về công tác cán bộ, về lấy phiếu tín nhiệm, các quy định khác để ngày càng hoàn thiện hơn công tác cán bộ. Qua đó thẩm tra, sàng lọc, lựa chọn được cán bộ đủ tiêu chuẩn để giới thiệu.
Tuy nhiên, việc quan trọng là thực hiện những quy định này trong thực tiễn, tránh những sai lầm trong công tác cán bộ. Có tiêu chuẩn nhưng làm thế nào để nhận diện và sàng lọc được cán bộ thì đó mới là điều khó.
90 năm lịch sử và những lần quyết liệt “xây dựng chỉnh đốn Đảng””Nên công khai những người dự kiến đưa vào T.Ư để dân biết và giám sát”Để dân được tham gia nhiều hơn vào việc giới thiệu nhân sự Đại hội XIII
“Trước đây, các đại hội Đảng, chúng ta cũng thường đưa ra những tiêu chí, tiêu chuẩn, quy trình lựa chọn cán bộ nhưng tại sao vẫn để lọt những cán bộ đã từng mắc sai phạm vào T.Ư. Vừa rồi có gần 100 cán bộ, trong đó có cả cán bộ cấp cao, cấp chiến lược bị xử lý. Thực tế này nói lên một điều tại sao có nhiều tiêu chuẩn, tiêu chí nhưng vẫn để xảy ra sai phạm?” – PGS.TS Đào Duy Quát nói và nhấn mạnh: “Cho nên để ngăn chặn những người giàu bất thường, có biểu hiện vi phạm, những người có lợi ích nhóm… vào T.Ư, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng luôn coi trọng công tác nhân sự cho Đại hội Đảng lần thứ XIII sắp tới là rất đúng”.
PGS.TS Đào Duy Quát lưu ý, công tác cán bộ thực sự khó và nhạy cảm, đòi hỏi người làm công tác tổ chức phải có con mắt tinh tường, tổ chức phải dựa trên nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch trong việc lựa chọn người “đứng mũi chịu sào” có bản lĩnh chính trị, đủ phẩm chất đạo đức, năng lực, có uy tín. “Bản lĩnh chính trị, năng lực, đạo đức của cán bộ không phải chỉ qua trường lớp đào tạo là đủ mà cần phải được rèn luyện, cọ xát từ thực tiễn cơ sở, từ cấp thấp cho đến cấp cao” – ông Quát lưu ý.
Đề cập đến một số biểu hiện liên quan tới “chạy chức, chạy quyền”, ông Đào Duy Quát cho rằng, việc đánh giá, lựa chọn cán bộ phải được thực hiện một cách toàn diện để có thể chọn đúng cán bộ. Điều quan trọng nhất phải dựa vào dân, dựa vào các chi bộ và phải đánh giá qua hiệu quả công việc.
Đào tạo, huấn luyện cán bộ phải từ cơ sở
Ông Lê Quang Thưởng – nguyên Phó trưởng Thường trực Ban Tổ chức T.Ư cho hay: Về công tác nhân sự cho nhiệm kỳ mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhiều lần đề cập: Phải lựa chọn cho được những cán bộ vừa có phẩm chất đạo đức tốt, trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, vừa có trí tuệ, tầm nhìn, tư duy chiến lược, có cả đức và tài, trong đó lấy đức là gốc.
Thực tế những tiêu chuẩn đó không mới, nhưng để lựa chọn những nhân sự T.Ư đủ đức, đủ tài, xây dựng một Ban Chấp hành T.Ư khóa XIII thực sự trong sạch, đoàn kết thì không có con đường nào khác là phải công khai, dân chủ. Điều này phải được thực hiện từ đại hội cơ sở cho đến đại hội toàn quốc.
Muốn đào tạo được cán bộ thì phải làm tốt công tác quy hoạch cán bộ. Công tác quy hoạch cán bộ tốt sẽ chọn ra những người tài có đủ điều kiện, tiêu chuẩn rồi từ đó đào tạo, huấn luyện họ, cho họ xuống cơ sở để từ thực tế đó tiếp tục đánh giá sự cống hiến, tài năng, thực tiễn như thế nào, để từ đó có phương án tiếp theo. Việc giám sát quyền lực phải được thực hiện tốt hơn nữa để sớm phát hiện khi có dấu hiệu vi phạm cần kịp thời uốn nắn, chỉnh đốn ngay.
Minh Nhân/DV
Nguồn: Cánh cò