Độc lập đi liền với tự do, chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhấn mạnh tư tưởng “Nếu nước độc lập mà người dân không được tự do thì cái độc lập đó cũng không để làm gì”. Tự do là một tài sản quý giá và vĩnh hằng của con người, có thể coi đó cũng là một quyền tự nhiên của con người. Đây cũng là quyền mà bao năm qua Đảng và nhà nước ta luôn nỗ lực thúc đẩy để đảm bảo tốt nhất cho người dân. Tuy nhiên cần phải hiểu đúng và đủ về tự do, để không bị lung lạc bởi những luận điệu, âm mưu lợi dụng tự do để chống phá nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc của ta.
Tự do, hiểu một cách ngắn gọn là nhu cầu cơ bản của con người. Tự do có những định nghĩa, quy chuẩn rất rõ ràng, tuy nhiên thời gian qua, nhiều đối tượng cố tình xuyên tạc bản chất của tự do, để lợi dụng tự do hoặc cổ xúy cho cái gọi là tự do không hạn định nhằm mục đích xấu. Và đã có một số bài viết đã cho rằng: Nhắc đến tự do mà các ban ngành phụ trách thông tin không cho các ý kiến trái với quan điểm của Đảng và Nhà nước được hiển thị. Theo họ, tự do ở Việt Nam chỉ gắn liền với bắt bớ, giam tù, vì người Việt ngày nay vẫn chưa có tự do phát biểu, không được biểu tình, không được tự do ra báo, không được hội họp, lập hội hoặc không được tự do ứng cử.
Để củng cố cho những luận điệu của mình, những đối tượng này thường xuyên núp bóng những nhà hoạt động nhân quyền, dẫn nguồn các báo cáo nhân quyền để chống phá. Đơn cử mới đây, ngày 19/6/2020, tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế HRW đã phát đi một thông cáo báo chí cho rằng: “Chính quyền Việt Nam đang gia tăng đàn áp các nhà bất đồng chính kiến và hoạt động nhân quyền trước Đại hội XIII”. Đây rõ ràng là một thông cáo xuyên tạc sự thật, thể hiện rõ sự thiếu khách quan, mang nặng tính định kiến và thù địch của tổ chức núp bóng nhân quyền này. Thông cáo này xuyên tạc rằng: “Từ cuối năm 2019 đến tháng 6 năm 2020, Chính phủ Việt Nam đã bắt giữ và kết án nhiều người với các tội danh chính trị”. Để chứng minh cho nhận định xuyên tạc, vô căn cứ trên, HRW đã lấy dẫn chứng về một số trường hợp mà họ cho là những nhà bất đồng chính kiến bị chính quyền Việt Nam gia tăng đàn áp. Đó là: Phạm Chí Dũng, Trần Đức Thạch, Phạm Chí Thành, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn.
Ngày 21/11/2019, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam bị can, lệnh khám xét đối với Phạm Chí Dũng về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” quy định tại Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Trước đó ngày 4/7/2014, Phạm Chí Dũng ra tuyên bố thành lập cái gọi là Hội nhà báo độc lập Việt Nam do Phạm Chí Dũng làm chủ tịch. Hội nhà báo độc lập Việt Nam đã sử dụng các trang mạng xã hội để đăng tải các thông tin, bài viết có nội dung tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước. Bản thân Phạm Chí Dũng cũng thường xuyên ra các thông cáo, tuyên bố của Hội nhà báo độc lập Việt Nam; tham gia ký tên, vận động các cá nhân, tổ chức công khai chống phá chính quyền và đăng tải nhiều bài viết có nội dung tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước trên Internet. Những đối tượng còn lại như Nguyễn Tường Thụy, Phạm Chí Thành hay Trần Đức Thạch đều là những đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật. Và việc cơ quan chức năng thi hành lệnh khởi tố, điều tra là việc làm cần thiết, nhằm ngăn chặn những hành vi nguy hiểm của họ gây ra đối với xã hội.
Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, trong khi các thế lực thù địch, các đối tượng phản động, cơ hội chính trị vẫn ra sức tuyên truyền, xuyên tạc tự do, dân chủ, nhân quyền, thì ở Việt Nam, người dân vẫn đang hưởng thụ một cuộc sống tự do với những quyền tự do được bảo đảm tối đa.
Sắc lệnh số 22/SL ngày 18/2/1946, một trong những sắc lệnh đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Sắc lệnh quy đinh rõ: Những viên chức công nhật tòng sự tại các công sở có quyền được hưởng lương trong các ngày nghỉ lễ chính thức, trong đó bao gồm ngày lễ tôn giáo. Ngày nay, do những thay đổi của cuộc sống hiện đại, quy định này không còn được áp dụng, song người lao động vẫn có thể nghỉ các ngày lễ tôn giáo theo chế độ nghỉ phép trong năm. Từ buổi đầu lập nước, việc thực hành tín ngưỡng, tôn giáo của người dân đã được chính phủ quan tâm, tạo điều kiện. Ở Việt Nam, quyền tự do, tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những quyền cơ bản của công dân, được quy định trong Hiến pháp, được Đảng, Nhà nước quan tâm, tôn trọng và bảo đảm. Trên cơ sở đó, việc thực hành tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam rất đa dạng với hơn 80 nghìn lễ hội tôn giáo, tín ngưỡng hàng năm, thu hút sự tham gia đông đảo của tín đồ và quần chúng nhân dân. Hàng chục tôn giáo được công nhận, hàng chục nghìn chức sắc, chức việc, cơ sở thờ tự được cấp phép hoạt động. 95% dân số Việt Nam có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo.
Tự do ngôn luận cũng là một quyền được hiến định của công dân Việt Nam. Công dân Việt Nam có quyền được tiếp cận thông tin, có quyền được nêu lên quan điểm và tiếng nói của mình. Đảng và Nhà nước luôn khuyến khích nhân dân đóng góp ý kiến, tham gia vào những công việc hệ trọng của đất nước.
75 năm từ buổi đầu lập nước, tự do, mục tiêu và giá trị cốt lõi của nước Việt Nam không hề phai nhạt. Trải qua thời gian, hệ thống pháp luật của Việt Nam đang ngày càng hoàn thiện, nhằm bảo đảm tối đa cho công dân thực hiện quyền tự do cơ bản của mình trên cơ sở không làm hại đến lợi ích của người khác và trong khuôn khổ của pháp luật. Và không chỉ trong nước, mà các tổ chức quốc tế uy tín cũng đánh giá rất cao những nỗ lực của Việt Nam trong đảm bảo, thực thi nhân quyền. Sau khi trở thành thành viên của Liên hợp quốc, Việt Nam đã tham gia và tích cực thực hiện hầu hết các công ước quốc tế về quyền con người. Một trong số đó là công ước quốc tế về các quyền về dân sự và chính trị.
Trong các phiên họp của Hội đồng nhân quyền Liên Hợp quốc, Việt Nam đều tích cực tham gia và bảo vệ thành công báo cáo rà soát định kỳ phổ quát về bảo đảm và phát huy quyền con người (UPR). Tham gia cơ chế UPR từ năm 2008, với chính sách nhất quán về bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người, Việt Nam luôn thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nghĩa vụ và cam kết theo cơ chế UPR. Điều này xuất phát từ thực tế đổi mới toàn diện mà Viêt Nam tiến hành trong những thập kỷ qua. Con người luôn được đặt ở vị trí trung tâm, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của mọi chính sách, hành động. Năm 2019, một trong những sự kiện nổi bật nhất là Việt Nam đã hoàn thành cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III trước Hội đồng nhân quyền Liên Hợp quốc, với những kết quả hết sức tích cực. Không chỉ nỗ lực để đảm bảo quyền con người trong nước, Việt Nam còn tích cực tham gia các diễn đàn, các cơ chế hợp tác trên thế giới về thúc đẩy quyền con người. Việt Nam là thành viên Hội đồng nhân quyền Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2014 – 2016. Năm 2019, Việt Nam trở thành thành viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc với số phiếu cao kỷ lục. Đây là minh chứng rõ nét nhất cho sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam, cũng là cơ hội để Việt Nam đóng góp vào nỗ lực chung nhằm thúc đẩy quyền con người trên phạm vi toàn thế giới.
“Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập. Và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Đây là lời khẳng định và cũng chính là lời kết trong bản Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc vào chiều 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cho đến nay, ý chí quyết tâm bảo vệ nền độc lập tự do vẫn còn vẹn nguyên giá trị, thôi thúc toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nỗ lực hết mình giữ vững quyền tự do độc lập vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Những tiếng nói lạc lõng, xuyên tạc không thể phủ nhận tất cả những nỗ lực, thành tựu trong bảo vệ độc lập, tự do đó của toàn thể dân tộc Việt Nam. Gió cứ thổi, đoàn người cứ đi, một Việt Nam độc lập, tự do vẫn sẽ vững bước tiến về phía trước mang lại hòa bình, ấm no, hạnh phúc cho người dân.
Diệu Hương
*Bài viết mang quan điểm và văn phong riêng của tác giả
Nguồn: Cánh cò