Về cơ bản, vấn đề chủ quyền của Việt Nam đã được phân định tương đối rõ ràng trong Công ước biên giới Pháp – Thanh được kí kết vào năm 1887. Theo đó, Việt Nam và Trung Quốc lấy kinh tuyến Paris 105°43’ làm căn cứ phân chia, phía Tây kinh tuyến đó thuộc chủ quyền Việt Nam, trong đó có đảo Bạch Long Vĩ. Còn phần phía Đông thuộc chủ quyền Trung Quốc. Còn riêng về Hoàng Sa và Trường Sa, lúc ấy mặc định thuộc về chủ quyền của Việt Nam dưới sự bảo hộ của Pháp. Một số học giả Trung Quốc vô lý tuyên bố rằng Trường Sa, Hoàng Sa nằm ở phía Tây kinh tuyến Paris 105°43’ vì thế, hai quần đảo này thuộc chủ quyền Trung Quốc. Tuy nhiên, công ước Pháp Thanh chỉ áp dụng với khu vực vịnh Bắc Bộ, còn phần Hoàng Sa và Trường Sa đã thuộc chủ quyền của Việt Nam từ trước đó và không nằm trong phạm vi phân chia.
Năm 1895, Công ước Pháp – Thanh được kí kết, bổ túc cho công ước 1887. Từ hai công ước đó, nhà Thanh – thực thể đại diện cho Trung Quốc đồng ý rằng địa giới hành chính của Trung Quốc chấm dứt tại đảo Hải Nam.
Có thể ít người biết, Trung Hoa Dân Quốc – hay giờ chúng ta quen gọi là Đài Loan, mới là chủ nhân “khai sinh” ra đường lưỡi bò. Vào đầu năm 1948, Trung Hoa Dân Quốc “tự nhiên” vẽ thêm mười một đoạn vào bản đồ địa giới hành chính Trung Quốc. Điều vô lý ở đây là trong tất cả các tấm bản đồ cổ từ trước đến giờ của Trung Quốc đều thể hiện đảo Hải Nam là khu vực cuối cùng thuộc chủ quyền Trung Quốc.
Điều gì khiến cho Trung Hoa Dân Quốc “ngộ nhận” về đường lưỡi bò?
Quay ngược lại về thời điểm Thế chiến thứ hại tại Việt Nam, vào tháng 3/1945, Nhật đánh bại Pháp, xóa bỏ mọi đặc quyền của Pháp trên đất Việt Nam và đặt Việt Nam dưới sự bảo trợ của Đế Quốc Nhật bằng việc đưa Bảo Đại lên làm “quốc trưởng”. Với việc thay đổi đó, các hiệp ước mà Pháp kí với nhà Thanh được Nhật Bản và chính quyền Đế Quốc Việt Nam kế thừa – trong đó có vấn đề vịnh Bắc Bộ – đảo Bạch Long Vĩ và các đảo trên Biển Đông.
Từ thời kỳ Đế Quốc Nhật Bản đến Thế chiến thứ hai, Nhật Bản đã tiến hành chiến tranh mở rộng ra khắp khu vực châu Á – Thái Bình Dương và chiếm được rất nhiều các hòn đảo. Trung Quốc là quốc gia bị “thiệt thòi” nhất khi hàng loạt các đảo trong biển Hoa Đông đều được “cắm cờ” Nhật Bản. Ngay cả khi hiệp ước San Francisco được kí kết, Nhật Bản chấp nhận bồi thường, và giao một số đảo cho các quốc gia thắng trận, thì Trung Quốc – mặc dù ở trong phe Đồng Minh, lại không tham gia. Tuy nhiên, phía Trung Hoa Dân Quốc và Nhật Bản vẫn liên tục đàm phán trong khoảng thời gian sau Thế chiến thứ hai, mục đích là đòi lại chủ quyền Đài Loan và một số vùng khác.
Trong thời gian đàm phán, vào năm 1948, Trung Hoa Dân Quốc tiến hành “vẽ” thêm đường lưỡi bò gồm mười một đoạn vào bản đồ hành chính của Trung Quốc đã bao gồm đảo Đài Loan và các khu vực lân cận. Phía Trung Hoa Dân Quốc đơn phương cho rằng Nhật là quốc gia kế thừa Pháp tại Việt Nam, vì thế, nếu chiếu theo Hiệp ước 1885, Trung Hoa Dân Quốc muốn phân chia lại khu vực vịnh Bắc Bộ, quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa. Tham vọng phân chia lại Biển Đông sẽ được đưa vào trong bản hòa ước được ký kết giữa Trung Hoa Dân Quốc và phía Nhật Bản.
Năm 1949, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập và vẫn giữ yêu sách mười một đoạn tại Biển Đông. Năm 1953, Phía Trung Quốc lúc này xóa đi hai đường tại vịnh Bắc Bộ, rút gọn lại còn chín đường. Năm 1955, Quân Giải phóng Nhân dânTrung Quốc tiến hành tấn công đảo Bạch Long Vĩ để dẹp tàn quân của Quốc dân đảng. Năm 1957, phía Trung Quốc bàn giao lại đảo Bạch Long Vĩ cho phía Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Từ thời điểm này, bản đồ lưỡi bò bao gồm mười một đường chính thức bị xóa bỏ.
Trước đó vào năm 1951, Thủ tướng của Quốc gia Việt Nam là Trần Văn Hữu tuyên bố Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Tuyên bố này được ghi vào biên bản của Hội nghị San Francisco và không có bất cứ một phái đoàn này phản đối. Cũng trong Hội nghị San Francisco, phía Trung Quốc có cơ sở đàm phán đưa Đài Loan và Bành Hồ trở về lãnh thổ Trung Quốc.
Bản đồ Trung Quốc trong sách “Đại Thanh đế quốc toàn đồ, Tuyên Thống nguyên niên (1908) chỉ đến đảo Hải Nam
Năm 1952, Hòa ước Trung – Nhật được kí kết giữa phía Trung Hoa Dân Quốc và Nhật Bản. Trong đó, Nhật tuyên bố từ bỏ mọi quyền lợi tại Trường Sa và Hoàng Sa. Nhưng đó là một hòa ước phi lý, vì Nhật Bản đã thua trận và tuân theo Hiệp ước San Francisco trước đó. Như đã nói ở trên, thì Hiệp ước San Francisco thừa nhận Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Trong khi đó, Trung Hoa Dân Quốc đã không còn là đại diện của phía Trung Quốc nữa.
Năm 1958, Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi Công hàm đồng ý với chủ quyền Trung Quốc về hải phận 12 hải lý. Chính từ công hàm này, Trung Quốc cho rằng phía Việt Nam đồng ý với chủ quyền của Trung Quốc tại Trường Sa và Hoàng Sa. Nhưng hài hước thay, bấy giờ, Trung Quốc không có căn cứ nào để xác định Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Trung Quốc, bên cạnh đó, hai quần đảo này được phía Việt Nam Cộng Hòa tiếp quản và bảo vệ.
Từ năm 1956 đến năm 1974, phía “quân lực hạng tư” liên tục để mất các đảo vào tay của ngoại quốc. Tình trạng “chia chác” xảy ra mà phía Việt Nam Cộng Hòa không hề mảy may phản ứng. Năm 1956, Việt Nam Cộng Hòa để Trung Quốc chiếm phía Đông Hoàng Sa rất dễ dàng, cùng năm đó, Ngô Đình Diệm ra lệnh quân đội Việt Nam “rút lui chiến thuật” và nhường hòn đảo lớn nhất Trường Sa là Ba Bình cho Đài Loan. Năm 1970, phía Việt Nam Cộng Hòa “vì lịch sự” đã nhìn phía Philippines – vốn có lực lượng hải quân vô cùng yếu ớt chiếm giữa Song Tử Đông, Thị Tứ… Tính trong năm đó, Việt Nam Cộng Hòa đã bị mất ⅘ đảo lớn nhất Trường Sa về tay “nước bạn”. Năm 1971, Malaysia cũng “vào hùa” và chiếm thêm vài đảo nữa. Và cũng thêm một lần nữa, phía Việt Nam Cộng Hòa “sao lại lặng im đến thế”.
Năm 1974, phía Trung Quốc xua quân chiếm trọn quần đảo Hoàng Sa. Năm 1988, phía Trung Quốc tiến quân ra Trường Sa, chiếm đóng trái phép Gạc Ma.
Tuy nhiên, tính đến tháng 10/2019, theo CSIS, Việt Nam đã có 33 điểm đóng quân trải rộng khắp 21 thực thể tại Trường Sa. Trong số 21 thực thể đó, chỉ có 10 thực thể có thể được gọi là đảo nhỏ (đảo nổi), trong khi phần còn lại chủ yếu là các rặng đá và bãi đá dưới nước.
(*) Đường lưỡi bò có mấy đoạn? Chín đoạn? Mười đoạn? Hay là bao nhiêu đoạn?
Với đa phần chúng ta, đường lưỡi bò thường bao gồm chín đoạn. Chín đoạn ấy bao gồm ba đoạn nằm sát với bờ biển Việt Nam, đường thứ nhất nằm ở vùng biển Đà Nẵng – Quảng Nam, đường thứ hai nằm ở vùng biển Phú Yên – Khánh Hòa, đường thứ ba nằm rìa lục địa phía Nam và cách Côn Đảo khoảng hơn 300km về phía Đông. Và chín đoạn ấy bao quanh khoảng 75% diện tích Biển Đông, Hoàng Sa và Trường Sa của chúng ta “nằm trọn” trong đó.
Vậy thì đường mười đoạn? Có hay không và một đoạn nữa ở đâu?
Câu trả lời là có và một đoạn nữa vươn lên tận phía Bắc của đảo Đài Loan và chìa thẳng vào quần đảo Điếu Ngư – mà ở Nhật gọi là Senkaku nằm ở trên biển Hoa Đông. Cần biết rằng, Trung Quốc và Nhật Bản cũng đang có những tranh chấp xung quanh quần đảo Điếu Ngư – Senkaku. Và yêu sách đường mười đoạn thường được Trung Quốc dùng để tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông cộng thêm cả khu vực đảo Đài Loan và quần đảo Senkaku. Thường thì bản đồ đường mười đoạn ít được sử dụng hơn.
Chính Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền với Hoàng Sa và Trường Sa. Trung Quốc không muốn rơi vào tình trạng “một quốc gia, hai tuyên bố”, vì thế, giới chức Trung Quốc nhất thống sử dụng bản đồ đường chín đoạn để nói riêng về chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông.
Dù chín đoạn, mười đoạn hay bao nhiêu đoạn, thì những yêu sách của Trung Quốc, Đài Loan hay bất cứ quốc gia và vùng lãnh thổ nào tại Biển Đông đều là vô nghĩa. Tại sao lại vô nghĩa:
Một là các quốc gia, vùng lãnh thổ khác không hề có bất cứ bằng chính lịch sử nào cho thấy họ đã khai phá Hoàng Sa và Trường Sa từ xưa đến nay.
Hai là các quốc gia, vùng lãnh thổ khác bất chấp luật pháp quốc tế, tiến hành chiếm đóng trái phép một số khu vực tại Trường Sa và toàn bộ Hoàng Sa.
Ba là các văn kiện quôc tế, bao gồm cả các hiệp ước, công ước, được kí kết song phương hay đa phương, đều chứng minh chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam với Trường Sa và Hoàng Sa.
Bốn là Việt Nam có đầy đủ mọi căn cứ, từ lịch sử đến luật quốc tế, để xác minh và thừa nhận Hoàng Sa và Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam.
Đặng Văn Thành
Nguồn: Nghệ An thời báo