Khi thảo luận về chiến lược phát triển kinh tế, xã hội trong Dự thảo văn kiện Đại hội XIII, các nhà lý luận, hoạch định chính sách và chuyên gia đều cho rằng, để thực hiện được mục tiêu trở thành nước phát triển, công nghiệp hiện đại thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 cần khơi dậy được hoài bão, khát vọng dân tộc, tạo thành động lực thường trực để mỗi cá nhân nỗ lực phấn đấu vì sự thịnh vượng, phồn vinh của đất nước.
Khơi dậy khát vọng phát triển
Đại hội Đảng XIII là một sự kiện chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Không chỉ bầu ra Ban Chấp hành Trung ương khóa mới, Đại hội còn có nhiệm vụ thảo luận, đề ra chiến lược phát triển đất nước giai đoạn 2021- 2025 và tầm nhìn hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng (3/2/2030) và 100 năm Ngày thành lập nước (2/9/2045).
Theo ông Phùng Hữu Phú, Phó chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, trong chủ đề Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng cũng nhấn mạnh đến việc phát huy ý chí, khát vọng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại đẩy mạnh đổi mới sáng tạo phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Với tầm nhìn xa và rộng, dự thảo cũng đề ra 2 phương án phát triển hướng đến các mốc lịch sử. Theo đó, mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao; hoặc trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, thành nước phát triển, có thu nhập cao hoặc trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập cao.
Để đạt được mục tiêu này, ông Phú cho rằng cần khơi dậy, phát huy được ý chí tự lực tự cường và khát vọng vươn lên của cả nước. “Khát vọng dân tộc, khát vọng phát triển có sức mạnh ghê gớm lắm. Ta nhớ thời chiến tranh, khát vọng không có gì quý hơn độc lập tự do đã khiến người phụ nữ 55kg, vác khối lượng vũ khí gấp rưỡi mình. Khát vọng là động lực ghê gớm, thực sự. Chúng ta thắng Pháp, Mỹ đâu phải bằng vũ khí, chúng ta thua xa nhưng ta vượt trội chính là vì khát vọng độc lập, tự do”, ông Phú cho hay.
Là thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, ông Bùi Đức Thụ, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho rằng, mục tiêu như Dự thảo văn kiện đề ra là đủ lớn nhằm tạo động lực để kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững. Đây cũng là mục tiêu để khơi dậy khát vọng của dân tộc, nhân dân; khát vọng phát triển vào tốp đầu, sánh vai cùng các cường quốc trên thế giới. “Ai cũng phải mang dòng máu nóng, thôi thúc không thể bằng lòng, tự mãn với những thành công mình đã đạt được trong thời gian qua mà cần phải nỗ lực, khát vọng cao hơn nữa”, ông Thụ chia sẻ.
Tạo làn sóng đổi mới toàn diện thứ hai
Khơi dậy khát vọng phát triển là điều cần thiết, song như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhấn mạnh, “khát vọng đó không nằm trong phòng họp mà chính là hành động trong cuộc sống”. Từ thực tiễn của quá trình hơn 35 năm đổi mới kinh tế, ông Thụ cho rằng đã đến lúc cần có làn sóng đổi mới toàn diện thứ hai như thời kỳ năm 1986. Trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ, làm thay đổi các cung cách quản lý, ông Thụ cho rằng, không thể cải cách chắp vá từng bộ phận mà phải nghiên cứu, tổng kết và thực hiện đổi mới lần 2 một cách toàn diện căn cơ hơn. Chỉ có như thế mới khơi dậy những động lực lớn hơn, toàn diện và hiệu quả hơn trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Đi vào những chiến lược phát triển cụ thể, theo ông Thụ cần tập trung cả về nguồn lực và chính sách để vươn ra biển, làm giàu từ biển. “Chúng ta có lợi thế rất lớn từ biển, song lại chưa phát huy được tiềm năng cả về du lịch lẫn nuôi trồng, đánh bắt hải sản. Do đó, trên cơ sở Nghị quyết số 36 của Trung ương về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, các cơ quan chức năng cần ban hành các chính sách để thúc đẩy phát triển du lịch, khai thác dầu khí, cảng biển, phát triển nuôi trồng và khai thác hải sản một cách mạnh mẽ và bền vững hơn”, ông Thụ nói.
Ngoài ra, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, ông Thụ lưu ý cần phải đột phá trong việc áp dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng và năng suất lao động. Hiện Việt Nam có nguồn nhân lực rất năng động, sáng tạo, yêu nước và cần cù, chịu khó, ham học hỏi. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực và trên thế giới thì năng suất lao động của Việt Nam còn thấp. Vì thế cần có cơ chế, thể chế đột phá để phát huy lợi thế về nguồn lực lao động.
Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức T.Ư cũng cho rằng, nguồn lực quan trọng nhất chính là con người Việt Nam năng động, sáng tạo đầy khát vọng. Con người làm ra thể chế, làm ra hạ tầng. Xây dựng Đảng là then chốt thì công tác cán bộ là then chốt của then chốt. Chính đội ngũ cán bộ quyết định sự thành bại của cách mạng.
Vậy nên điều quan trọng là làm thế nào để khơi dậy ý chí, khơi dậy khát vọng của đội ngũ cán bộ, khơi dậy hết tiềm năng của 100 triệu dân Việt Nam. “Nếu chúng ta làm được điều đó thì mục tiêu đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao hoàn toàn có thể thực hiện được”, ông Hà bày tỏ.
Trong bài viết “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nhằm khai thông, giải phóng tối đa, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, tạo động lực mới đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững” mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, nguồn lực con người chỉ phát huy đầy đủ khi tác động trúng lợi ích và khơi dậy được hoài bão, khát vọng dân tộc, tạo thành động lực thường trực để mỗi cá nhân nỗ lực phấn đấu vì sự thịnh vượng, phồn vinh của đất nước và khẳng định danh dự bản thân.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng xây dựng khát vọng phát triển phải bằng những cơ chế, chính sách cụ thể, rõ ràng, bảo đảm quyền bình đẳng về cơ hội phát triển giữa các thành viên trong xã hội, làm cho người hiền tài thật sự được trọng dụng, tôn vinh; xóa bỏ mọi định kiến xã hội hoặc chủ nghĩa bình quân cản trở trọng dụng nhân tài.
Mục tiêu phát phát triển:
Phương án 1:
– Đến năm 2025: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, thu nhập trung bình cao.
– Đến năm 2030: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao.
– Đến năm 2045: Trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.
Phương án 2:
– Đến năm 2025: Cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập trung bình cao.
– Đến năm 2030: Trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao.
– Đến năm 2045: Trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập cao.
(Trích báo cáo những điểm mới trong Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng do ông Phùng Hữu Phú giới thiệu tại Hội nghị báo cáo viên do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức ngày 10/6).
Văn Kiên/ TPO
Nguồn: Cánh cò