Tại buổi góp ý dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Xử lý vi phạm hành chính, các đại biểu tranh luận về việc có nên bổ sung biện pháp cưỡng chế thi hành xử phạt bằng cách cắt điện, nước hay không.
Sáng 11.9, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức hội thảo góp ý cho dự án luật sử đổi, bổ sung một số điều của luật Xử lý vi phạm hành chính (VPHC) nhằm chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. Hội thảo do bà Văn Thị Bạch Tuyết, Thành ủy viên, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, chủ trì.
Quy định cụ thể để tránh lạm quyền
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Văn Dũng, Chánh Thanh tra Sở VH-TT TP.HCM, cho hay ông đồng tình với phương án 2 tại điều 86 của dự thảo luật rằng nên bổ sung quy định biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC bằng cắt điện, nước, tuy nhiên, cơ quan chức năng cần quy định cụ thể để tránh tình trạng lạm quyền.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Cầu, đại diện Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết: “Biện pháp này chỉ được thực hiện tại địa điểm vi phạm và chỉ áp dụng đối với cá nhân, tổ chức bị xử phạt bằng hình thức tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn. Đồng thời, giới hạn việc áp dụng này trong hai lĩnh vực là xây dựng và bảo vệ môi trường”.
Bà Ung Thị Xuân Hương (Hội Luật gia TP.HCM) đề nghị quy định biện pháp này (cắt điện, nước – PV) được áp dụng đối với các hành vi VPHC chứ không chỉ áp dụng trong lĩnh vực xây dựng, bảo vệ môi trường vì tổ chức hay cá nhân khi đã bị xử phạt VPHC thì đều có nghĩa vụ, bình đẳng như nhau. Đồng thời, bà lưu ý cần có quy định chi tiết thi hành biện pháp này trong từng lĩnh vực.
Ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức liên quan
Tuy vậy, nhiều ý kiến khác cho rằng không nên bổ sung quy định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC này, là vì sẽ ảnh hưởng đến những cá nhân, tổ chức liên quan.
Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng không nên bổ sung biện pháp cắt điện, nước vì chính sách này chưa được đánh giá tác động mà lại ảnh hưởng lớn đến cá nhân, tổ chức khác có liên quan đến cá nhân, tổ chức vi phạm. Chẳng hạn, trong trường hợp nhiều công ty cũng đặt văn phòng tại một tòa nhà. Bên cạnh đó, việc cung cấp, sử dụng các dịch vụ điện, nước là quan hệ dân sự dựa trên thỏa thuận theo hợp đồng giữa tổ chức cung cấp dịch vụ và người sử dụng dịch vụ.
“Tuy nhiên, dự thảo chưa giải quyết được vấn đề này, nếu bổ sung quy định biện pháp này thì sẽ phải có thêm văn bản hướng dẫn thi hành, chứ chưa thể áp dụng ngay vào đời sống xã hội”, ông Trạch nói.
Thạc sĩ Nguyễn Nhật Khanh (giảng viên Trường đại học Luật TP.HCM) lưu ý những người liên quan bị ảnh hưởng sẽ khiếu nại, khởi kiện về quyết định cưỡng chế. “Phải tính đến yếu tố khả thi khi cá nhân, tổ chức vi phạm sau khi bị cưỡng chế ngừng cung cấp điện, nước vẫn có thể sử dụng các cách khác như câu điện, nước từ những người sử dụng điện nước khác; mua máy phát điện để tự phát điện…”, thạc sĩ Khanh nói.
Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng cần ban hành một nghị định riêng biệt để quy định về xử phạt VPHC liên quan đến việc tổ chức thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt.
PV/TN
Nguồn: Cánh cò