“Mọi công việc của Đảng và Nhà nước, luôn xác định dân là gốc”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định trong bài viết về những công việc cần làm với Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng.
Thực tế đã chứng minh rằng, người dân luôn là trung tâm, là chủ thể trong mọi biến động của lịch sử. 90 năm lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Việt Nam là quãng thời gian đủ để Đảng ta ý thức rõ nhất đâu là giá trị thực sự của một đảng cầm quyền và những việc cần phải làm để Đảng luôn xứng đáng là đảng cầm quyền.
Lòng dân chính là động lực
Nhắc lại khái niệm “Dân là gốc” trong thời điểm không còn bao lâu nữa, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 sẽ được khai mạc, chắc chắn Tổng bí thư, Chủ tịch nước đã ý thức được rằng, đây là một khái niệm không mới.
Có chăng, cái mới ở đây là mới ở cách nhìn nhận về vị trí của dân trong vai trò chủ thể tạo nên mọi thành quả của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng; là tinh thần hành động tất cả vì mục tiêu phục vụ nhân dân, lấy sự hài lòng, niềm tin tưởng của dân làm thước đo hiệu quả công tác lãnh đạo toàn diện sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam – một đảng do lãnh tụ Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, được nhiều thế hệ lãnh đạo kế tục, phát triển trong những điều kiện cụ thể, giành được nhiều thành quả to lớn.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thăm ao cá Bác Hồ ngày 1/9
Nhìn lại những kết quả đạt được 5 năm qua, có thể thấy, ngoài sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp uỷ Đảng trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội 12, giải quyết kịp thời, có hiệu quả nhiều vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn; sự quản lý, điều hành nhạy bén, quyết liệt của Chính phủ, chính quyền các cấp, sự nỗ lực đổi mới của Quốc hội… thì lòng dân chính là động lực, là hậu thuẫn vững chắc nhất cho những chủ trương, quyết sách lớn của Đảng.
Điều này thể hiện rõ nhất trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh do Tổng bí thư, Chủ tịch nước trực tiếp chỉ đạo.
Nhìn thẳng vào khuyết điểm để sửa mình
Nếu như Tổng bí thư, Chủ tịch nước từng phát biểu: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, thì người dân cũng có thể tự tin mà nói rằng: “Đã lâu lắm rồi, chưa bao giờ người dân quý Đảng, tin Đảng như bây giờ”.
Chưa bao giờ phải chứng kiến số lượng cán bộ đảng viên, đặc biệt là cán bộ cao cấp, cán bộ diện Trung ương quản lý bị kỷ luật, bị pháp luật trừng trị nhiều như nhiệm kỳ 12, người dân hiểu rằng, chả phải những nhiệm kỳ trước chúng ta không có những cán bộ hỏng, những con sâu trong hàng ngũ lãnh đạo, mà bởi chúng ta không làm. Hay nói chính xác hơn là chúng ta làm chưa thực sự.
Cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, làm trong sạch Đảng khi ấy còn nặng hô hào, hình thức mà thiếu sự quyết liệt cần thiết. Không biết từ bao giờ mà “còn nể nang, ngại va chạm” đã mặc nhiên được xem như một phần không thể thiếu trong các tiêu chí đánh giá, xếp loại đảng viên, bất luận là đảng viên bình thường hay đảng viên nắm giữ vị trí lãnh đạo. Điều ấy khác xa với lời tuyên bố “chống tham nhũng là không có vùng cấm” của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong nhiệm kỳ này.
Dám nhìn thẳng vào khuyết điểm để sửa mình. Đó là bản lĩnh của Đảng cầm quyền trong một xã hội mà người dân đã biết đâu là đúng, đâu là sai; đâu là chính, đâu là tà. Đó mới chính là cái người dân cần ở một đảng cầm quyền.
Nói điều này để thấy rằng, đã có lúc chúng ta chủ quan, tự mãn, xa dân. Đã có không ít cán bộ lãnh đạo tự cho mình cái quyền đứng trên dân mà thiếu quan tâm đến việc dân nghĩ gì. Vì thế, một số cán bộ có chức có quyền chỉ lo vun vén cho bản thân, gia đình và phe nhóm; mới có những ủy viên Trung ương, ủy viên Bộ Chính trị, tướng lĩnh bị ngã ngựa giữa chừng, bị khai trừ Đảng, bị cách chức, thậm chí phải tra tay vào còng, phải đứng trước vành móng ngựa.
Nỗi đau cần thiết để loại bỏ những ung nhọt
Đã có những mất mát không hề nhỏ. Đã có những nỗi đau như cứa vào da thịt, thậm chí là giận hờn, ân oán, khi phải chấp nhận loại ra khỏi hàng ngũ Đảng những người từng là đồng chí, đồng đội của mình. Nhưng đó là những nỗi đau cần thiết để loại bỏ những ung nhọt vì một cơ thể khỏe mạnh, vì một Đảng cầm quyền thực sự trong sạch xứng đáng với niềm tin của nhân dân. Đảng hiểu rằng, một khi Đảng hành động vì dân, dân sẽ luôn là lực lượng hậu thuẫn vững chắc cho Đảng.
Lễ thượng cờ tại quảng trường Ba Đình. Ảnh: Phạm Hải
Bài học của nhiệm kỳ này cũng chính là yêu cầu cấp thiết cho nhiệm kỳ tới. Đại hội Đảng là dịp để “Đảng ta đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa, tư tưởng và hành động đã nhất trí, càng nhất trí hơn nữa” (lời Chủ tịch Hồ Chí Minh), trong hành trình chèo lái con thuyền đất nước tiến lên thành một nước Việt Nam hùng cường. Nhắc lại những hạn chế đã qua để tìm ra hướng đi đúng cho chặng đường sắp tới luôn là ý chí, là bản lĩnh của người lãnh đạo.
Những nhiệm vụ, giải pháp mà Tổng bí thư, Chủ tịch nước nêu ra trong bài viết của mình trước thềm Đại hội đại biểu Đảng bộ các tỉnh, thành phố, tiến tới Đại hội toàn quốc vào đầu năm sau là những lời gan ruột của người chịu trách nhiệm cao nhất đối với định hướng phát triển của đất nước trong nhiệm kỳ tới và những nhiệm kỳ tiếp theo. Trong đó, “công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải được triển khai toàn diện, đồng bộ, thường xuyên cả về tư tưởng, chính trị, đạo đức, tổ chức và cán bộ; Phải hết sức chú trọng xây dựng và làm trong sạch đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo cao cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.
Củng cố vị trí trong lòng dân
Sinh ra từ nhân dân, Đảng lấy việc phục vụ nhân dân làm mục tiêu sống còn cho mình. Trong chiến tranh giải phóng dân tộc hay trong hòa bình, xây dựng đất nước, Đảng ý thức được rằng người dân cũng luôn là trung tâm, là chủ thể của tất cả công việc. Vì vậy, mọi chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước phải thực sự xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân; Đảng phải chăm lo đầy đủ và sâu sắc đời sống, lợi ích của nhân dân; gắn bó máu thịt với nhân dân; dựa vào nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Gần dân, hiểu dân, biết mình cần phải làm gì cho dân là cách để một đảng cầm quyền củng cố được vị trí của mình trong lòng dân; lấy sự hài lòng, niềm tin tưởng của dân làm thước đo hiệu qủa công tác lãnh đạo của Đảng cầm quyền. Đó chính là thông điệp mà Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng muốn nhắn đến toàn Đảng, toàn dân nhân dịp kỷ niệm Quốc khánh lần thứ 75, ngày mà đã là dân Việt Nam, ai cũng hiểu được giá trị thực sự của Độc lập, Tự do và Phẩm giá con người.
Lưu Hương (Vietnamnet)
Nguồn: Đấu trường Dân chủ