Tuyên ngôn về chủ quyền đất nước “Nam quốc sơn hà” ngàn năm trước đã được các thế hệ người Việt tiếp nối, “sắt son lời thề giữ biển”.
Biển, đảo Việt Nam là một bộ phận cấu thành lãnh thổ quốc gia, là không gian sinh tồn bao đời của dân tộc Việt Nam, là địa bàn chiến lược về quốc phòng, an ninh, tuyến phòng thủ hướng Đông của đất nước, gắn bó mật thiết với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Kế thừa và phát triển ý thức giữ gìn chủ quyền biển, đảo của ông cha trong lịch sử dựng nước và giữ nước, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách huy động sức mạnh tổng hợp để bảo vệ chủ quyền quốc gia, phát triển kinh tế biển. Tuyên ngôn về chủ quyền đất nước “Nam quốc sơn hà” ngàn năm trước đã được các thế hệ người Việt tiếp nối, “sắt son lời thề giữ biển”.
Bình yên vùng biển đảo Tây Nam (Ảnh: KT)
Cội nguồn dân tộc biển
Biển, đảo Việt Nam không chỉ trải suốt dọc chiều dài đất nước hàng ngàn cây số bờ biển, với hàng ngàn hòn đảo từ Bắc vào Nam, mà ở sâu trong tiềm thức người Việt gắn với truyền thuyết về cội nguồn dân tộc và văn hóa biển đặc sắc.
Truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ, từ bọc trăm trứng sinh ra trăm người con, 50 người con lên rừng, 50 người con xuống biển lập nghiệp đã cho thấy, từ xa xưa, tổ tiên ta không chỉ sinh sống trên đất liền mà còn gắn bó với biển khơi. Những truyền thuyết khác về Chử Đồng Tử, Mai An Tiêm… phản ánh người Việt cổ đã chú ý tới khai thác nguồn lợi từ biển.
Nhà sử học Dương Trung Quốc
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Lịch sử Việt Nam: Đó là tư duy sơ khai nhất về quá trình chinh phục biển của người Việt cổ. Ẩn chứa trong những câu chuyện là bài học về nghị lực, trí sáng tạo của tổ tiên ta trong công cuộc chinh phục, khai phá biển, đảo. Bên cạnh đất liền với câu chuyện Sơn Tinh, Thủy Tinh đấu tranh để chế ngự thiên nhiên, thì ra ngoài hoang đảo, con người Việt Nam vẫn có sức sống mang lại sự giàu có, sự trù phú ở biển đảo. Điều đó thể hiện rằng ý thức của người Việt Nam đối với đảo có từ rất sớm, nó đã gắn kết với câu chuyện quen biết nhất của chúng ta về truyền thuyết về dân tộc mình”.
GS.TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết: Nguồn sử liệu văn hóa vật chất tìm thấy qua các cuộc khai quật khảo cổ học rất phong phú được phát hiện trong đời sống người Hạ Long, người Hoa Lộc, người Bàu Tró cách đây hàng nghìn năm… đã khẳng định yếu tố văn hóa biển trong đời sống cư dân Việt xa xưa. Bằng những các di chỉ văn hóa của chúng ta xác định rằng người Việt cổ đã hiện diện ở các vùng biển, trong các hang động ở Cát Bà, trong các di chỉ bãi biển như ở Cái Bèo, Sa Huỳnh (miền Trung) cũng như ở Óc Eo…. để nói rằng người Việt không chỉ ra khai thác, chinh phục biển mà còn để lại một nền văn minh biển cả của người Việt từ rất sớm.
GS-TS Nguyễn Chu Hồi
Các thế hệ người Việt đã xây dựng và vun đắp lên một nền văn hóa biển đặc sắc Việt Nam, từ phong tục tập quán, những tri thức, kinh nghiệm, đã đời đời ngấm vào máu thịt người dân, trở thành ca dao, tục ngữ. “Thuận vợ, thuận chồng Biển Đông tát cạn/Thuận bè, thuận bạn, tát cạn Biển Đông”.
Chứng cứ lịch sử khẳng định: biển, đảo là máu thịt Tổ quốc Việt Nam
Tất cả các điều kiện tự nhiên như thềm lục địa, các sinh vật thủy hải sản đều khách quan khẳng định chủ quyền Việt Nam trên biển khơi, trong đó có quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa. Quan trọng nhất là các bằng chứng lịch sử của Việt Nam, của quốc tế đã chứng minh điều đó.
Theo “Toàn tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư” do Đỗ Bá sưu tầm, biên soạn và hoàn thành năm 1686, bản đồ Việt Nam đã gọi hai quần đảo Trường Sa-Hoàng Sa bằng cái tên chung là Bãi Cát Vàng và ghi nó vào địa hạt huyện Bình Sơn, phủ Quảng Nghĩa. Trong lời chú giải bên trên bản đồ có ghi rõ: “… Giữa biển có một dải cát dài, gọi là Bãi Cát Vàng, dài độ 400 dặm, rộng 20 dặm, đứng dựng giữa biển, …”.
Chứng cứ kế tiếp xác lập rõ ràng hơn nữa chủ quyền của Việt Nam là bộ sách Phủ Biên tạp lục, cuốn sách của nhà bác học Lê Quý Đôn viết về lịch sử, địa lý, hành chính xứ Đàng Trong dưới thời chúa Nguyễn (1558-1775).
Lê Quý Đôn viết: “Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng ba nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn sáu tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền tiểu câu ra biển 3 ngày 3 đêm thì đến các đảo ấy rồi ở lại đó. …
Tái hiện lễ khao lề thế lính Hoàng Sa của ngư dân Lý Sơn
Trước khi giong buồm vượt biển Đông, các thành viên của hải đội Hoàng Sa được gia đình, họ tộc làm lễ “tế sống”, gọi là Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Lễ này thường diễn ra vào tháng 3 âm lịch hằng năm. Mỗi người lính được tạc một hình nhân để thế mạng và chôn vào các ngôi mộ gió (hay mộ chiêu hồn), bởi chuyến đi của họ khó có ngày về. Ở đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi ngày nay, hầu như đi đến đâu cũng bắt gặp vô vàn những ngôi mộ này.
Trong căn phòng chỉ vài chục mét vuông ở làng An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, các cổ vật được ông Phạm Thoại Tuyền – hậu duệ đời thứ 5 của ông Phạm Hữu Nhật, một trong những vị Chánh cai đội nổi tiếng trong đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải năm xưa – sưu tập, có rất nhiều tư liệu quý chứng minh chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa.
“Nhiều gia tộc Lý Sơn có lưu giữ được cái văn bản, cái lệnh điều mấy vị đi ra Hoàng Sa, Trường Sa. Gia đình tôi có giữ lại tất cả sắc phong Vua ban ghi ơn lại những người đi ra Hoàng Sa. Những văn tế, những bài vị của các dòng tộc đó là những tư liệu rất cụ thể, chứng minh Hoàng Sa là của Việt Nam”. Ông Phạm Thoại Tuyền khẳng định.
Một vùng biển chiến lược, quan trọng, chiếm đến gần 1/3 diện tích Biển Đông của Việt Nam là vùng biển Tây Nam của Tổ quốc, rộng khoảng 300.000 km2 được giới hạn bởi bờ biển 4 nước: Thái Lan, Việt Nam, Malaysia và Campuchia, có đến 150 hòn đảo lớn nhỏ.
Những ghi chép và những kết quả nghiên cứu lịch sử đã được công nhận cho thấy, vùng đất Hà Tiên bao gồm cả vùng biển, đảo Tây Nam (thuộc các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau và một phần các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu ngày nay) do một thương nhân Trung Quốc tên là Mạc Cửu khai phá. Năm 1708, Mạc Cửu dâng vùng đất này lên cho chúa Nguyễn. Từ năm 1820, Vua Minh Mạng cho khai phá các đảo và di dân đến đó.
Năm 1858, Pháp bắt đầu đánh chiếm Việt Nam, Việt Nam phải ký Hiệp ước nhường cho Pháp 6 tỉnh Nam Kỳ, trong đó có Hà Tiên và các đảo thuộc tỉnh này. Đến năm 1939, Chính quyền Pháp vạch ra đường Brévié phân chia quản lý hành chính và cảnh sát giữa 2 nước Việt Nam – Campuchia. Như vậy, có thể nói rằng, từ thế kỷ VXIII đến năm 1939, toàn bộ các đảo giữa Việt Nam và Campuchia đều thuộc chủ quyền Việt Nam. Chỉ từ sau năm 1939, theo quyết định của chính quyền đô hộ, Campuchia mới quản lý các đảo phía Bắc đường Brévié.
Với những lầm tưởng về chủ quyền, một số nhóm người Campuchia cực đoan đã có những hành động làm phức tạp tình hình, gây mất an ninh tại vùng biển này. “Trước đây, mỗi lần đi biển câu mực, tàu của ông hay gặp tàu lạ có trang bị vũ khí và thường bị cướp hết đồ ngư lưới cụ và sản phẩm khai thác được, nhiều khi tàu lạ còn xuống đến gần đảo Thổ Chu”. Ngư dân Nguyễn Quang Viên, thị trấn An Thới, huyện đảo Phú Quốc làm nghề khai thác mực trên vùng biển Tây Nam đã hơn 40 năm nhớ lại.
Đảo Thổ Chu
Đảo Thổ Chu mà ông Viên vừa nhắc tới đã từng bị Khmer Đỏ đánh chiếm tháng 5/1975. Quân ta ngay lập tức tiến công giành lại đảo. Để giúp nhân dân Campuchia ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng và nhằm đập tan âm mưu xuyên tạc của các thế lực thù địch về vấn đề biên giới, lãnh thổ giữa Việt Nam – Campuchia, ngày 7/7/1982, Hiệp định Vùng nước lịch sử của nước CHXHCN Việt Nam và nước CHND Campuchia đã được ký kết.
TS luật Trần Công Trục
Tiến sĩ luật Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Ban Biên giới của Chính phủ cho rằng, các nội dung của Hiệp định đã đặt nền móng cho sự ổn định, hòa bình và phát triển của vùng biển Tây Nam: Hiệp định này khi ra đời có ý nghĩa rất lớn, giúp cho vấn đề tranh chấp tồn tại khá lâu dài trong lịch sử được giải quyết một phần nào. Trong đó có vấn đề chúng ta thừa nhận, nâng con đường Brevie, đường phân chia chủ quyền cho đảo có tính đến tất cả các yếu tố như vị trí, địa lý, lịch sử và quá trình quản lý. Như vậy, chúng ta đã giải quyết một vấn đề hết sức lớn, đáp ứng được nguyên tắc pháp lý quốc tế cũng như ý chí và nguyện vọng giữa nhân dân 2 nước.
Ở phía Bắc, vùng biển Vịnh Bắc Bộ cũng đã được hai nước Việt Nam – Trung Quốc ký kết Hiệp định Phân định vịnh Bắc Bộ và Hiệp định Hợp tác nghề cá Việt Nam – Trung Quốc năm 2000, có hiệu lực năm 2004 nhằm xác định rõ ranh giới vùng biển trong vịnh Bắc Bộ và tạo khuôn khổ pháp lý quốc tế rõ ràng, thuận lợi cho mỗi nước tiến hành bảo vệ, quản lý, sử dụng, khai thác tài nguyên, phát triển kinh tế ở các vùng biển ven bờ và thềm lục địa của mình. Theo đó, hai Bên thiết lập một Vùng đánh cá chung rộng 33.500 km2 và có phạm vi từ vĩ tuyến 20 trở xuống đến đường đóng cửa Vịnh, cách đường phân định 30,5 hải lý về mỗi phía.
Biển, đảo luôn khắc sâu trong tâm thức người Việt
Trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là những ngư dân bao đời gắn bó với nghề biển, những vùng biển như Vịnh Bắc Bộ, Hoàng Sa, Trường Sa, biển Tây Nam… là ngư trường truyền thống, là chốn mưu sinh, là máu thịt không thể tách rời của đất mẹ Việt Nam.
Đảo Lý Sơn
Ngư dân Nguyễn Lợi, xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi chia sẻ: Đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, cho nên dù khó khăn gì thì tôi vẫn đi, cương quyết đi vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tôi vươn khơi bám biển để cho con cháu sau này nó vươn theo mình.
Ngư dân Nguyễn Ngọc Khánh ở Phú Yên bày tỏ: Chúng tôi làm biển rất lâu đời, nay còn là trách nhiệm, rất vinh dự góp phần đảm bảo, giữ biển đảo quê hương đất nước của chúng ta.
Ngư dân Ngô Văn Ân ở Khánh Hòa khẳng định: Trách nhiệm của con cháu là người bảo vệ truyền thống của cha ông, cha đi biển thì con cũng đi biển. Vừa phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình và quê hương, vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo nước ta.
Còn ngư dân Trần Văn Hạnh ở Bình Định cho biết: Mỗi khi vươn khơi, chúng tôi luôn treo lá cờ tổ quốc trên nóc tàu. Chúng tôi cảm thấy rất vinh dự và tự hào. Có lá cờ như thế chúng tôi không lo gì cả, chúng tôi đi đâu là có tổ quốc đi đến đó.
Đối với ngư dân cũng như những người dân Việt Nam, biển, đảo là phần hương hỏa mà cha ông để lại, là chốn đi về thân thuộc của bà con hàng trăm năm qua. Phần đất thiêng ấy sẽ mãi mãi được bảo vệ, giữ gìn và truyền lại cho con cháu muôn đời sau.
Tuy vậy, biển, đảo không phải lúc nào cũng yên bình. Thời gian gần đây, tình hình biển Đông ngày càng diễn biến phức tạp, nhất là những hành động xâm phạm đến chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên biển của Việt Nam.
Với mỗi người dân Việt Nam, chủ quyền và sự vẹn toàn lãnh thổ quốc gia là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Vì thế, quân và dân ta luôn trong tâm thế sẵn sàng đứng lên đấu tranh, không quản ngại hy sinh để giữ bình yên cho biển đảo, bảo vệ biên cương tổ quốc.
Nội dung này, VOV tiếp tục đề cập trong bài 2 của Loạt bài: “Sắt son lời thề giữ biển” với nhan đề: “Biển động, lòng người dậy sóng”./.
Nguồn: VOV.vn