Đến bây giờ, mạng xã hội vẫn xuất hiện nhiều thông tin liên quan đến việc ông Nguyễn Đức Chung bị bắt. Phạm Minh Vũ là kẻ thường xuyên đăng đàn viết về vụ bắt giữ hình sự này. Trong bài viết gần đây, hắn ta cho rằng: “ông Chung là phe yếu thế trong trò chơi chính trị mà Đại hội 13 sắp diễn ra, việc bắt giữ thực chất là thanh trừng phe phái, do phe Nghệ-Tĩnh làm”, sau đó thòng vào một câu kết luận xanh rờn “nguyên tắc làm lãnh đạo ở Việt Nam là phải sai phạm, càng làm to càng phải làm sai phạm lớn”.
Xin nhắc lại một lần nữa, vụ khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Đức Chung là kết quả của cả một quá trình điều tra, truy tìm chứng cứ của các cơ quan chức năng kể từ khi vụ án Nhật Cường được Ban Chỉ đạo chống tham nhũng đưa vào diện theo dõi hồi cuối năm 2019. Khởi tố, bắt tạm giam là có cơ sở bằng chứng hẳn hoi, có tội danh dựa trên Luật Hình sự rõ ràng. Vậy mà qua một số bài viết, Phạm Minh Vũ và các thành phần chống phá đã nhồi nhét vào đấy một cơ số thuyết âm mưu, nào là “trò chơi chính trị trước Đại hội 13”, “thanh trừng phe phái”, “tranh giành quyền lực”,…
Tinh ý thì rất dễ nhận ra một điều rằng, bất kỳ một vụ khởi tố, bắt tạm giam lãnh đạo cấp cao nào thì các đối tượng chống phá đều mặc định gán ghép, đó là “thanh trừng phe phái”, “tranh giành quyền lực”. Nhưng sao không chịu nhìn vào thực tế xem bao nhiêu năm qua chúng ta đã kỷ luật bao nhiêu cán bộ, đảng viên. Đó có phải là “thanh trừng phe phái” hay không? Theo thông tin được biết, từ năm 2016 đến nay, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã triển khai thực hiện rất kỹ lưỡng công tác phòng chống tham nhũng và công tác cán bộ từ Trung ương đến địa phương. Tới nay, đã thi hành kỷ luật 1.111 tổ chức Đảng, 18.265 cấp ủy viên các cấp và 54.573 đảng viên. Trong đó, Ban Chấp hành TƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật 8 tổ chức Đảng, 45 đảng viên; Ủy ban Kiểm tra TƯ thi hành kỷ luật 111 đảng viên. Trong số đảng viên bị kỷ luật, có 92 cán bộ thuộc diện TƯ quản lý, gồm 2 ủy viên Bộ Chính trị, 21 ủy viên và nguyên ủy viên TƯ Đảng, 38 sỹ quan trong lực lượng công an, quân đội (cấp tướng là 23 người).
Chủ trì phiên họp thứ 15 và 16 của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Dứt khoát không có chuyện dừng lại hay ngập ngừng, tư tưởng này phải quán triệt thật sâu sắc. Toàn Đảng, toàn dân phải quyết tâm. Đây là yêu cầu của cách mạng, yêu cầu của nhân dân, mong muốn của Đảng ta, của dân ta. Phải khẳng định quyết tâm ấy, trong chúng ta, nếu ai có dao động thì tự giác báo cáo để xin thôi. Phải quyết tâm như thế và truyền tinh thần này xuống bên dưới”. Hầu như người dân Việt Nam nào cũng nhận ra những cán bộ, lãnh đạo, đảng viên bị kỷ luật thời gian qua, đó là kết quả của công cuộc phòng chống tham nhũng và công tác cán bộ nghiêm khắc, đúng với tinh thần “không vùng cấm, không có ngoại lệ”. Và điều quan trọng, nếu các cơ quan chống tham nhũng không có quyết tâm chính trị, không giữ vững được sự kiên định thì công cuộc làm trong sạch Đảng, trong sạch bộ máy nhà Nước sẽ không có được kết quả như ngày hôm nay.
Thực tế bây giờ, những ai đang đứng trong bóng tối, những ai tay đã chót “nhúng chàm” thì sớm muộn cũng chịu chung số phận như ông Nguyễn Đức Chung mà thôi. Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Phan Xuân Sơn thuộc Viện Chính trị học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: “Để đánh giá có phe phái hay không thì cứ nhìn vào lòng tin của nhân dân là thấy”. Vậy chúng ta có thấy người dân Việt Nam chân chính nào phản đối việc xử lý cán bộ, lãnh đạo tham nhũng hay sai phạm chưa? Có chăng chỉ toàn luận điệu áp đặt, duy ý chí, đầy rẫy dã tâm chính trị đen tối của những thành phần chống phá mà thôi.
Về luận điệu “nguyên tắc làm lãnh đạo ở Việt Nam là phải sai phạm, càng làm to càng phải làm sai phạm lớn” của Phạm Minh Vũ, đọc qua đã thấy vô lý rành rành. Ở một nước pháp quyền XHCN như Việt Nam mà trong mắt Vũ, đất nước ta tồn tại không khác gì kiểu vô pháp vô thiên, lãnh đạo muốn làm sao thì làm. Nhìn xem có phải lãnh đạo nào cũng sai phạm hay không mà hắn ta “vơ đũa cả nắm”? Nói thẳng ra, “làm lãnh đạo là phải sai phạm”, đó là nguyên tắc do Vũ tự vẽ ra chứ nào có phải của lãnh đạo Việt Nam. Hơn nữa, với luận điệu xuyên tạc nói trên, Phạm Minh Vũ không chỉ xem thường pháp luật Việt Nam mà còn coi thường nhân dân quá. Hàng triệu lỗ tai, con mắt của nhân dân giăng thành những bức “thiên la địa võng”, thật khó để có sai phạm nào đó có thể qua mắt được nhân dân.
Ông Nguyễn Túc, Uỷ viên đoàn Chủ tịch, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từng nhấn mạnh rằng: “Kẻ thù thường đổi trắng thay đen những việc Đảng, Nhà nước và nhân dân làm được. Nếu tốt thì bảo xấu. Điều quan trọng nhất là dân thấy rõ được bản chất của họ”. Vâng, có lẽ sau hàng loạt luận điệu đơm đặt, “đánh bùn sang ao” thì người dân cũng đã rõ bản chất cũng như âm mưu của các thế lực chống phá.
Một nhiệm kỳ mới sắp bắt đầu. Đại hội Đảng bộ cấp trên cơ sở đã sắp hoàn tất. Đại hội cấp tỉnh, thành phố cũng đang được gấp rút chuẩn bị. Lựa chọn ai và ai đảm nhận nhiệm vụ trong những năm sắp tới thì câu chuyện về ông Nguyễn Đức Chung vẫn còn nguyên giá trị thời sự. Đã có người ví vụ bắt giữ ông Nguyễn Đức Chung hôm thứ sáu tuần rồi là “Hồ Gươm dậy sóng” như lòng dân thủ đô nghĩ về lãnh đạo thành phố trong những ngày qua. Nỗi niềm đó, chắc chắn không chỉ của riêng người Hà Nội mà tương lai còn là của người dân cả nước. Chính vì vậy, mới càng cần công cuộc chống tham nhũng và công tác cán bộ sâu sát, kỹ lưỡng, bởi chúng không chỉ góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước, củng cố niềm tin của Nhân dân, mà còn là bài học cảnh tỉnh, cảnh báo, là sự thật khách quan, không ai đứng trên pháp luật, không ai đứng ngoài pháp luật.
Đặng Trường
Nguồn: Cánh cò